Vì sao tài sản của ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault tăng gần 100 tỷ USD trong một năm qua?

15/04/2021 15:18 toquoc.vn

Trong năm 2020, doanh thu của tập đoàn hàng đầu thế giới về xa xỉ phẩm LVMH đã giảm 17%, và lợi nhuận giảm 28%.

Nhưng bạn sẽ không thể nghĩ tới những con số thua lỗ này, nếu nhìn vào mức tăng giá cổ phiếu tới 107% của LVMH so với thời điểm 18/3/2020.

Đà tăng này đã giúp tỷ phú Arnault vươn lên vị trí người giàu thứ ba thế giới trên bảng xếp hạng của Forbes, với khối tài sản 171 tỷ USD, tăng lên gần 100 tỷ USD so với con số 95 tỷ USD cách đây hơn một năm.

Có vẻ như chính các cổ đông cũng đang đặt cược rằng doanh thu và lợi nhuận của LVMH sẽ sớm tăng trở lại.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, LVMH ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 16,7 tỷ USD, tăng tới gần 34% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự gia tăng mạnh mẽ của mảng đồng hồ, trang sức, thời trang và đồ da.

Trong báo cáo công bố hôm 26/3, nhà phân tích Thomas Chauvet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cổ phiếu hàng xa xỉ tại Tập đoàn Citigroup, nhận định doanh số bán hàng của LVMH sẽ tăng mạnh trong năm nay khi nhu cầu từ các thị trường Mỹ và Trung Quốc hồi phục.

Khối tài sản của tỷ phú 73 tuổi Bernard Arnault chủ yếu đến từ 47% cổ phần của LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ đang nắm giữ các thương hiệu hàng đầu thế giới như Louis Vuitton, Fendi...

Ngoài ra, vị tý phú này còn sở hữu 2% cổ phần của hãng sản xuất đồ da Hermes, 6% cổ phần của tập đoàn bán lẻ khổng lồ Carrefour của Pháp, cùng với khoảng  1 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư khác.

Có thể nói, LVMH đã có một năm đầy biến cố.

Cổ phiếu của tập đoàn đã lao dốc tới 25% xuống còn 343 USD/cổ phiếu chỉ trong vòng 2 tuần đầu tháng 3/2020, khi thị trường chung bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Tháng 4/2020, LVMH thông báo với nhân viên tập đoàn về việc cắt giảm giờ làm và phải dựa vào chương trình hỗ trợ hoạt động một phần của chính phủ Pháp để duy trì hoạt động.

Đến tháng 6 cùng năm, giá cổ phiếu đã về lại mức trước khi đại dịch bùng phát và đến tháng 11 đã tăng lên tới 589 USD/cổ phiếu, cao hơn 13% so với trước đại dịch.

Vì sao tài sản của ông trùm hàng xa xỉ Bernard Arnault tăng gần 100 tỷ USD trong một năm qua? - Ảnh 1.

Bernard Arnault. Ảnh: AFP/Getty Images

Tháng 1/2021, LVMH đã hoàn thành thương vụ M&A lớn nhất ngành hàng xa xỉ khi chính thức hoàn tất việc mua lại thương hiệu trang sức lâu đời Tiffany & Co. LVMH.

Giá trị ban đầu của thương vụ này là 16,2 tỷ USD, tuy nhiên, giá trị thật là 15,8 tỷ USD, giảm nhẹ so với lời đề nghị ban đầu.

Một tháng sau, LVMH ký hợp đồng mua 50% cổ phần thương hiệu rượu sâm panh Armand de Brignac của rapper Jay-Z với giá khoảng 300 triệu USD.

LVMH đã phải gánh chịu những tác động nặng nề bởi việc đóng cửa các cửa hàng tại các thị trường quan trọng như Trung Quốc và châu Âu vào đầu năm 2020, nhưng hoạt động kinh doanh của tập đoàn đã khởi sắc trở lại trong nửa cuối năm khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc phục hồi, với doanh thu các lĩnh vực thời trang và đồ da - bao gồm cả hai thương hiệu chủ chốt Louis Vuitton và Givenchy — đã tăng ở mức hai con số.

Cùng với LVMH, văn phòng gia đình của ông, Financière Agache, cũng là đối tác của quỹ đầu tư tư nhân L Catterton.

Trong 12 tháng qua, L Catterton đã thực hiện các hoạt động đầu tư mạnh mẽ, với những thương vụ nổi bật trong các ngành từ chăm sóc sức khỏe đến cho vay thế chấp.

Một trong những thương vụ lớn nhất diễn ra vào tháng 1 vừa qua là việc mua lại 70% cổ phần của nhà sản xuất dép Đức Birkenstock, ước tính trị giá 3,4 tỷ USD.

L Catterton cũng đầu tư 250 triệu USD vào công ty công nghệ Ấn Độ Jio Platforms - một công ty con thuộc tập đoàn Reliance Industries của tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani - vào tháng 6 năm ngoái và đầu tư 400 triệu USD vào nhà điều hành du lịch Na Uy Cruise Line vào tháng 5 cùng năm - một vụ đặt cược thành công khi Na Uy mua lại lượng trái phiếu trị giá hơn 1 tỷ USD vào tháng trước.

Nhìn chung, L Catterton đã đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào 20 công ty trong năm 2020 và thu về khoảng 4 tỷ USD trước thuế từ 12 khoản đầu tư mà họ rút vốn toàn bộ hoặc một phần.

Vào tháng 2 vừa qua, tỷ phú Arnault đã bước chân vào lĩnh vực đang gây bão thị trường tài chính khi thành lập công ty séc trống hợp tác với nhà quản lý tài sản Tikehau Capital của Pháp.

SPAC mới, được cho là có tên Pegasus Europe, sẽ niêm yết tại Amsterdam, địa điểm được chọn bởi ít nhất ba công ty séc trống khác kể từ năm 2020.