Vì sao giá Bitcoin cắm đầu lao dốc, chạm mốc thấp nhất trong vòng 6 tháng?

22/01/2022 16:35 toquoc.vn

Ngày 21/1 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã lao dốc từ mức hơn 43.000 USD xuống dưới ngưỡng 40.000 USD chỉ trong thời gian ngắn.

So với mức kỷ lục 68.700 USD/BTC được thiết lập tháng 11/2021, Bitcoin đã "bốc hơi" hơn 40% giá trị. Vốn hoá thị trường tiền số bốc hơi khoảng 1.000 tỷ USD so với mức đỉnh hồi tháng 11.

Tính tới trưa ngày 21/01, giá đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất dao động ở mức 38,795 USD/BTC, giảm gần 7,5% trong 24h qua, theo Coindesk. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021

Đà giảm lần này của Bitcoin và thị trường tiền ảo là do nhiều thông tin không sáng sủa từ các chính sách tiền tệ của Mỹ và gần đây là do tác động xấu bởi thông tin tiêu cực từ phía Nga – quốc gia đào lớn thứ 3 trên thế giới.

Theo CNBC, ngày 20/01, Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác trên lãnh thổ nước này. Lý do được đưa ra là các đồng tiền số sẽ đe dọa đến sự ổn định tài chính, phúc lợi của người dân và chủ quyền chính sách tiền tệ của Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga đã đề xuất cấm sử dụng và khai thác tiền điện tử trên lãnh thổ nước này

 

Mặc dù Nga hợp pháp hóa tiền điện tử vào năm 2020, nhưng nước này vẫn luôn hoài nghi về việc chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán. Động thái mới nhất được đưa ra sau khi giới chức Nga đã nhiều lần tranh cãi xoay quanh đề xuất cấm tiền điện tử. Một số chuyên gia cho rằng chúng có thể được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ cho khủng bố.

Trong một báo cáo được công bố hôm 20/1, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết nhu cầu đầu cơ khiến tiền điện tử tăng trưởng nhanh chóng và chúng mang các đặc điểm của mô hình đa cấp Ponzi. Cơ quan này cũng cảnh báo bong bóng tiền điện tử sẽ hình thành trên thị trường, đe dọa sự ổn định tài chính và người dân Nga.

Ngân hàng Trung ương Nga mong muốn chính quyền Tổng thống Putin đưa ra quyết định cấm toàn diện tiền mã hóa, tương tự như những gì Trung Quốc đã làm vào năm ngoái. Lệnh cấm được áp dụng lên hoạt động phát hành và lưu thông tiền mã hóa, các sàn giao dịch tập trung và cả nền tảng giao dịch P2P. Tiền mã hóa cũng được cho là cần bị cấm trong các giao dịch mua bán trao đổi hàng hóa.

Nga hiện là quốc gia lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, sau Mỹ và Kazakhstan

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý tiền tệ cao nhất của Nga còn mong muốn cấm toàn bộ ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến giao dịch tiền mã hóa. Báo cáo khẳng định nếu làm vậy, hoạt động giao dịch tiền mã hoá sẽ bị triệt tiêu, khiến lệnh cấm trở nên hiệu quả hơn.

Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương cũng đề xuất cấm cả hoạt động khai thác tiền mã hóa, với lý do tiêu tốn năng lượng. Được biết, Nga hiện là quốc gia lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, sau Mỹ và Kazakhstan.

Đây không phải lần đầu tiên cơ quan quản lý tiền tệ cao nhất tại xứ sở Bạch Dương thể hiện quan ngại về tiền mã hóa. Hồi tháng 12/2021, giá Bitcoin đã giảm mạnh sau khi truyền thông đưa tin cơ quan quản lý Nga ủng hộ lệnh cấm hoàn toàn tiền điện tử.

Những thông tin về tiền mã hóa (cryptocurrency), hay thường được gọi là "tiền ảo" chưa được pháp luật công nhận tại Việt Nam. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.

GameFi (viết tắt của Game Finance) là thuật ngữ chỉ các trò chơi trên blockchain kết hợp yếu tố tài chính. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không có giá trị khuyến nghị đầu tư.