Vượt qua chông gai, xuất khẩu ngoạn mục

12/02/2021 09:53 daidoanket.vn

Song, bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam lại được phác thảo bởi những gam màu sáng khi đạt được con số vượt 500 tỷ USD. Đặc biệt, xuất siêu 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp kể từ năm 2016.

Vượt qua chông gai, xuất khẩu ngoạn mục - Ảnh 1

Những con số ấn tượng

2020 là năm khó khăn nhất của toàn cầu, trong đó có Việt Nam bởi tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên một con đường đầy chông gai, đầy rào cản, xuất khẩu hàng hóa của chúng ta lại có những bước bứt phá ngoạn mục, bất chấp sự hoành hành của đại dịch.

Theo Bộ Công thương, mặc dù dịch Covid-19 hoành hành có những tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới và các mặt của đời sống, xã hội nhưng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam trong cả năm 2020 vẫn đạt một con số ấn tượng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt trên 540 tỷ USD.

Trong đó, riêng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 281 tỷ USD, tăng trưởng 6,5% so với năm 2019. Đáng chú ý, xuất siêu đạt hơn 19 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Những con số này đã đưa Việt Nam đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Nếu là bối cảnh giống như mọi năm, 540 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nói trên sẽ không có gì đáng bàn, nhưng đặt trong bối cảnh cả thế giới chao đảo vì Covid-19 trong suốt 365 ngày của 2020, thì đây là một con số cực kỳ ấn tượng.

Bởi, trong khi nền kinh tế các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm vì giao dịch thương mại bị đình trệ, đứt gãy nguồn cung vì Covid-19, thì riêng Việt Nam con số tăng trưởng xuất khẩu lại là con số dương. Đó là điều khiến thế giới nhìn vào Việt Nam phải nể phục.  Đây là kết quả của những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành địa phương cũng như của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống lại đại dịch, vừa hồi phục sản xuất và phát triển kinh tế. 

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): “Thực tế cho thấy một số DN mới chỉ quan tâm đến thuế suất, mã hàng hóa, trong khi còn nhiều vấn đề phi thuế quan khác DN cần quan tâm. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền hiểu biết cho DN về các FTA, nâng cao trình độ quản trị, đa dạng hóa thị trường, xây dựng hệ thống phòng ngừa rủi ro,... Chính phủ cần “chung tay” với DN trong cải cách thể chế, nhanh chóng luật hóa các cam kết để tạo thuận lợi cho DN hội nhập”.

Và một trong những động lực khiến cho bức tranh xuất khẩu tỏa sáng cả năm 2020 chính là việc Việt Nam tiến hành ký kết và thực thi hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và mới đây nhất là Hiệp định thương mại tư do được ký kết giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA).

Có thể khẳng định, Hội nhập quốc tế chính là điểm nhấn quan trọng của Việt Nam trong năm 2020. Chưa khi nào chỉ trong vòng 1 năm, Việt Nam đã tham gia 3 FTA là những FTA kể trên, mở ra thị trường rộng lớn chưa từng có.

Những cú huých cho xuất khẩu

Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, với Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường thành viên chưa có FTA trước đó với Việt Nam tăng trưởng cao. Cụ thể, xuất khẩu sang Canada ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm trước; xuất khẩu sang Mexico ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 12%.

Một điểm đáng chú ý không thể không nhắc đến, đó là 5 tháng sau khi Hiệp định EVFTA được thực thi (từ 1/8/2020), tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt khoảng 15,4 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ. Chúng ta hoàn toàn tự hào với con số đầy tính khích lệ này, bởi trong bối cảnh GDP của EU vẫn đang tăng trưởng âm và tiếp tục đối mặt với khó khăn, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thì xuất khẩu hàng hóa của chúng ta sang thị trường EU vẫn khả quan và đạt được được những con số hơn cả mong đợi.

Thêm một tin vui của năm 2020 đó là, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN và các nước đối tác, tích cực tìm kiếm giải pháp xử lý những vấn đề vướng mắc, để kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP sau 8 năm, tổ chức thành công Lễ ký kết của Hiệp định vào tháng 11/2020.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, việc ký kết Hiệp định RCEP - Hiệp định Thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới sẽ tạo điều kiện để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực qua đó mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia. Việc thiết lập Hiệp định RCEP cũng sẽ cung cấp thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN cũng như tạo ra cấu trúc thương mại khu vực mới trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm, đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam và khẳng định vai trò dẫn dắt của ASEAN.

Và tin vui dồn dập đến với Việt Nam những ngày cuối năm 2020 khi chúng ta tiếp tục ký kết thêm một FTA với Vương quốc Anh vào cuối tháng 12 vừa qua. “UKVFTA cùng với các Hiệp định khác sẽ tiếp tục góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại của Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới” – Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh đồng thời bày tỏ sự lạc quan vào việc cộng đồng DN Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu từ việc thực thi các FTA này.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều tổ chức trong và ngoài nước đưa thành tích xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vào danh sách “top” các sự kiện kinh tế nổi bật của năm 2020. Rõ ràng, trong cả một chặng đường đầy chông gai của 12 tháng vừa qua, đã có lúc tưởng chừng như tất cả các giao dịch toàn cầu ngừng lại. Đã có những thời điểm các DN ngành may mặc suy sụp vì không có đơn hàng, vì nguồn cung bị đứt gãy, nhiều tháng liền không có hợp đồng mới.

Và có thời điểm, tưởng như tất cả hoạt động sản xuất của cộng đồng DN bị ngưng trệ. Không thể phủ nhận, bức tranh kinh tế của Việt Nam đã từng nhuộm gam màu xám vì những tiếng kêu than của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch dã nghe đến xót xa. Có lẽ, với những gì đã diễn ra trong suốt gần 12 tháng qua, người ta không ngạc nhiên khi con số DN phá sản, buộc phải rời khỏi thương trường của năm nay lên đến một con số kỷ lục: 101,7 ngàn DN.

Thế nhưng, trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 tàn phá, lĩnh vực xuất khẩu lại nổi trội lên và ung dung cán đích với thành tích không thể vui hơn.

Đánh giá về mức tăng trưởng của xuất nhập khẩu hàng hóa năm qua, TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương) nêu quan điểm: Sau 35 năm đổi mới mở cửa và đẩy mạnh định hướng xuất khẩu, các chỉ số xuất khẩu mà Việt Nam đạt được về mặt số lượng là rất cao.  “Nếu như năm 1985, Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 0,34 tỷ USD thì năm nay tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng lên cả nghìn lần.

Xét về kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam hiện đứng 26/240 nền kinh tế trên thế giới. Tăng trưởng xuất khẩu bình quân trong 35 năm qua đạt trên 20%/năm, thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng Top 5 thế giới như gạo, hạt điều, cà phê, dệt may, da giày, thủy sản”, TS Lê Quốc Phương nói.

Nhìn vào từng “mảng màu” của bức tranh xuất khẩu của năm 2020, không khó để nhận thấy, nhiều ngành hàng đã vượt khó thành công. Đơn cử như sản phẩm gạo đã thắng đậm trong năm 2020 khi nông dân trúng mùa lớn, đặc biệt, xuất khẩu gạo của ta liên tiếp vượt Thái Lan và Ấn Độ, soán ngôi số 1 thế giới về giá bán.

Một sản phẩm xuất khẩu ấn tượng phải kể đến nữa là giày dép. Sau hơn 3 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Hiện nay, với hơn 1.700 DN, năng lực cung của Việt Nam được đánh giá là lớn, lên đến hơn 1,1 tỷ đôi giày và gần 400 triệu ba lô, túi xách mỗi năm. Với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%, Hiệp định EVFTA, CPTPP được nhận định sẽ tiếp tục là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong năm 2021.

May khẩu trang xuất khẩu phòng chống Covid-19.
May khẩu trang xuất khẩu phòng chống Covid-19.

“Điểm cộng” xuất siêu

Đáng chú ý, kết quả xuất siêu đã được duy trì, tiếp nối thành tích từ năm 2016. Cụ thể, năm 2016, xuất siêu đạt 1,77 tỷ USD; 2,11 tỷ USD năm 2017; 6,83 tỷ USD năm 2018. Năm 2019, xuất siêu đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 10,87 tỷ USD, cũng là năm đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 500 tỷ USD. Năm 2020, xuất siêu lên đến 19,1 tỷ USD.

Thành tích xuất siêu chính là một “điểm cộng” bởi từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Xuất siêu cũng mang lại những tác động tích cực nhiều mặt về kinh tế vĩ mô. Dự trữ ngoại hối ổn định đã góp phần ổn định tỷ giá, tạo niềm tin cho DN tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đặc biệt, trong điều kiện tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước còn yếu so với sản xuất như hiện nay, việc tăng xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sẽ có tác động kích cung, tức kích thích sản xuất trong nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, con số xuất siêu kỷ lục của năm nay (19,1 tỷ USD) thực sự là con số rất đáng khích lệ, bởi 2020 là một năm thế giới chìm trong khó khăn, nhưng chúng ta vẫn vượt qua những khó khăn đó, vượt qua những rào cản của dịch bệnh để tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt. Đặc biệt, thời điểm từ 2016 về trước, liên tiếp Việt Nam ở tình trạng nhập siêu thì 5 năm trở lại đây đã “lật ngược thế cờ”: Xuất siêu liên tục và luôn đạt được con số ấn tượng.

Lượng hay chất?

