Ước mơ nhà giá rẻ của người dân còn lâu mới thành hiện thực

28/06/2021 06:25 toquoc.vn

Chị Trần Lệ Thu quê ở Thái Bình đang cùng chồng con thuê nhà trọ tại Minh Khai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) gần chục năm nay.

Vợ chồng chị bươn chải, tiết kiệm chi tiêu mong sẽ có cơ hội mua được căn hộ chung cư nhỏ tại Hà Nội để an cư.

Theo tìm hiểu của chị Thu, hiện nay tại Hà Nội, dự án nhà ở xã hội là dự án có giá rẻ nhất nhưng gia đình chị không đủ điều kiện để mua loại nhà này vì gia đình chị đều là lao động tự do, chị thì buôn bán nhỏ lẻ, còn chồng chạy xe ôm kiêm vá xe lưu động.

Cách đây hơn 1 năm, khi nghe thông tin nói về chính sách xây dựng nhà thương mại giá rẻ, dưới 20 triệu đồng/m2 đang được nghiên cứu triển khai, vợ chồng chị Thu đã khấp khởi và nuôi hy vọng sẽ có cơ hội mua một căn hộ chung cư nho nhỏ để ở.

Mong muốn này của vợ chồng chị Thu cũng chính là nhu cầu về nhà ở bình dân, giá thấp của rất nhiều người lao động hiện nay ở các đô thị, thành phố lớn.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở bình dân, giá thấp chiếm đến 70-80% thị trường. Còn nhu cầu nhà ở phân khúc trung, cao cấp chỉ chiếm 20-30%.

Trong khi đó, hiện nay nhiều dự án nhà ở trên thị trường có giá bán đều từ 30-40 triệu đồng/m2, dự án cao cấp thì 50-60 triệu đồng/m2, có dự án giá còn cao hơn nữa... mà đối tượng mua được những sản phẩm này lại rất ít.

Giấc mơ mua nhà giá rẻ của người dân bao giờ mới thành hiện thực? - Ảnh 1.

Nhà thương mại giá rẻ vắng bóng trên thị trường hiện nay, những người có thu nhập nhấp vẫn luôn ngóng chờ những dự án nhà giá dưới 20 triệu đồng/m2. (Ảnh: Minh Thư).


Theo báo cáo của Công ty bất động sản DKRA Việt Nam, trong quý 1/2021, tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục không có căn hộ bình dân. Căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 - 30 triệu đồng/m2, tương đương khoảng 1,5 - 2 tỷ đồng/căn đã “mất hút” từ đầu năm 2019 đến nay và dường như không có dấu hiệu quay trở lại.

Tương tự, tại Hà Nội, các dự án có giá dưới 20 triệu đồng cũng rất hiếm; những căn hộ có giá trên dưới 1 tỷ đồng cũng chỉ có ở những dự án nhà ở xã hội, còn dự án chung cư thương mại thì mất hút.

Trước đó, để có quỹ nhà ở thương mại giá thấp, ngày 29/5/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch.

Trong đó, giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp.

Cụ thể là các căn hộ chung cư có quy mô dưới 70m2, giá bán không vượt quá 20 triệu đồng/m2.

Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp với các ưu đãi về đất đai, thuế, cơ chế huy động vốn...

Tuy nhiên, mới đây khi trả lời cử tri quan tâm về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, sau khi gửi dự thảo tới Bộ Tư pháp xin ý kiến thì lại gặp vướng mắc.

Cụ thể, theo ý kiến của Bộ Tư pháp thì các chính sách ưu đãi đối với dự án nhà ở thương mại giá thấp chưa được quy định trong Luật Đất đai (miễn, giảm tiền sử dụng đất), Luật Nhà ở (lựa chọn chủ đầu tư), Luật Thuế (miễn, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp)…

Nghị quyết của chính phủ không phải là hình thức văn bản quy phạm pháp luật sẽ khiến các địa phương gặp khó khăn khi thực hiện nếu được Chính phủ ban hành.

Do vậy, Bộ Xây dựng sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, cho phép Bộ Xây dựng thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về giải pháp khuyến khích phát triển các dự án nhà ở thương mại giá thấp” được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 84 theo hướng: Giao Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình để sửa đổi, bổ sung đồng bộ vào Luật Nhà ở 2014, Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Chính vì thế, những người dân có thu nhập thấp có nhu cầu mua nhà như chị Thu sẽ lại tiếp tục chờ đợi và hy vọng...!