VinaCapital: Dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam, trong dài hạn kỳ vọng hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn

08/11/2020 08:20 toquoc.vn

Thêm nhiều cơ hội mới cho triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong năm 2020, quan điểm được đưa ra bởi VinaCapital trong lần chia sẻ mới đây. Theo ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital: "Việt Nam đang được thế giới đánh giá quản lý chặt và tốt dịch Covid-19. Kết quả, nền kinh tế phục hồi nhanh trong vòng 4-5 tuần sau hai lần bùng dịch. Minh chứng dễ thấy, nhà hàng tiệc cưới, tổ chức sự kiện doanh nghiệp đã sớm hoạt động lại".

Có nhiều cơ hội mới cho triển vọng tăng trưởng của Việt Nam

Chi tiết, về ngắn hạn kỳ vọng chỉ số vĩ mô (tỷ giá hối đoái, lãi suất, lạm phát) sẽ ổn định, Tổng sản phẩm nội địa (GDP) dự tăng trưởng dương trong năm 2020. Năm 2019, Tổng sản phẩm nội địa tăng trưởng 7%, năm nay có thể đạt 1-2%. Riêng 9 tháng đầu năm 2020, Tổng sản phẩm nội địa tăng 2% nhờ tăng trưởng tiêu dùng trong nước (66%/Tổng sản phẩm nội địa) và phục hồi của ngành sản xuất (~20%/Tổng sản phẩm nội địa).

Chưa kể, từ đầu năm xuất khẩu đang tăng cao vượt nhập khẩu, tập trung vào nhóm hàng hoá Stay-At-Home và Work-At-Home, đơn cử ngành điện tử xuất gần 32 tỷ (tăng 26%). Luỹ kế 9 tháng qua, chênh lệch nhập khẩu so với xuất khẩu vào mức 20 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất qua Mỹ tăng 23% lên 55 tỷ USD.

Về lạm phát, những năm gần đây yếu tố làm gia tăng lạm phát chủ yếu do tăng tín dụng, đồng tiền mất giá, cùng với đó là tình trạng xuất siêu dận đến tình trạng gọi nôm na là nhập vào lạm phát. Lạm phát cũng liên quan đến giá thực phẩm, đặc biệt giá heo. Song, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang siết tín dụng, giá heo cũng dần ổn định… theo đó sẽ không có rủi ro về lạm phát.

Đặc biệt, niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh đang dẫn dắt đà tăng của nhu cầu trong nước. Theo Nielsen, chỉ số niền tin người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ. Cùng với đó, niềm tin vào khả năng kiểm soát Covid-19 của Chính phủ Việt Nam đứng đầu thế giới, theo IPSOS.

VinaCapital: Dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam, trong dài hạn kỳ vọng hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn - Ảnh 1.
 

Về dài hạn, Covid-19 đang thúc đẩy dịch chuyển các cở sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, mặt khác cho thấy rõ nét môi trường kinh tế xã hội ổn định của Việt Nam. Ghi nhận, làn sóng FDI tiếp theo đang khởi phát. Theo VinaCapital, hơn 20% cơ sở sản xuất của các công ty nước ngoài đặt tại Trung Quốc sẽ dịch chuyển trong 5-10 năm tiếp theo, 80% người tiêu dùng Hoa Kỳ không muốn mua sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc…

Trong đó, Việt Nam là điểm đến sáng với vị trí nằm gần chuỗi cung ứng, chi phí lao động rẻ, đặc biệt kiểm soát dịch Covid-19 khá tốt. Thực tế, Apple đã bắt đầu xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Đáng nói, sản phẩm tai nghe Airpods Studio có giá 350 USD của Apple sẽ được sản xuất tại Việt Nam: Lần đầu tiên sản phẩm của Apple được sản xuất tại Việt Nam trước khi hoàn thiện tại Trung Quốc. Hay hãng này cũng đang bắt tay vào một quy trình dài hạn để tạo nhóm đối tác cung cấp linh kiện mới tại Việt Nam (WSJ).

Kết quả kéo theo, các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ cải thiện và nâng tầm công ty Việt Nam. Khi mà, các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài sẽ xây dựng chuỗi cung ứng địa phương bằng cách trở thành nhà điều hành thứ 2 của các doanh nghiệp Việt Nam, chuyển giao tri thức kinh nghiệm cũng như xây dựng các hợp đồng mua bán dài hạn.

Lấy ví dụ tại Singapore, vào những năm 1980, có đến 80-90% công ty địa phương tại Singapore không thể đáp ứng tiêu chuẩn mua sắm của các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài. Song, câu chuyện đến nay hoàn toàn khác!

Dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam, dài hạn kỳ vọng hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn

Tựu chung, nền kinh tế vĩ mô ổn định và môi trường thu hút đầu tư sẽ là động lực hồi phục, thậm chí tăng trưởng mạnh trở lại cho thị trường chứng khoán Việt Nam. So với các thị trường trong khu vực, Việt Nam dự kiến sẽ hồi phục nhành nhất; chưa kể rủi ro về những đợt tái bùng dịch tiếp theo cũng thấp hơn.

Dù vậy, tính từ đầu năm, nhà đầu tư ngoại vẫn tiếp diễn rút ròng vốn trên khu vực và Việt Nam nói chung. "Có thể lý giải nhà đầu tư ngoại rút tiền về nước do ‘ở nhà’ cũng đang cần tiền. Hoặc tâm lý bảo toàn vốn giữa bối cảnh rủi ro gia tăng", Andy Hồ nói.

VinaCapital: Dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam, trong dài hạn kỳ vọng hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn - Ảnh 2.
 

Tuy nhiên, theo quan sát của VinaCapital, thực tế điều này chỉ đúng với các nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức nhỏ trên thế giới. Ngược lại, nhiều nhà đầu tư tổ chức lớn trên thế giới vẫn đang có rất nhiều tiền nhàn rỗi, và không thực sự cần thiết để rút tiền về. Đồng nghĩa, một lượng tiền lớn của nhóm này vẫn còn ở châu Á và đang tìm kênh đầu tư, minh chứng là những đợt IPO cực kỳ thành công liên tục diễn ra 9 tháng qua.

Riêng Việt Nam, thị trường chứng khoán vẫn còn nhiều cơ hội. Điều nhà đầu tư ngoại cần là gì: Về Việt Nam có hàng để mua, hàng phải có cơ sở nền tảng tốt, và đặc biệt là còn room ngoại…Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam dự sẽ hút mạnh dòng vốn khi lên được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.

Bổ sung, bà Nguyễn Hoài Thu – Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán đại chúng và trái phiếu – cho biết thông thường 2 năm trước khi nâng hạng, dòng tiền ngoại sẽ đổ vào trước dẫn đến chỉ số tại thị trường đó tăng mạnh. Việt Nam với việc khái niệm Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) lần đầu được đưa vào dự thảo Luật, kỳ vọng gỡ được "nút thắt" room ngoại, thời gian được nâng hạng sẽ chỉ trong vòng 2-3 năm tới. Như vậy, dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về, thậm chí tăng cường đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

"Việc dóng ngoại rút khỏi châu Á thời gian qua là do nhận thấy rủi ro. Dự báo khi khối ngoại bình tâm lại, sẽ kỳ vọng Việt Nam là nơi trú ẩn an toàn với tín hiệu sáng từ kiểm soát tốt Covid-19, giữ được đà tăng trưởng kinh tế dương…", bà Thu nói thêm.

Một động lực khác nổi lên và rất mạnh mẽ thời gian qua, dòng tiền nội. Thống kế có hơn 250.000 tài khoản cá nhân được mở trong những tháng khó khăn. "Điều này cho thấy người Việt Nam rất có thanh khoản: tức có tiền và sẵn sàng đầu tư, tìm cơ hội đầu tư", Andy Hồ nhấn mạnh.

Nếu những tháng đầu năm, dòng vốn nội đến từ cá nhân từ các kênh nhỏ, rủi ro lớn bên ngoài thì hiện nay thị trường ghi nhận thêm các nhà đầu tư lớn: đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiền gửi tại (để dành đầu tư máy móc, thiết bị…) sẽ rút bớt đổ để đầu tư chứng khoán khi mặt bằng lãi suất giảm mạnh.

Kết quả, chỉ số VN-Index tăng mạnh trong 9 tháng qua, thanh khoản cũng cải thiện, đặc biệt đột biến trong tháng 10/2020. Trong đó, chúng ta quan tâm ngành gì, vật liệu xây dựng (hưởng lợi từ chính sách công, nhu cầu dự án bất động sản vẫn cao…), thực phẩm (thời gian qua tăng mạnh), sản phẩm chăm sóc sức khoẻ…

Hay nhóm tài chính, ngân hàng được giãn nợ xấu, trong khi lãi vẫn trả theo quy định hiện hành. Kỳ vọng, dòng thu sẽ đủ để các nhà băng giảm được nợ xấu trong vòng vài năm tới.

VinaCapital: Dòng tiền ngoại sẽ sớm quay về Việt Nam, trong dài hạn kỳ vọng hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức lớn - Ảnh 3.
 

Không thể phủ nhận, tổng lợi nhuận doanh nghiệp năm 2020 sẽ thấp hơn so với 2019, đây là xu hướng chung của khu vực. Tuy nhiên, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp sang năm 2021 sẽ tăng trung bình 28%.