VND lên giá 1,46% so với USD trong 9 tháng đầu năm

19/10/2021 15:55 toquoc.vn

Trong báo cáo chiến lược mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong quý III, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ so với cuối quý II (giảm 16 đồng, tương đương 0,07%) trong khi tỷ giá giao dịch tại các Ngân hàng thương mại giảm 247 đồng (tương đương VND lên giá 1,07% so với USD).

Theo đó, xét trong 9 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm đã tăng 31 đồng (tương đương 0,13%) trong khi tỷ giá thực giảm 337 đồng, tương đương VND lên giá 1,46%. 

Ngược lại, trên thị trường thế giới, đồng USD có xu hướng tăng trở lại, ở mức 4,77% so với cuối năm 2020, và có diễn biến tăng so với phần lớn các đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á. 

Theo số liệu cập nhật của Ngân hàng nhà nước, cán cân thanh toán của Việt Nam thặng dư 1,5 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, bao gồm 10,8 tỷ thặng dư từ cán cân tài chính, nhưng thâm hụt 4,6 tỷ USD từ cán cân vãng lai.

Trong 9 tháng đầu năm, Ngân hàng nhà nước đã 2 lần giảm giá mua vào đồng USD.

Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ cho đồng VND có diễn biến tăng giá so với đồng USD. 

Về lãi suất, BVSC cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp trong những tháng còn lại của năm. 

Cụ thể, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ở trạng thái dồi dào trong quý III/2021 nhờ việc Ngân hàng nhà nước vẫn đang duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ (gần như không sử dụng tới các hoạt động thị trường mở trong hơn 1 năm trở lại đây) trong khi cầu vốn có dấu hiệu tăng chậm lại.

Theo đó, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng rất thấp so với mức trước khi có dịch Covid-19 (0,5-2%/năm).

Lãi suất huy động thấp nhất lịch sử có thể là nguyên nhân khiến tiền gửi từ khu vực dân cư tiếp tục tăng chậm lại (7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,97% trong khi trung bình cùng kỳ các năm gần đây tăng trên 10%).

Hoàn toàn có khả năng một phần dòng tiền gửi từ dân cư đã chuyển sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán. 

Trong các tháng cuối năm, BVSC đánh giá lãi suất huy động sẽ tiếp tục được duy trì ở mặt bằng thấp để hỗ trợ cho sự hồi phục kinh tế.

Nhóm phân tích cho rằng tăng trưởng tín dụng trong Qúy 1 sẽ tăng tốc mạnh hơn so với quý 2 và quý 3 (do yếu tố mùa vụ và tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn).

Nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và doanh nghiệp hồi phục tích cực, tín dụng cho cả năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 12-13%.