VN-Index tiếp đà hồi phục, SSB trần phiên thứ 4 liên tiếp

30/03/2021 06:43 congluan.vn
 
Kể từ ngày chào sàn, cổ phiếu SSB có phiên trần thứ 4 liên tiếp lên 24.650 đồng/cổ phiếu.

Kể từ ngày chào sàn, cổ phiếu SSB có phiên trần thứ 4 liên tiếp lên 24.650 đồng/cổ phiếu.

Sau phiên hồi phục đảo xu hướng và tạo cây nến “rút chân” vào cuối tuần trước, hôm nay (29/3) khởi đầu cho tuần giao dịch mới vẫn nối tiếp đà hưng phấn với sắc xanh bao phủ ngay từ từ những phút đầu mở cửa.

Sau phiên ATO xác định giá mở cửa, VN-Index đã tạo GAP (khoảng trống giá) khá cao so với phiên trước nhờ lực đẩy từ các cổ phiếu vốn hóa lớn như VNM, HVN, GVR, VIC, VRE, FPT… Trong đó VNM là mã cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất lên thị trường và khối ngoại đã giảm bán ròng đáng kể đối với cổ phiếu này.

Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng - nhóm cổ phiếu “gắn nhãn” dẫn dắt cũng có những mức tăng ấn tượng góp phần tạo đà tăng cho các chỉ số. Lần lượt CTG, SSB, ACB, BID, MBB, LPB, SHB, OCB, VIB, VPB… đều bật tăng mạnh với đầu tàu là CTG khi tăng 2,4% lên 40.000 đồng/cổ phiếu. Các mã còn lại cũng có mức tăng từ 1-2%.

Đáng chú ý và ấn tượng nhất trong nhóm ngân hàng là bộ đôi SSB và SHB. Kể từ ngày chào sàn, SSB có phiên trần thứ 4 liên tiếp lên 24.650 đồng/cổ phiếu. Với những ai chấp nhận “liều” mua trần SSB ở phiên chào sàn thì hôm nay hàng về tài khoản, thành quả đem lại cũng không hề nhỏ khi ăn trọn 3 phiên trần sau đó.

Riêng SHB tiếp tục thu hút mọi ánh nhìn khi bất ngờ có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, đặc biệt khi đang tăng 1,5%, SHB nhanh chóng dư mua trần chỉ sau vài lệnh, trước khi tạm dừng phiên sáng đúng 2 phút và duy trì mức giá trần đến kết thúc phiên. Thanh khoản SHB vẫn ở mức cao với hơn 55,7 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. 

Đà tăng lan tỏa khắp các nhóm ngành như xuất khẩu, dệt may, chứng khoán... nổi bật với những mã đầu ngành như TCM, TNG, MSH, VGT, EVE, SSI, VND, HCM...  Hay ở nhóm cổ phiếu ngành gỗ, sản xuất như TTF, GDT, GTA đều tăng kịch biên độ và dư mua trần với khối lượng lớn.

Ở chiều ngược lại, vẫn có một số mã lớn giảm điểm như VGC, KBC, EIB, IJC, MSN, MSB, REE... Tuy nhiên những mức giảm này không đáng kể và không đủ sức làm cản đà tăng của VN-Index.

Ngoài ra, quan sát phiên giao dịch hôm nay, dễ dàng nhận thấy dòng tiền có sự phân hóa và chuyển biến rõ rệt. Nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và mang tính đầu cơ cao đang thu hút dòng tiền như FLC, ROS, HUT, HQC, DLG, KLF... khiến thanh khoản vẫn ở mức cao nhưng giá trị giao dịch lại giảm so với các phiên trước đó.

Đặc biệt trong phiên giao dịch hôm nay nhà đầu tư đã có một phiên giao dịch trọn vẹn khi HOSE không bị nghẽn lệnh như những chuỗi ngày dài trước đó. Tuy nhiên, điểm số thị trường tăng nhưng thanh khoản và giá trị không tăng tương ứng cho thấy nhà đầu tư vẫn tiếp tục thận trọng, thậm chí có thể nói họ chưa đủ tin tưởng vào đà tăng giá nhiều thanh khoản trong thời điểm này.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 13,47 điểm (1,16%) lên 1.175,68 điểm, HNX-Index tăng 5,2 didemr (1,92@) lên 276,16 điểm và UPCOM-index tăng 0,84% lên 80,52 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm hơn so với những phiên trước, đạt 818 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 15.500 tỷ đồng giá trị giao dịch. Khối ngoại vẫn bán ròng hơn 150 tỷ trên HOSE, tập trung nhiểu ở KDH, VCB, VNM, HPG...

Theo đánh giá của BSC, VN-Index trong tuần này vẫn có khả năng trượt xuống dưới mức 1.150 điểm,  sau đó rơi vào trạng thái đi ngang. Ngoài ra, việc Việt Nam vừa phát hiện thêm những ca dương tính mới cùng với việc tín dụng tăng trưởng thấp hơn dự kiến sẽ phần nào gây nên áp lực bán ra trên thị trường.

Khánh Linh