Vì sao nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục cao trong nhiều năm tới?

21/08/2022 09:00 toquoc.vn

 Tiềm năng lớn nhưng khó tìm nhân sự

Công nghệ thông tin (CNTT) vẫn luôn được xem là ngành học của tương lai.

Thậm chí, đại dịch Covid-19 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ là những chất xúc tác để ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhận ra tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong hoạt động hàng ngày. 

Vì sao nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục cao trong nhiều năm tới? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng (Shark Dũng), Nhà sáng lập Quỹ đầu tư Do Ventures nhận định trong 2 năm Covid-19 diễn ra, các doanh nghiệp phải đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng và phải triển khai việc sử dụng nhiều nhân sự để phát triển nền tảng

"Cho dù doanh nghiệp trong lĩnh công nghệ thông tin, trong lĩnh vực mới hoặc với bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cũng cần nhân sự trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ít nhất phải hiểu để vận hành và xử lý thông tin. Những công ty tôi đầu tư đều có nhu cầu tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin. Ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ xu thế đó còn tiếp diễn một thời gian dài nữa", đại diện Do Ventures đánh giá.

Tuy nhiên trái với nhu cầu nhân sự công nghệ thông tin đang gia tăng, nguồn cung lao động trong mảng này tại Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng dù mức lương được trả không hề thấp.

Báo cáo về thị trường IT Việt Nam của nền tảng tuyển dụng TopDev cho thấy năm 2021, Việt Nam cần khoảng 450.000 nhân lực trong ngành công nghệ thông tin nhưng số lượng lập trình viên hiện tại mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.

Có tới hơn 40% các doanh nghiệp công nghệ thông tin thừa nhận họ đang rất khó khăn để tìm kiếm nhân sự cho các mảng quan trọng như quản lý, giám sát và kiến trúc hệ thống dù mức thu nhập cho những nhân sự dạng này vào khoảng 1.300 USD cho đến hơn 2.200 USD/tháng, cao hơn mặt bằng chung của các ngành khác khá nhiều.

Vì sao nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục cao trong nhiều năm tới? - Ảnh 2.

Nâng cao đào tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế

Vài năm trở lại đây, nhiều đại học tại Việt Nam đã và đang tích cực chuyển mình để đào tạo ra thế hệ sinh viên công nghệ thông tin không chỉ mạnh về số lượng mà còn cả chất lượng. GS.TS Khoa học Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã xuất hiện nhiều ngành mới và đặc biệt, quy mô sinh viên những ngành Kỹ thuật, Công nghệ tăng lên tới 30% thay vì chỉ 9% như trước đây.

Tại Trường Quốc tế, trực thuộc Đạu học Quốc gia Hà Nội, từ năm 2022, một số chuyên ngành mới của công nghệ thông tin đã được đưa vào tuyển sinh, với nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Với ngành Công nghệ thông tin ứng dụng, sinh viên sẽ được trải nghiệm chương trình đào tạo mang tính liên ngành cao, kết hợp giữa công nghệ thông tin, an toàn không gian số, hệ thống nhúng và công nghệ IoT (Internet of Things).

Vì sao nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục cao trong nhiều năm tới? - Ảnh 3.

Trong khi đó, ở ngành Công nghệ tài chính và Kinh doanh số (FinTech and Digital Business), sinh viên theo học sẽ được trang bị các kiến thức và kĩ năng tích hợp về công nghệ và kinh doanh để có thể làm việc tốt trong các lĩnh vực mới trong kỉ nguyên chuyển đổi số như công nghệ tài chính, tiếp thị số,…

Hay với ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp và Logistics (IE – Industrial Engineering and Logistics Systems) , sinh viên sẽ được đào tạo các kiến thức về công nghệ kỹ thuật, phương pháp và công cụ quản lý từ nghiên cứu, thiết kế, phát triển sản phẩm dịch vụ, đến quản trị chuỗi cung ứng, quản trị sản xuất và hậu cần,…

Vì sao nhu cầu nhân lực cho ngành công nghệ thông tin sẽ tiếp tục cao trong nhiều năm tới? - Ảnh 4.

Điểm chung là cả 3 chuyên ngành này đều được tích hợp với chương trình Thạc sĩ, do đó sinh viên chỉ cần học tiếp 1 năm sau khi tốt nghiệp cử nhân là sẽ nhận bằng Thạc sĩ.

Đặc biệt, cách tiếp cận đào tạo của chương trình dựa trên các dự án nhóm, thực hành, thí nghiệm, trải nghiệm thực tế tại các doanh nghiệp ngay từ những năm đầu.

Cách tiếp cận này giúp sinh viên sớm nắm bắt được các kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong thế giới thực, thuộc nhiều ngành công nghiệp khác nhau.