VCCI: Việc giao dịch, mua bán trên mạng xã hội hiện nay vẫn nhờ vào 'may, rủi'

23/03/2021 11:26 congluan.vn
 
Toàn cảnh buổi Toạ đàm do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh KL

Toàn cảnh buổi Toạ đàm do VCCI phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh KL

Phát biểu tại buổi Toạ đàm, ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Nhóm nghiên cứu VCCI cho biết, tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam rất nhanh. Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử trong giai đoạn 2013 – 2019 luôn ở mức cao, trên 20%/năm.

Nhờ vậy, từ xuất phát điểm thấp 2,2 tỷ USD vào năm 2013, quy mô thị trường thương mại điện tử lên đến khoảng 10,08 tỷ USD vào năm 2019. Dự kiến 2025 đạt 23 tỷ USD thông qua 3 kênh thương mại điện tử chính gồm diễn đàn, mạng xã hội; sàn thương mại điện tử và website bán hàng.

Theo ông Đức, thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong thời gian tới. Theo báo cáo Economy 2019 của Google và Temasek giao đoạn 2015-2025, qui mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang tăng trưởng ở mức l49% và quy mô thị trường dự đoán đạt 23 tỷ USD vào năm 2025. Khi đó Việt Nam sẽ trở thành nước có quy mô thương mại điện tử lớn thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia (82 tỷ USD).

"Không chỉ tăng trưởng nhanh về quy mô, thương mại điện tử phát triển đa dạng trên nhiều mặt. Về hình thức, thương mại điện tử cung cấp các hình thức bán hàng rất đa dạng, bao gồm một, một số hoặc tất cả các hoạt động thương mại (từ quảng cáo, tìm kiếm khách hàng, chăm sóc khách hàng đến giao dịch, thanh toán, giải quyết tranh chấp…", ông Minh Đức nói.

Về mặt hàng, các loại hàng hóa và dịch vụ được giới thiệu và cung cấp trên nền tảng thương mại điện tử rất đa dạng, từ các mặt hàng thông thường như sách báo, văn phòng phẩm, thời trang, phụ kiện đến các mặt hàng được kiểm soát về chất lượng như ô tô, xe máy, thuốc, thực phẩm chức năng...

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, giá trị hàng hóa, dịch vụ được trao đổi trên các nền tảng thương mại điện tử khá nhỏ chỉ khoảng 70,4% hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 1 triệu đồng. Còn về thói quen mua sắm, 70% người mua cho biết họ tìm kiếm mặt hàng trên Facebook hoặc Instagram; 30% cho biết sẽ mua trực tiếp từ Pinterest, Facebook, Twitter, Instagram hoặc Snapchat.

Vì thế, một số mạng xã hội đang có xu hướng cung cấp một số tính năng hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử cho người dùng trên nền tảng của mình. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh ở đây là chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hàng giả hàng nhái, nội dung đăng tải không đúng hoặc gây nhầm lẫn, giải quyết khiếu nại, tranh chấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phát hiện và xử lý tội phạm như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra thương mại điện tử còn có chức năng để làm kênh thông tin của doanh nghiệp với công chúng, nhưng lại không nhằm bán hàng hoá, dịch vụ. Ví dụ, một công ty sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh về tầm nhìn chiến lược, đội ngũ nhân sự, các dự án mới, địa chỉ liên hệ, hoạt động trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường...

Trước đặc tính “2 mặt” của thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, sự khác biệt giữa việc giới thiệu thương nhân và giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nằm ở các thông tin đặc trưng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ như tên sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ; giá cả; khối lượng, số lượng, đơn vị.

Nếu có các thông tin đặc trưng này thì được coi là giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ. Nếu không có các thông tin đặc trưng này thì không thể xác định được thế nào là “một sản phẩm”, “một đơn vị hàng hoá” hay “một gói dịch vụ”. Khi không thể xác định được các thông tin này thì các bên vẫn phải liên lạc trực tiếp với nhau để trao đổi cụ thể và đi đến thống nhất về một hoặc nhiều sản phẩm được mua bán. Nói cách khác, khi không có các thông tin này thì không được xem là hoạt động giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ và do vậy, không nên được điều chỉnh bởi pháp luật về thương mại điện tử...

Vấn đề của thương mại điện tử​ là giải quyết tranh chấp

Bình luận về vấn đề giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giới thiệu sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, bà Chu Thị Hoa – Phó Viện trưởng Viện Tư pháp (Bộ Tư Pháp) cho rằng, vấn đề đáng quan tâm của thương mại điện tử là giải quyết tranh chấp.

"Phải có chính sách khuyến nghị, hỗ trợ để các sàn thương mại điện tử có thể liên kết với các trung gian hoà giải, thay vì cơ chế các sàn tự đưa ra cơ chế của mình. Cùng với đó, yêu cầu chủ sàn có trách nhiệm liên đới, vì thế phải có sự liên kết giữa các cơ quan giải quyết trực tuyến – trọng tài trực tuyến", bà Hoa kiến nghị.

Ngoài ra, cần thêm những thông tin hướng dẫn, gợi ý để phân biệt thương mại hay phi thương mại. Nếu có giá cho vào thông tin thương mại còn nếu không có giá cho vào phi thương mại.

Với tốc độ phát triển của nền tảng thương mại hiện nay trên thị trường đang khiến người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thương mại điện tử và đâu là mạng xã hội nên điều kiện cần và đủ lúc này là xây dựng chính sách “khoanh vùng” hơn.

“Cần đặt ra 2 cơ chế quản lý khác nhau để tạo sự rành mạch cho sàn thương mại điện tử”, bà Hoa nhấn mạnh. 

Bổ sung ý kiến này ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng hiện nay giao dịch trên mạng  xã hội, việc mua bán đang nhờ vào may rủi. “Nên thời gian tới VCCI sẽ phải nghiên cứu cơ chế giải quyết tranh chấp bằng bộ máy “toà trực tuyến””, ông Tuấn khẳng định. 

 Khánh Linh