Vì sao EVN thua lỗ?

31/05/2023 05:29 daidoanket.vn

Kể từ ngày 29/5, cả nước bước vào đợt nắng nóng gay gắt thứ hai tính từ đầu hè. Cơ quan dự báo thời tiết cho biết, đợt nắng nóng này kéo dài hơn 10 ngày, nền nhiệt cao nhất trên 40 độ C, đặc biệt gay gắt ở các tỉnh phía Bắc. Trong bối cảnh đó, nỗi lo cắt điện và điện lại có thể lên giá càng làm cho mùa hè nóng nực hơn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, mức tăng giá điện 3% thực hiện từ đầu tháng 5/2023 chưa cân đối được chi phí. Vì vậy, trong báo cáo trình Chính phủ, EVN kiến nghị được tiếp tục tăng giá điện vào đầu tháng 9 tới. Theo EVN, do giá điện thấp, cộng với khoản lỗ năm 2022 chuyển sang 26.463 tỷ đồng, ước cả năm 2023, EVN lỗ 40.884 tỷ đồng.

Động thái này của EVN đã gặp phải phản ứng từ người dân, doanh nghiệp (DN). Chiều 26/5, phát biểu trong phiên thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, ĐBQH Đỗ Thị Lan cho biết, trước kỳ họp, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị bảo đảm công khai, minh bạch, tính phù hợp của cách tính giá điện sinh hoạt. Đồng thời báo cáo việc EVN thực hiện tinh giản biên chế thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giá thành điện sản xuất, giải pháp cung, cầu điện có đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hay không. Nếu chỉ vì lỗ lớn mà EVN tăng giá điện là không hợp lý.

“Việc chọn thời điểm tăng giá điện khi DN gặp khó khăn, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện tăng lên có phù hợp hay không, có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho điện sản xuất hay không?"- bà Lan đặt câu hỏi.

Tương tự, nhiều chuyên gia tài chính cũng cho rằng, cần làm rõ vì sao EVN báo lỗ lớn, kéo dài từ năm này sang năm khác, trong khi hầu hết các công ty thủy điện, nhiệt điện đều lãi lớn. Năm 2022 tăng trưởng cao so với năm 2021.

Có thể nêu dẫn chứng: Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh kết thúc năm 2022 với doanh thu thuần 3.084 tỷ đồng, tăng trưởng 91% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế cả năm của công ty đạt 1.264,8 tỷ đồng, vượt 40,8% so với kế hoạch năm và tăng gấp 3 lần mức lãi của năm 2021. Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà đạt doanh thu hơn 742 tỷ đồng, tăng 44,2% và lợi nhuận sau thuế hơn 378,7 tỷ đồng, tăng 80,8% so với năm 2021.

Trong khi đó, các công ty nhiệt điện cũng báo lãi. Cụ thể: Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh đạt doanh thu 10.417 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 760 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.

Những công ty phát điện là công ty con được hạch toán vào báo cáo của EVN cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khá cao. Điển hình là Tổng công ty Phát điện 3 (Evngenco 3) cả năm 2022 đạt doanh thu thuần hợp nhất 47.287 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2021; lãi sau thuế đạt gần 2.550 tỷ đồng.

Như vậy, các công ty con, công ty thành viên từ sản xuất đến truyền tải điện đều báo lợi nhuận tăng cao trong năm 2022. Từ đó người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao công ty mẹ là EVN lại thua lỗ? Khoản lỗ đó đến từ đâu? Khách quan hay chủ quan? Ở đây, câu chuyện “con lãi - mẹ lỗ” cần phải được cơ quan chức năng xem xét để tìm ra nguyên nhân. Nói như PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), nếu như EVN nói rằng do giá đầu vào tăng cao gồm nhiên liệu, lãi vay... dẫn đến bị lỗ, thì các công ty con cũng đối diện với khó khăn này, nhưng sao họ vẫn làm ăn có lãi. “Hay cái này chủ yếu thuộc về mặt quản lý?” - ông Thịnh đặt vấn đề.

Trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, dự báo khó khăn còn kéo dài, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ DN để hồi phục sản xuất; hỗ trợ người dân, an sinh xã hội, để người lao động bớt khó khăn. Vì vậy, việc tăng giá điện để bù lỗ cho ngành này không khác nào dồn gánh nặng sang người dân, DN. Cũng thật khó hiểu khi mới tăng giá điện (3% vào đầu tháng 5) thì EVN lại đề xuất tăng tiếp vào đầu tháng 9. Nếu được chấp thuận thì có nghĩa là chỉ trong vòng 4 tháng, DN và người dân lại một lần nữa phải trả thêm tiền cho ngành điện.

Trở lại với việc EVN báo cáo lỗ lớn, rất cần thiết phải làm minh bạch vấn đề. Thứ nhất, vì sao EVN lỗ khủng nhiều năm liên tục nhưng không có biện pháp chấn chỉnh? Thứ hai: Để một tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước thua lỗ nặng, kéo dài như vậy, trách nhiệm trực tiếp của ban lãnh đạo EVN ở đâu? Thứ ba: Có đúng là EVN lỗ nặng đến vậy không khi mà các “công ty con” lại báo lãi?

Từ đó, dư luận cho rằng Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc để làm rõ. DN, người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn nhưng mọi chuyện cần có giải trình đầy đủ, rõ ràng, minh bạch. Chỉ có như vậy mới tạo được sự đồng thuận, san sẻ để cùng vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn.