Nhân tài...tủi thân

05/03/2021 16:59 Theo TCDN

Motip bổ nhiệm cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Ninh trùng hợp có nhiều điểm thật giống nhau!

Câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc bổ nhiệm Phó Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư cùng môtip với việc bổ nhiệm Giám đốc sở Lao động, Thương Binh và Xã hội tỉnh Bắc Ninh, nghĩa là có nhiều điểm giống nhau kèm theo vài điều khang khác.

Giống nhau ở chỗ cả hai đều là con Bí thư Tỉnh ủy, đều trưởng thành từ công tác đoàn. Giống nữa là mọi giải thích của lãnh đạo địa phương về quy trình, tiêu chuẩn na ná nhau, nghĩa là đều được sự nhất trí của Tỉnh ủy, được bầu chọn với tỷ lệ rất, rất cao, đều là người có bằng cấp chính quy chứ không phải tại chức, đều được xét chọn không cần thi tuyển, không cần trình bày kế hoạch hành động hay thành tích đã đạt với tổ chức…

Khác nhau ở chỗ, con cựu Bí thư Bắc Ninh là Bí thư Tỉnh đoàn nên thành Giám đốc sở, còn con Bí thư (đương nhiệm) Vĩnh Phúc mới là Phó bí thư Thành đoàn (cấp huyện) nên được chọn làm Phó Giám đốc sở. Ngoài ra, theo một lãnh đạo địa phương, việc bổ nhiệm cán bộ tại Vĩnh Phúc còn căn cứ vào “Nghị quyết số 10 (của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc – NV) về xây dựng đội ngũ trí thức và trọng dụng nhân tài của tỉnh giai đoạn 2020 – 2025”.

Hợp thức hóa định nghĩa về “nhân tài”

Đến đây có thể thấy tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định con gái của Bí thư Tỉnh ủy đích thị là “nhân tài” của địa phương mình. Báo chí đã rất nhanh chóng tìm thấy quá trình hoạt động của tân Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh phúc Trần Huyền Trang, theo đó năm 2013 vị này mới được xét tuyển vào làm việc tại Thành đoàn Vĩnh Yên, năm 2014 đã là Phó bí thư Thành đoàn, năm 2016 chuyển sang làm việc tại Phòng Thẩm định, Sở Kế hoạch Đầu tư.

Do việc tuyển dụng này là sai nên vị công chức (chưa thi tuyển) Trần Huyền Trang buộc phải tham gia thi công chức theo quy định. [1] Hồi câu chuyện “Giám đốc sở 30 tuổi thích chơi chim” ở Quảng Nam gây bão dư luận, báo chí xoáy vào cái “chuyên viên chính” và các loại văn bằng Lý luận chính trị, Quản lý nhà nước của vị Giám đốc này.

Riêng chuyện Phó Giám đốc Trần Huyền Trang thì không thấy báo chí nói gì, có lẽ những thứ ấy đương sự đã quá đầy đủ hoặc khi đã đạt chuẩn “Người tài” thì chỉ xét năng lực, đạo đức chứ không cần các loại giấy tờ khác.

Nhân tiện nói về người tài, những người bằng cấp, trình độ như Giám đốc Nguyễn Nhân Chinh (Bắc Ninh) hay Phó Giám đốc Trần Huyền Trang (Vĩnh Phúc) ở nước mình nếu không có hàng vạn thì chắc cũng có vài nghìn. Cứ cho là cả nước chỉ có chừng một, hai nghìn người tài theo khuôn mẫu Quảng Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, chia cho 63 tỉnh, thành phố thì mỗi nơi ít nhất cũng có cỡ 20 vị. Thế thì trong số 20 người tài theo giả định nêu trên, việc chọn 1 bỏ 19 có nên thực hiện sao cho công bằng, minh bạch?

Việc bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc liệu có đúng quy trình?

Việc chọn nhân sự Giám đốc, Phó Giám đốc sở chắc chắn phải thông qua Tỉnh ủy hoặc Thường vụ Tỉnh ủy và lời giải thích của vị đại diện các cơ quan, dẫu là Bắc Ninh hay Vĩnh Phúc nghe cứ … quen quen. Những người không được chọn liệu có nên vui vẻ chấp nhận bởi “Con lãnh đạo làm lãnh đạo là hồng phúc của dân tộc” hay sẽ cảm thấy tủi thân bởi “nguồn gốc xuất xứ”?

Đây mới chỉ nói về phương diện tình người, nếu nói về lý, tức là về chủ trương, chính sách và pháp luật thì liệu Vĩnh Phúc có “đúng quy trình”?

Năm 2017 Ban tổ chức Trung ương đã ban hành Công văn số 2499-CV/BTCTW về thực hiện đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”. Sau đó Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 2424/BNV-CCVC hướng dẫn triển khai việc thực hiện đề án. Công văn số 2424/BNV-CCVC quy định 14 cơ quan trung ương và 22 địa phương thuộc diện thí điểm “tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn thực hiện thí điểm đổi mới phương thức tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng, gồm: Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre; các thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh.

