Vaccine chạy theo virus

15/11/2020 07:03 daidoanket.vn

Một kết quả thử nghiệm mới đây cho thấy vaccine  Sputnik V của Nga có hiệu quả đến 92% trong bối cảnh Moscow đang chạy đua với các nước phương Tây sản xuất vaccine ngừa Covid-19.

Ông Kirill Dmitriev - Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) tuyên bố: “Dựa trên các dữ liệu, chúng tôi đang có một loại vaccine rất hiệu quả”.

Vaccine chạy theo virus - Ảnh 1

Kết quả thử nghiệm đến từ 16.000 người tham gia. Họ được tiêm cả 2 liều vaccine. Trước đó, hồi tháng 8, Nga đã đăng ký vaccine Sputnik V và cuộc thử nghiệm quy mô lớn đã được thực hiện 1 tháng sau đó.

Theo hãng tin Reuters, cuộc thử nghiệm giai đoạn 3 của Sputnik V, vaccine do Viện Gamaleya phát triển, đang diễn ra tại 29 trung tâm y tế trên khắp thủ đô Moscow và có sự tham gia của tổng cộng 40.000 tình nguyện viên với ¼ trong số này được tiêm giả dược. Khả năng mắc Covid-19 ở những người được tiêm Sputnik V thấp hơn nhiều so với những người được tiêm giả dược. Tỉ lệ hiệu quả này cao hơn đáng kể so với 50% hiệu quả mà Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ yêu cầu đối với một vaccine ngừa dịch Covid-19.

Theo Bộ trưởng Công nghiệp Nga Denis Manturov, Moscow sẽ sản xuất 800.000 liều Sputnik V ngay trong tháng 11 này.

Trong khi đó, hai hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (trụ sở tại Đức) cho biết vaccine do họ phối hợp phát triển có hiệu quả hơn 90% trong giai đoạn thứ 3 thử nghiệm trên người. Kết quả này dựa trên dữ liệu từ 94 bệnh nhân đầu tiên mắc Covid-19 sau khi tham gia thử nghiệm.

Đó là những dấu hiệu vui trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19, tuy nhiên theo giới chuyên gia y tế, việc phủ sóng vaccine ngừa Covid-19 không hề dễ dàng. “Chúng ta có thể sử dụng nó trong trường hợp khẩn cấp nhưng không thể nói là đã hoàn toàn yên tâm. Nhất là với việc virus biến chủng để thích nghi vẫn là điều thường thấy, điều đó khiến vaccine bao giờ cũng chạy theo sau”- M.Lillya, một chuyên gia vi trùng học đưa ra nhận xét.

Một thách thức nữa là khi kết quả thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 có tín hiệu khả quan, thì cũng không dễ khi thuyết phục người dân tiêm phòng. Vì, không phải nhiều người dám lấy mạng sống của mình ra làm vật thí nghiệm. Nhiều cuộc thăm dò được thực hiện trước và trong đại dịch Covid-19 cho thấy niềm tin của người dân không ổn định vào các kết quả điều chế vaccine, khi họ cho rằng cuộc chạy đua vaccine cũng chính là cuộc đua thương mại.  Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính khoảng 70% người dân trong một cộng đồng phải được tiêm phòng để ngăn sự lây nhiễm virus.

Một thách thức khác lại đến từ khâu hậu cần. Theo đài NBC, rất khó có một hãng dược nào đủ năng lực hoàn thiện chuỗi kho lưu trữ đông lạnh để chờ vận chuyển vaccine từ nơi sản xuất đến bất kỳ điểm sử dụng nào trong vòng 2 ngày. Trong quá trình vận chuyển và bảo quản, vaccine phải được giữ ở nhiệt độ âm 70 độ C mới duy trì hiệu quả tối ưu.  Ví dụ như Hãng Pfizer đã chi hơn 2 tỉ USD để tạo mạng lưới phân phối trực tiếp của riêng mình, nhưng “núi tiền” đó cho thấy vẫn chưa hiệu quả.

Giáo sư Tom Goldsby (Trường Đại học Tennessee, Mỹ), cho rằng rủi ro trong quá trình vận chuyện khá cao và không được phép sai sót. Ví dụ Pfizer dự kiến sản xuất đủ liều dùng cho 25 triệu người vào cuối năm 2020 và cho khoảng 630 triệu người trong năm tới, thì núi vaccine đó sẽ được bảo quản ở đâu.

Ông T.Goldsby còn nêu thêm một giả thiết rằng, với nước Mỹ, khoảng 700 triệu liều vaccine dành cho hơn 300 triệu người (mỗi người cần 2 liều) được cung cấp một cách an toàn, bảo mật và đúng lịch trình  thì phải có binh sĩ có vũ trang triển khai trên máy bay, xe tải, tại các điểm lưu trữ và trung tâm phân phối. Vậy thì ngay lập tức rất khó có thể có được đội ngũ ấy.

Năm 2020 sắp kết thúc, cuộc chạy đua sản xuất vaccine ngừa Covid-19 diễn ra ngày một gấp gáp. Tuy nhiên tình trạng bùng phát đại dịch lại còn đáng sợ hơn. Nước Mỹ, vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca lây nhiễm SARS-CoV-2. Châu Âu rơi vào khủng hoảng khi mà hàng loạt quốc gia buộc phải tái áp dụng những biện pháp cứng rắn, giãn cách cũng như truy vết. Mùa Đông năm nay được coi là mùa Đông nghiệt ngã nhất với châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới 2 (năm 1945), khi bị Covid-19 tấn công.