Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong năm 2020 đầy biến động

07/01/2021 07:15 daidoanket.vn

Theo Cục Quản lý giá, mặt bằng giá cả thị trường trong năm 2020 chịu ảnh hưởng chủ yếu từ các yếu tố cung cầu thay đổi liên tục và phức tạp trước diễn biến của dịch Covid-19.

Mặt bằng giá có xu hướng giảm hoặc ổn định ở mức thấp trong các thời điểm cung cầu chịu tác động tiêu cực của tình hình dịch bệnh và hồi phục trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2020 có một số mặt hàng đáng chú ý đã thực hiện bình ổn giá thành công như xăng dầu và điện.

Đã có 2 lần giảm giá điện trong quý 2 và 4, qua đó góp phần ổn định giá cả cũng như tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh đối với những lĩnh vực, đối tượng được ưu tiên trong phòng chống dịch Covid-19 vừa qua.

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc kiểm soát tốt CPI năm 2020 là một thành công “kép” vừa tăng trưởng dương vừa kiểm soát được lạm phát. Đây là điều mà nhiều nền kinh tế thế giới không làm được trong năm 2020 vừa qua. Và có được điều này là nhờ việc chủ động trong thực hiện phối hợp với các bộ, ngành. Qua đó đưa ra các chỉ đạo, điều hành giá, góp phần thành công trong điều hành giữ chỉ tiêu lạm phát năm 2020.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính.

 “Đặc biệt trong năm 2020, chúng ta thấy rằng 1 số mặt hàng cơ bản có định giá có tăng nhưng tương đối giãn cách ra, đồng thời cũng tăng với mức độ vừa phải, nhờ đó hoạt động quản lý giá cả cũng tốt hơn. Đây là những yếu tố giúp cho chỉ số CPI của các tháng năm 2020 tăng không cao, và nếu nhìn tổng thể so với 12 tháng trước, nó giảm dần từ mức 6,2% xuống 3,23%” - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Kinh tế, Học viện Tài chính cho biết thêm.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, thị trường hàng hóa có xu hướng tăng giá vào năm 2021 dựa trên dự báo đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu, trong khi đó lạm phát tại các nước sẽ quay lại, khi mà các biện pháp kích thích kinh tế và tài khóa được kỳ vọng sẽ mạnh hơn.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; trong đó đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng chỉ số CPI bình quân khoảng 4%.

Các chuyên gia nhận định, bối cảnh năm 2021 vẫn rất khó đoán định do tình hình dịch bệnh Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tới nền kinh tế chung của toàn cầu. Do đó, việc điều hành giá cần tiếp tục điều hành một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Đoàn Lý