VCCI đề xuất Chính phủ xây dựng luật riêng về kinh tế tuần hoàn

29/06/2022 06:38 congluan.vn

Đây là ý kiến của ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Hội nghị khởi động xây dựng kế hoạch quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn” được tổ chức ngày 28/6.

Theo đại diện VCCI, thời gian qua, những hành động và cam kết mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước và Chính phủ thời gian qua thể hiện trách nhiệm, quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi hoạt động kinh tế sang mô hình tuần hoàn, góp phần giải quyết khủng hoảng biến đổi khí hậu, vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát thải ròng thấp hướng tới mức bằng 0 vào năm 2050 như Chính phủ đề ra tại hội nghị COP26, ngoài quyết tâm về chính trị, rất cần sự vào cuộc của các thành phần kinh tế, xã hội ở các cấp, các địa phương khác nhau.

“Việt Nam phải xây dụng chính sách và có những hành động thực tế nhằm thu hút, kêu gọi sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, địa phương để thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm phát thải”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo những đánh giá ban đầu do VCCI phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước thực hiện với một số khu vực doanh nghiệp và một số ngành hàng cụ thể tại Việt Nam, việc thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn trong doanh nghiệp còn hạn chế. Năng lực và khả năng chuyển đổi sang sản xuất, kinh doanh tuần hoàn là thấp.

Khả năng đáp ứng liên kết giữa các doanh nghiệp tạo thành chuỗi cũng ứng, sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn còn rất hạn chế trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân (chủ quan lẫn khách quan) như hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực và nguồn lực nội tại của doanh nghiệp, trình độ công nghệ còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, cơ sở hạ tầng và khung pháp luật, chính sách chưa hoàn thiện đồng bộ…

Đại diện VCCI cũng cho rằng, để hài hòa, cân bằng lợi ích phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của kinh tế Việt Nam, Nhà nước và Chính phủ cần tiếp nhận ý kiến, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, kinh nghiệm quốc tế để làm căn cứ.

Từ đó, định hướng, lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đề ra lộ trình thích hợp và cam kết mạnh mẽ để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện.

Đối với một số ngành kinh tế cụ thể, Nhà nước và Chính phủ cần có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi mà không trái với các cam kết thương mại quốc tế.

“Nhà nước, Chính phủ nghiên cứu khả năng xây dựng, ban hành luật riêng về kinh tế tuần hoàn, gắn phát triển kinh tế tuần hoàn với đổi mới sáng tạo, tạo cơ chế huy động các nguồn tài chính xanh…”, ông Bùi Trung Nghĩa nêu rõ.