Trần lãi suất huy động, có cần nữa không?

14/06/2021 11:07 toquoc.vn

Hiện các ngân hàng phải tuân thủ trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, còn lãi suất tiền gửi trên 6 tháng theo thỏa thuận với khách hàng.

Đến lúc bỏ trần lãi suất huy động - Ảnh 1.

Lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước qua các năm. ĐVT: %

Lãi suất tiền gửi không hấp dẫn

Mặc dù đã lâu không thấy các cơ quan quản lý công bố thống kê về tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng, song qua báo cáo của các địa phương cũng phần nào cho thấy hoạt động này đang chậm lại.

Đơn cử theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 5, dư nợ cho vay của các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 4,7%, trong khi vốn huy động chỉ tăng 2%....

Do huy động vốn chậm lại, thấp hơn nhiều tốc độ tăng của tín dụng khiến thanh khoản của hệ thống bị co hẹp, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao.

Đó cũng chính là lý do không ít ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên theo quy định hiện hành, các ngân hàng chỉ được trả lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,2%/năm và tối đa là 4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Còn với kỳ hạn trên 6 tháng, các ngân hàng được phép thỏa thuận lãi suất với khách hàng.

Vì thế không ít ngân hàng để lãi suất khá cao ở các kỳ hạn này, thậm chí lên tới 8,2%/năm.

Thế nhưng, hiện nguồn tiền gửi tại các ngân hàng đa phần là ngắn hạn nên việc tăng lãi suất kỳ hạn trên 6 tháng không mấy phát huy hiệu quả.

Cân nhắc bỏ trần lãi suất

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện số lượng các Tổ chức tín dụng Việt Nam tương đối nhiều, nhưng chất lượng chưa đồng đều, việc áp dụng trần lãi suất huy động dưới 6 tháng sẽ có tác dụng giữ ổn định tiền tệ và tâm lý kỳ vọng về lạm phát.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, hiện lạm phát được duy trì ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định; trong khi sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể khi mà hầu hết các ngân hàng đều đã áp dụng chuẩn an toàn vốn theo Basel II, thậm chí một số ngân hàng còn đang triển khai Basel III.

"Đó là những tiền đề thuận lợi để bỏ công cụ trần lãi suất", một chuyên gia nhấn mạnh và cho biết thêm, khi bỏ trần lãi suất, Ngân hàng Nhà nước vẫn còn nhiều công cụ mang tính thị trường hơn để kiểm soát thanh khoản cũng như hoạt động huy động vốn và cho vay của các nhà băng như: Tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ dự trữ thanh khoản, tỷ lệ cho vay trên nguồn vốn huy động…

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước còn có công cụ thị trường mở để điều tiết cũng như hỗ trợ thanh khoản cho các nhà băng.

Mặc dù việc bỏ trần lãi suất trong bối cảnh hiện tại có thể khiến lãi suất huy động tăng, song theo giới chuyên gia, mức tăng sẽ là không lớn do lạm phát vẫn đang được kiểm soát và thanh khoản của hệ thống vẫn dồi dào.