Vì đâu khối ngoại bán ròng một loạt cổ phiếu ngân hàng trong những ngày đầu tháng 10?

12/10/2021 07:54 toquoc.vn

Những ngày giao dịch đầu tháng 10 tiếp tục chứng kiến xu hướng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Là một trong những nhóm trụ cột của thị trường, nhóm ngân hàng cũng chịu áp lực chốt lời từ khối ngoại.

Dữ liệu giao dịch của HOSE cho thấy, khối ngoại đã bán ròng 12/16 mã niêm yết trên HSX trong 6 phiên giao dịch đầu tháng 10 (1/10 – 8/10).

Trong đó, tâm điểm rút ròng tập trung vào CTG của VietinBank với lượng bán ròng lên tới gần 9,5 triệu cổ phiếu, tương đương 278 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong phiên 4/10, nhà đầu tư ngoại đã xả ròng hơn 4,8 triệu cổ phiếu CTG theo hình thức khớp lệnh - chiếm gần 1/4 thanh khoản khớp lệnh toàn phiên.

Trước đó, CTG cũng liên tục bị xả trong 8 tháng đầu năm và chỉ được mua ròng 337 tỷ trong tháng 9. Lũy kế 9 tháng, cổ phiếu VietinBank bị khối ngoại bán ròng gần 7.000 tỷ đồng.

Chỉ đứng sau CTG, VCB cũng bị các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng gần 1,3 triệu cổ phiếu trong 6 phiên vừa qua với giá trị giao dịch gần 125 tỷ đồng.

Khối ngoại đồng thời xả mạnh MBB và HDB với với giá trị bán ròng lần lượt 107 và 75 tỷ đồng.

Tại VPB, sau khi rút ròng hơn 5.800 tỷ trong 9 tháng đầu năm, đà bán của khối ngoại đã có dấu hiệu chững lại khi chỉ có hơn 560.000 cổ phiếu được bán ròng những ngày đầu tháng 10, tương ứng giá trị gần 20 tỷ đồng.

Ở phía ngược lại, TPB lại được khối ngoại mua ròng hơn 29,9 triệu cổ phiếu trong 6 phiên đầu tháng 10, tương ứng giá trị 1.323 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ở diễn biến liên quan, nhóm nhà đầu tư nước ngoài của SoftBank đăng ký mua vào 28,4 triệu cp TPB, thời gian giao dịch từ 5/10-3/11/2021.

Ngoài TPB, khối ngoại cũng mua ròng tại LPB (13 tỷ đồng) và SSB (4 tỷ đồng).

Vì đâu khối ngoại bán ròng một loạt cổ phiếu ngân hàng trong những ngày đầu tháng 10? - Ảnh 1.

(Nguồn: Hồng Hà tổng hợp từ HOSE)

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS, về bản chất khối nội hay khối ngoại đều tham gia thị trường vì mục tiêu lợi nhuận.

Do đó, khối ngoại sẽ giảm bớt tỷ trọng tại các mã ngân hàng không có nhiều triển vọng tăng lợi nhuận và bị ảnh hưởng mạnh bởi nợ xấu trong thời gian tới.

Mặt khác, nhà đầu tư ngoại không hề bán ra bừa bãi và là bán có lựa chọn. Họ chỉ bán những mã đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm vốn phản ánh khá đáng kể triển vọng kinh doanh vào thị giá.

"Khi thị cổ phiếu chỉnh ở mức giá hợp lý, nhà đầu tư ngoại sẽ mua ròng trở lại’’ Ông Tuấn nhận định.

Cũng theo ông Tuấn, xu hướng bán ròng của khối ngoại một phần còn liên quan đến các chính sách vĩ mô quốc tế.

Cụ thể, xu hướng bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed khiến đồng USD tăng giá so với các đồng tiền khác, đặc biệt là các quốc gia Châu Á.

Do vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có xu hướng giảm bớt tỷ trọng tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm Phân tích thị trường VCBS nhận định, hành động mua bán của khối ngoại liên quan đến nhiều yếu tố, có thể bắt nguồn từ thay đổi đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài hoặc do có sự thay đổi về huy động và phân bổ dòng vốn.

Cụ thể, Việt Nam đã qua đỉnh dịch và có triển vọng hồi phục trở lại trong quý IV/2021 nên cũng có thể kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại vào giai đoạn cuối năm.

Cùng với đó, triển vọng ngành ngân hàng vẫn rất tích cực trong dài hạn, nhóm ngân hàng năng động và có chất lượng tài sản tốt vẫn sẽ có sức hút nhất định với các nhà đầu tư chuyên nghiệp khi giá cổ phiếu điều chỉnh.

Còn theo SSI Research, dòng tiền đầu tư nước ngoài có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút đến từ nhiều lý do khách quan và chủ quan.

Cụ thể, tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong suốt 2 tháng qua (xuất khẩu tháng 8 giảm 1,7%, trong khi xuất khẩu tháng 8 của các quốc gia trong khu vực đều tăng trưởng 2 chữ số).

Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá,… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.

Đồng quan điểm, Chứng khoán KB cho rằng do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam diễn biến phức tạp khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu tiếp tục dịch chuyển sang các thị trường phát triển đang dần tái mở cửa nền kinh tế.

Bên cạnh đó, lo ngại FED bắt đầu giảm chương trình mua tài sản và phát đi tín hiệu có thể tăng lãi suất khi kinh tế phục hồi tốt, đồng USD mạnh lên cũng là nguyên nhân làm giảm bớt sức hấp dẫn của Thịt trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tình hình vĩ mô không khả quan (GDP tăng trưởng âm) khi Việt Nam thực hiện giãn cách hết tháng 9 đã tạo áp lực tâm lý lên khối ngoại.

Ngoài ra, VDSC cũng đề cập tới khả năng rút vốn trong ngắn hạn của nhà đầu tư Hàn Quốc.

Theo quan điểm của nhóm phân tích, việc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nâng lãi suất và lo ngại về sự nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam là những nguyên nhân chính giải thích cho việc các nhà đầu tư Hàn Quốc bán cổ phiếu tại thị trường Việt Nam.

Cụ thể, vào ngày 26/8, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản từ mức thấp kỷ lục 0,5% lên 0,75% để cân bằng giữa tác động của dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành và những rủi ro đối với nền kinh tế như lạm phát cao.

Do đó, điều này làm tăng giá đồng Won của Hàn Quốc so với USD và gián tiếp lên Việt nam đồng, dẫn đến khả năng rút vốn từ Việt Nam về Hàn Quốc trong ngắn hạn. Hơn nữa, nỗi lo về làn sóng Covid-19 thứ tư cũng đè nặng lên tâm lý các nhà đầu tư nước ngoài.