Vòng luẩn quẩn nhà ở giá rẻ

24/06/2021 09:29 daidoanket.vn

 

Đa số công nhân khu công nghiệp phải thuê nhà trọ do không thể mua được nhà.
Đa số công nhân khu công nghiệp phải thuê nhà trọ do không thể mua được nhà.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nêu rõ số lượng các dự án phát triển nhà ở, dự án bất động sản được cấp phép, đang triển khai, đã hoàn thành; số lượng dự án, căn hộ đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Đây là việc làm cần thiết khi mà thời gian qua thị trường bất động sản nhiều biến động, giá nhà, đất nhiều địa phương tăng đột biến.

Ở bài viết này, chúng tôi xin được giới hạn trong vấn đề nhà ở, nhất là nhà ở xã hội (hay còn gọi là nhà giá thấp).

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp hiện chỉ chiếm từ 20-30%, trong khi nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp chiếm 70-80%.

Trong khi đó, phân khúc nhà bình dân lại rất ít và có xu hướng “thương mại hóa”, khiến cho người lao động thu nhập trung bình, thu nhập thấp càng mất đi cơ hội mua nhà.

Được biết,  Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Đây được xem là giải pháp nhằm tăng cường nguồn nhà ở bình dân, khi mà Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Tuy đây là giải pháp tích cực nhưng dẫu thế thì người lao động sẽ vẫn phải chờ.

Thực tế cho thấy đã và đang có sự lệch pha cung cầu do các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hầu hết quan tâm đầu tư các dự án nhà ở thương mại theo giá thị trường, phục vụ cho các đối tượng có thu nhập cao, dẫn đến thiếu nguồn cung nhà ở giá thấp dành cho các đối tượng thuộc diện có thu nhập trung bình, hoặc thấp.

Cũng cần nhắc lại, vẫn theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc nhà ở trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm từ 20-30% tùy từng địa phương, đô thị cụ thể, nhưng nhu cầu về phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 20 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70-80% thị trường.

Hiện căn hộ chung cư dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2 đã “biến mất”, mang theo giấc mơ của người lao động thu nhập trung bình.

Còn với người lao động thu nhập thấp thì điều đó lại càng quá xa vời.

Theo cơ quan chức năng, nhu cầu về nhà ở giá thấp cho người lao động vào khoảng 1 triệu căn hộ, nhưng hiện thời cả nước chỉ đáp ứng được khoảng  8  - 10%.

Tại các khu công nghiệp, tính bình quân không quá 20% số lao động có nơi ở ổn định.

Nhưng cũng lại có một thực tế khác, như một nghịch lý, đó là một số dự án nhà ở xã hội ế ẩm dù nhu cầu người mua là rất cao.

Lý do chính là do giá cao và những khu nhà này xa trung tâm, hạ tầng thiếu đồng bộ, thủ tục để được mua nhà quá rắc rối.

Việc lo nhà cho người lao động được đặt ra từ lâu, nhưng trên thực tế lại có nhiều vướng mắc nên một mặt diện tích nhà ở loại này ít, dẫn tới người lao động mất đi cơ hội mua nhà. Ở đây nổi lên hai vấn đề chính. Một là giá nhà quá cao.

Gọi là nhà giá thấp phục vụ người lao động thu nhập trung bình (và thấp) nhưng càng ngày giá nhà càng bị đẩy lên cao.

Một căn hộ dưới 1 tỷ đồng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là điều “không tưởng”.

Nếu như thu nhập bình quân của người lao động 10 triệu đồng 1 tháng, thì không biết mấy chục năm mới mua được nhà vì rằng có nhín nhịn, tiêu pha tiết kiệm đến đâu thì cũng không thể để dành được 1 tỷ đồng trong vòng 20 năm.

Thứ hai, hầu hết các khu chung cư giá rẻ đều ở xa trung tâm, ít nhất là 15km.

Người lao động thu nhập thấp, phải vay mượn để mua nhà nếu ở quá xa trung tâm, xa nơi làm việc thì số tiền phải “chi thêm” hàng ngày không nhỏ, gộp lại mỗi tháng sẽ thành một khoản lớn.

Vì thế, họ cũng khó có thể “mạnh dạn” vay tiền ngân hàng, vay người thân quen để mua nhà; do không nhìn thấy “cửa” trả nợ, vì chi phí cuộc sống sinh hoạt hàng ngày lẫn những chi phí phát sinh nếu ở xa nơi làm việc đã “ngốn” hết thu nhập.

Đó là chưa kể nếu ở xa thì việc học tập của con cái sẽ khó khăn, do cha mẹ không thể đưa đón.

Ở một góc khác, doanh nghiệp xây dựng cũng không mặn mà với những dự án nhà ở xã hội, nhà giá thấp cho người lao động vì đồng vốn họ bỏ ra thu lợi không nhiều so với việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.

Chính vì thế, giới chuyên gia bất động sản cho rằng nhà ở giá thấp hướng tới người lao động vẫn nằm trong vòng luẩn quẩn.

Muốn tháo gỡ thì cần đến những quyết sách mạnh mẽ, không để địa phương cũng như doanh nghiệp xây dựng thiệt thòi nhưng quan trọng nhất là phải thực sự hướng tới người lao động.

Nếu địa phương (có đất) và doanh nghiệp (có tiền) chỉ nhắm tới lợi nhuận cao cho mình thì người lao động sẽ vẫn phải “đứng ngoài cuộc chơi”.