Trung Quốc yêu cầu tỷ phú Hứa Gia Ấn dùng 'tiền túi' để thanh toán các khoản nợ của Evergrande

27/10/2021 06:58 toquoc.vn

Yêu cầu của Bắc Kinh đối với nhà sáng lập Evergrande được đưa ra sau khi công ty này lỡ hạn thanh toán trái phiếu coupon ngày 23/9.

Chính quyền các địa phương ở khắp Trung Quốc đang giám sát các tài khoản ngân hàng của Evergrande.

Mục đích là để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng cho các dự án nhà ở chưa hoàn thiện và không chuyển cho các chủ nợ.

Động thái mới cũng là một dấu cho thấy Bắc Kinh không ra tay "giải cứu", ngay cả khi cuộc khủng hoảng nợ của nhà phát triển này bắt đầu lan sang những công ty khác.

Hiện vẫn chưa rõ liệu tài sản của ông Hứa có đủ để giải quyết một phần trong khoản nợ khổng lồ của Evergrande hay không.

Trái phiếu USD của nhà phát triển này đang được giao dịch ở mức rất thấp so với giá trị ban đầu.

Nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị tinh thần cho khả năng cuộc tái cơ cấu nợ lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc sẽ xảy ra.

Theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index, giá trị tài sản của ông Hứa đã giảm từ 42 tỷ USD là mức đỉnh của năm 2017 xuống còn khoảng 7,8 tỷ USD.

Phần lớn tài sản của vị tỷ phú đến từ cổ phần chi phối của ông tại Evergrande và cổ tức bằng tiền mặt mà ông nhận được kể từ khi công ty niêm yết năm 2009.

Bloomberg tính toán, ông Hứa đã có thêm 8 tỷ USD trong thập kỷ qua nhờ các đợt trả cổ tức "hậu hĩnh" của Evergrande, nhưng không rõ ông đã tái đầu tư khoản tiền đó như thế nào.

Tuần trước, Evergrande đã gây bất ngờ khi thoát khỏi cảnh vỡ nợ trong gang tấc, vì đã thanh toán số trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD cho các trái chủ nước ngoài trước ngày hết hạn 23/10. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ nguồn tiền đến từ đầu.

Ngoài ra, Reuters đưa tin, ông Hứa đã đồng ý sử dụng tiền riêng để hoàn thành một dự án dân cư ở Trung Quốc và thanh toán nợ cho các trái chủ có liên quan.

"Bài kiểm tra" tiếp theo đối với Evergrande sẽ là trái phiếu USD đến hạn vào ngày 29/10, khi thời gian gia hạn 30 ngày kết thúc.

Năm 2022 sẽ là khoản thời gian đầy khó khăn khi 7,4 tỷ USD trái phiếu trong và ngoài nước sẽ đến hạn.

Trong những tháng gần đây, việc thanh toán các khoản nợ của Evergrande không nhận được sự hỗ trợ nào từ việc thanh lý tài sản, dù ông Hứa bán cổ phần trong đơn vị kinh doanh xe điện và sản xuất nước đóng chai.

Tuần trước, Evergrande cho biết, các cuộc đàm phán để bán bớt cổ phần trong chi nhánh quản lý bất động sản đã đổ bể.

Đế chế của ông Hứa là một trong những "nạn nhân" lớn nhất khi Chủ tịch Tập Cận Bình nỗ lực kiểm soát tình trạng nợ chồng chất của lĩnh vực bất động sản và giảm thiểu rủi ro trên thị trường này.

Evergrande và các công ty liên kết phát triển nhờ phát hành trái phiếu, bán cổ phiếu, đi vay ngân hàng và gọi vốn thông qua những hệ thống "ngầm".

Cho đến nay, Evergrande vẫn chưa hoàn thiện nhà ở cho 1,6 triệu người mua đã đặt cọc.

Doanh số bán nhà của công ty cũng giảm khoảng 97% trong mùa cao điểm mua nhà, theo đó khả năng huy động tiền mặt cũng bị hạn chế. Những vấn đề của họ đang ảnh hưởng đến tâm lý của cả thị trường.