World Bank lạc quan về triển vọng phục hồi của kinh tế Việt Nam

14/11/2021 06:20 Vũ Ninh

Tại báo cáo mới công bố vừa, World Bank nhận thấy số ca nhiễm mới Covid-19 đã có dấu hiệu tăng lên vào cuối tháng 10 khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, trong khi số ca tử vong tiếp tục giảm. Tính đến hết 11/11, cả nước có 1.000.897 ca nhiễm Covid-19 và 22.849 ca tử vong.

Đồng thời, Chính phủ đã và đang tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng với tốc độ trung bình hơn một triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tính đến ngày 7/11, ít nhất 60,5% dân số đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.

Về phía sản xuất, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9% so với tháng 9 và chỉ thấp hơn 1,6% so cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi này phần lớn do hoạt động sản xuất tại Tp.HCM và các trung tâm công nghiệp phía Nam được khôi phục. Trong đó, tốc độ hồi phục lên đến hai con số được ghi nhận ở các tiểu ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc và giày dép, sản phẩm cao su và nhựa, kim loại và đồ nội thất…

Về phía tiêu dùng, doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 18,1% so với tháng 9, vượt xa mức tăng 4,4% của tháng trước nhờ nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội nhưng vẫn thấp hơn 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, do nhu cầu trong nước vẫn yếu, lạm phát cơ bản tháng 10 cũng giảm 0,17% so với tháng 9. So với cùng kỳ năm 2020, CPI chỉ tăng 1,8%, mức tăng thấp nhất trong 3 tháng gần đây và thấp hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4,0%.

"Ngoài ra, cũng trong tháng 10, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng 14,2%, tương đương tốc độ tăng hồi tháng 9. Điều này phản ánh sự phục hồi của các hoạt động kinh tế đang diễn ra sau làn sóng dịch lần thứ tư, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ", báo cáo của World Bank nêu trong báo cáo.

World Bank nhận định những diễn biến kinh tế vĩ mô tích cực trong tháng 10 cho thấy tình hình kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện và tăng trưởng trong những tháng tới.

Từ cơ sở thực tiễn nền kinh tế, World Bank đưa ra 3 đề xuất để duy trì và tăng cường động lực tăng trưởng, phục hồi nền kinh tế.

Thứ nhất, thực thi chính sách tài khóa chủ động (miễn giảm thuế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và cung cấp trợ giúp xã hội cho những đối tượng gặp khó khăn...) để đẩy nhanh tốc độ phục hồi.

Thứ hai, tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng và duy trì hợp lý các biện pháp xét nghiệm và cách ly để tránh nguy cơ một làn sóng dịch bệnh mới.

Thứ ba, theo dõi chặt chẽ áp lực lạm phát trong bối cảnh nhu cầu trong nước phục hồi và giá năng lượng trên thế giới tăng; cũng như tiếp tục theo dõi sức khỏe của khu vực tài chính.