Ủy ban Chứng khoán Nhà nước yêu cầu công bố số liệu tự doanh của công ty chứng khoán

15/05/2022 06:00 congluan.vn

Phải minh bạch hoạt động tự doanh 

Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch gần đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng với Sở GDCK Việt Nam (VNX) vừa chủ trì tổ chức buổi họp với Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HOSE), Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và 23 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên Top đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình thị trường chứng khoán và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại thị trường chứng khoán.

Tại cuộc họp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các công ty chứng khoán đều đồng quan điểm cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của thị trường chứng khoán thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đề xuất Lãnh đạo Bộ Tài chính một số giải pháp trước mắt và đã được Bộ chấp thuận chủ trương, đồng thời yêu cầu triển khai kịp thời.

Thông tin từ lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban sẽ giao VNX chỉ đạo HNX và HOSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên.

“Trước mắt, Ủy ban yêu cầu các VNX chỉ đạo HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ trình Bộ để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán”, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin.

Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ thị trường chứng khoán phái sinh lên thị trường chứng khoán cơ sở, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế kỹ quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Theo đó, giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục, thay vì chỉ lấy giá trị chỉ số VN30 phiên khớp lệnh định kỳ đóng cửa như cách tính trước đây.

“Việc tính giá thanh toán cuối cùng theo phương pháp nêu trên sẽ được VSD áp dụng sau khi Sở giao dịch hoàn tất điều chỉnh thông tin hợp đồng mẫu và công bố tối thiểu sau 7 ngày làm việc theo quy định hiện hành”, lãnh đạo UBCKNN cho hay.

Trao đổi với báo giới, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán trong nước đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, trước tác động tổng hòa từ yếu tố tâm lý trong nước và đặc biệt là các rủi ro từ thị trường quốc tế như: Fed tăng lãi suất mạnh, căng thẳng địa chính trị chưa được giải quyết, áp lực lạm phát, giá cả đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là giá năng lượng...

Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được kỳ vọng rất lớn sẽ hồi phục và tăng trưởng trở lại trong năm 2022 và các năm tiếp theo, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường có thể còn có sự biến động mạnh, cơ quan quản lý đang đặc biệt ưu tiên các giải pháp ngắn hạn để hỗ trợ thị trường ổn định trở lại, trấn an tâm lý nhà đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cũng đã họp với nhiều thành viên thị trường, công ty chứng khoán để đánh giá tình hình hiện tại của thị trường, cũng như bàn thảo các giải pháp cả ngắn, trung hạn để thị trường vượt qua khó khăn, ổn định trở lại. Trong năm nay sẽ có những thay đổi theo chiều hướng tích cực, kỳ vọng sẽ hỗ trợ thị trường tăng thanh khoản, cũng như minh bạch thông tin trên thị trường.

"Chúng tôi đang dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm ổn định thị trường chứng khoán trong nước. Đồng thời, tích cực thông tin tuyên truyền nhằm ổn định tâm lý của nhà đầu tư, tăng cường lòng tin của các chủ thể tham gia thị trường, công chúng đầu tư trong và ngoài nước vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Tài chính trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển thị trường chứng khoán minh bạch, công khai, an toàn, hiệu quả", đại diện Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói.

ubcknn yeu cau cong bo so lieu tu doanh cua cong ty chung khoan hinh 1

VN-Index giảm mạnh từ đầu tháng 4, rơi về vùng thấp nhất trong hơn 1 năm. Ảnh: Trading View

Tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán

Đối với các giải pháp trung và dài hạn, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 để định hình rõ mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn.

Song song với đó là rà soát, đánh giá tổng kết để kiến nghị những nội dung còn bất cập trong khuôn khổ pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán (kể cả Luật Chứng khoán và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành), nhất là các quy định về minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của bên tham gia, các chế tài xử phạt vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoánđể bảo vệ nhà đầu tư, từ đó khôi phục niềm tin và đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm những giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng cung cấp dịch vụ, năng lực tài chính, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, đặc biệt là các công ty chứng khoán, công ty kiểm toán độc lập, công ty quản lý quỹ, hoạt động của hệ thống công ty định giá tài sản, định mức tín nhiệm, kế toán, kiểm toán. Quản lý, giám sát chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện, phát huy vai trò của các tổ chức này để cung cấp dịch vụ minh bạch, an toàn, hiệu quả cho cả tổ chức phát hành và nhà đầu tư" - lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông tin thêm.

Đối với dòng vốn ngoại, bên cạnh các giải pháp để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang đẩy nhanh các giải pháp để rút ngắn tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.

"Mặc dù, việc nâng hạng sẽ phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức xếp hạng thị trường, tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phối hợp với các cơ quan liên quan để thống nhất giải pháp, vạch lộ trình rõ ràng hơn, phấn đấu cao nhất để kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng sớm nhất, đạt mục tiêu Chính phủ đã đề ra" - đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Ngoài ra, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhấn mạnh, sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo nhà đầu tư, để gia tăng nền tảng kiến thức tài chính, chứng khoán, hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán an toàn và chuyên nghiệp hơn.