Có thể thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đã bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác hội nhập đã được thể hiện rõ ràng hơn, khi hoạt động xuất nhập khẩu không bị tác động quá lớn bởi sự phụ thuộc vào một số thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tuy vậy, nhiều ý kiến của giới chuyên gia cho rằng, để hoạt động xuất khẩu thực sự bền vững trong bối cảnh hội nhập của Việt Nam với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, yêu cầu tiên quyết đó là các lĩnh vực sản xuất, chế biến trong nước cần phải được hồi phục thực sự. Theo đó, các DN cần có bước chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại…

Nhấn mạnh về điều này, PGS.TS Phạm Tất Thắng - Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách (Bộ Công thương) nêu quan điểm, mặc dù đạt được kết quả khả quan, song sở dĩ có được con số xuất siêu kỷ lục trong năm nay một phần do nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu và thiết bị phục vụ cho sản xuất, chế biến chậm lại. Điều này cho thấy, sản xuất trong nước vẫn chưa có sự hồi phục hoàn toàn.

Theo TS Lê Quốc Phương, điểm mấu chốt trong chiến lược xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian tới phải làm sao chuyển từ tăng xuất khẩu về mặt số lượng sang tăng về chất, điều mà Việt Nam chưa làm được trong nhiều năm qua. Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng bày tỏ sự vui mừng, bởi theo ông, nếu như năm 2016, chúng ta chỉ có khoảng 23-25 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu nằm trong nhóm “tỷ đô”, thì thời điểm này chúng ta có 31 sản phẩm thuộc nhóm này.

“Và nếu như trước kia chỉ có 10 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD thì đến nay con số này là 17 sản phẩm. Đặc biệt, trong cơ cấu top 10 sản phẩm xuất khẩu của ta chủ yếu là các sản phẩm chế biến, có giá trị gia tăng cao, điều này khác hẳn thời điểm trước, khi chúng ta chủ yếu xuất khẩu thô các sản phẩm, không qua chế biến sâu, giá trị gia tăng thấp”- Bộ trưởng Bộ Công thương nhận định.

Có thể thấy, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam 2020 có được những kết quả ấn tượng hôm nay, một phần nhờ vào sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp quản lý cũng như sự vào cuộc của cộng đồng DN.

Nhận định về việc Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới chỉ trong thời gian ngắn, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, các FTA với những cơ hội ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác FTA, qua đó giúp gia tăng cơ hội cạnh tranh về giá cho những hàng hóa này. Bên cạnh đó là việc giảm bớt các hàng rào phi thuế bất hợp lý, thống nhất và minh bạch hơn về thủ tục, tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại.

Việc cắt giảm thuế quan sâu rộng liên tục, các FTA với cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm, dịch vụ hàng hóa Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai, đã mở ra một triển vọng tương lai theo hướng có lợi cho Việt Nam, khi tham gia vào một khu vực kinh tế có giá trị GDP chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu.

Đi sâu vào mổ xẻ vấn đề này, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, bên cạnh việc khai thác tốt các thị trường truyền thống, thời gian qua Việt Nam mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA. Điều này giúp DN trong nước tăng năng lực cạnh tranh và nâng cao giá trị hàng hóa xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản vốn là lợi thế của Việt Nam.

“Cùng với việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng cho DN đã và đang tạo động lực rất lớn trong việc phát triển các DN xuất khẩu cũng như thu hút mở rộng đầu tư. Ngoài ra, các FTA giúp chuyển dịch cơ cấu về thành phần xuất khẩu đã có dấu hiệu tích cực, khi xuất khẩu của khối DN trong nước có mức tăng trưởng cao vượt khu vực DN đầu tư nước ngoài”- PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận xét.

Như vậy, những cơ hội mà các FTA thế hệ mới mang lại cho nền kinh tế nước nhà cũng đã bộc lộ rất rõ nét. TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược và Cạnh tranh không ít lần khẳng định rằng, các FTA đang gắn chặt với quá trình tái cấu trúc, sản xuất, kinh doanh của Việt Nam cũng như tạo ra sự chuyển biến lớn trong hoạt động của cộng đồng DN. “Sự tác động của các FTA ngoài cái nhìn thuần túy về thị trường còn mang đến hiệu quả lớn về đối tác, công nghệ lõi và mặt hàng chiến lược. Bởi ngoài xuất khẩu, các FTA chắc chắn sẽ kéo theo sự dịch chuyển về đầu tư, thương mại, nhất là nhân lực chất lượng cao”, TS Võ Trí Thành kỳ vọng.

Năm 2021 Bộ Công thương đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2020 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì vị thế xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng; trong đó lưu ý tới hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề mới chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại và những tác động của dịch Covid-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng. Cùng với đó, Bộ Công thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu qua việc đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh; phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử và nâng cao khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.