Về các đối tượng phải tham gia thi tuyển làm lãnh đạo, quy định của Bộ Nội vụ chỉ rõ: “Cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn”.

Có ba đối tượng trong quy hoạch được phép không tham gia dự tuyển là người ốm đau, người đang đi học ở nước ngoài và phụ nữ nghỉ thai sản. Những người không thuộc vào ba đối tượng trên nếu “Không tham dự tuyển là người ốm đau, người đang đi học ở nước ngoài  và phụ nữ nghỉ thai sản.

Những người không thuộc vào ba đối tượng trên nếu “Không tham gia dự tuyển thì hàng năm khi rà soát danh sách quy hoạch, cơ quan có thẩm quyền đưa ra khỏi danh sách quy hoạch”. Vĩnh Phúc là một trong 22 địa phương được chọn để thực hiện thí điểm tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp sở, nghĩa là với chức danh Phó Giám đốc sở, địa phương này phải thực hiện các nội dung đã có trong Công văn số 2424/BNV-CCVC.

Điều này có nghĩa là muốn trở thành Phó Giám đốc sở, phải tham gia kỳ thi tuyển với bài thi viết 180 phút, nếu đạt trên 50 điểm thì mới được tiếp tục bước hai là “Thi trình bày đề án”.

Ngày 27/04/2020 Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết 3 năm thực hiện Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.

Kết luận tại hội nghị là “Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương báo cáo, đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định nhân rộng việc thực hiện thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý thông qua thi tuyển tại các Bộ, ngành, địa phương, trong đó, xác định cụ thể tỷ lệ tối thiểu khoảng 50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển và tiến hành tổng kết vào Quý IV năm 2022 (sau 05 năm triển khai Đề án). [2]

Vậy là việc “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng” tại tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn phải tiếp tục ít nhất đến cuối năm 2022 và ít nhất “50% vị trí lãnh đạo, quản lý khi bổ nhiệm phải thực hiện thông qua thi tuyển”.Được biết cũng đợt với Phó Giám đốc Trần Huyền Trang, Vĩnh Phúc đã bổ nhiệm 08 cán bộ trẻ vào các vị trí Phó Giám đốc sở, lãnh đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,... [3]

Vậy Bộ Nội vụ sẽ nói gì khi Vĩnh Phúc thực hiện bổ nhiệm lãnh đạo cấp sở hoặc tương đương nhưng chưa (hoặc không) đề cập đến chuyện tổ chức thi tuyển?

Liệu có chuyện Vĩnh Phúc đã báo cáo và Bộ Nội vụ đã cho qua?

Liệu có khả năng việc bổ nhiệm con gái Bí thư Tỉnh ủy làm Phó Giám đốc sở cùng với 8 người khác được thực hiện trong hoàn cảnh đặc biệt do phải tập trung chống dịch Covid-19, không thể tổ chức thi cử do đó không cần tuân theo quy định của Bộ Nội vụ (mà thực chất là quy định trong Công văn số 2499-CV/BTCTW do Ban tổ chức Trung ương ban hành)?

Có một tổng kết khá thú vị được nêu trong Hội nghị sơ kết nêu trên, đó là văn bản của Bộ Nội vụ “Chưa đưa hướng dẫn và phương án xử lý một số tình huống nảy sinh liên quan đến nguyên tắc cạnh tranh trong thi tuyển”, chẳng hạn “Đến ngày tổ chức thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, phần lớn ứng viên đã đăng ký thi tuyển xin rút không tham gia thi tuyển chỉ còn một ứng viên”.

Kết luận khiến người ta nhớ đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong các vụ đấu thầu! Bộ Nội vụ đã “rút kinh nghiệm”, đoán rằng Vĩnh Phúc cũng cùng “rút” với Bộ nhưng vì sợi dây kinh nghiệm “rút hoài, rút mãi chưa hết” nên địa phương sẽ “rút tiếp” đến năm 2022.

Ngược lại, Bộ Nội vụ có nên lấy kinh nghiệm của Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và không ít địa phương, cơ quan khác trong việc lựa chọn “người tài”, lấy luôn đó làm tiêu chuẩn để phổ biến rộng rãi thay vì phải “Triển khai xây dựng đề án Chiến lược quốc gia về nhân tài”?

 

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chuyen-bo-nhiem-nu-pho-giam-doc-so-kh-dt-vinh-phuc-716507.html

[2]https://www.moha.gov.vn/tin-noi-bat/hoi-nghi-so-ket-3-nam-thuc-hien-de-an-thi-diem-doi-moi-cach-tuyen-chon-lanh-dao-quan-ly-cap-vu-cap-so-cap-phong-44221.html

[3] https://tuoitre.vn/ban-to-chuc-tinh-uy-vinh-phuc-khong-ap-luc-khi-bo-nhiem-con-gai-bi-thu-tinh-lam-pho-giam-doc-so-20210302085750903.htm

Theo TCDN