Tôn vinh các tờ báo cách mạng Việt Nam ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc

18/05/2022 23:20 Thùy Dương

Đại biểu tham quan trưng bày

Kéo dài đến hết ngày 31/12, trưng bày “Đứng lên và Cất tiếng” góp phần tôn vinh chặng đường hoạt động sôi nổi của một nhà báo vì nước, vì dân, đó chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh những đóng góp của báo chí cách mạng Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong đó, có sản phẩm báo chí “chưa từng có” ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm viết báo là để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Khắc ghi những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mọi hoàn cảnh, những nhà báo - chiến sỹ luôn vững tay bút, sáng niềm tin, góp phần cất lên tiếng nói của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình và dựng xây đất nước.

Ngay cả khi bị bắt giam trong các nhà tù thực dân, đế quốc, các chiến sỹ yêu nước, cách mạng vẫn dùng ngòi bút làm vũ khí để bẻ gãy gông cùm.

Những tờ báo đặc biệt được xuất bản sau song sắt đã tố cáo chế độ nhà tù hà khắc, thể hiện ý chí kiên trung, tinh thần lạc quan và niềm tin với cách mạng.

Tại Nhà tù Hỏa Lò, để đập lại giọng điệu sai lầm của các tù nhân Quốc dân Đảng và giác ngộ họ theo cách mạng, Chi bộ nhà tù đã ra các tờ báo “Con đường chính”, “Đuốc Việt Nam”, báo “Lao tù”... do các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trịnh Đình Cửu chấp bút và chỉ đạo.

Tờ “Lao tù tạp chí” do Chi bộ Đảng Nhà tù Hỏa Lò xuất bản, là cơ quan ngôn luận phổ cập tới mọi “hang cùng ngõ hẻm” trong Nhà pha Hỏa Lò và cũng là cơ quan ngôn luận “sống” lâu nhất.

Tại Trại giam L năm 1943 - 1945, tờ “Xuân tù” đã ra đời có minh họa màu sắc xanh đỏ rất vui mắt (màu đỏ lấy từ thuốc đỏ, màu vàng lấy từ thuốc ký ninh, màu xanh từ thuốc quinobleu của nhà thuốc). Anh em trong trại chuyền tay nhau đọc, ai không biết chữ thì ngồi nghe...

Đảng bộ Nhà tù Sơn La đã đề ra nhiều hình thức hoạt động phong phú, trong đó, có xuất bản tờ “Suối reo” nhằm đoàn kết, giáo dục, động viên các lực lượng trong nhà tù. Sang năm 1943, sắp đến ngày thành lập Đảng, “Suối reo” càng hoạt động ráo riết... Ngoài “Suối reo” còn có nhiều bài thơ, câu đối của những tác giả truyền miệng cho nhau.

Còn tại Nhà tù Côn Đảo, khắp các nhà lao đều có Chi bộ. Banh II có tờ “Ý kiến chung”, có các cây bút như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn… Để thông tin, tuyên truyền trong các tù nhân, những người tù cộng sản đã nghĩ ra cách làm báo độc đáo. Tờ báo có tên là “Phá ngục” được làm bằng cách dùng vỏ sò, san hô nung làm phấn, viết trên nền nhà, thông tin được truyền đi trong nhà tù. Ngày 20/11/1972, tù chính trị cho xuất bản tờ “Sinh hoạt” - một trong những tập báo đầu tiên của những người tù Côn Đảo.

Sau đó, những tờ báo “Văn nghệ”, “Rèn luyện”, “Đoàn kết”, “Quyết tâm”, “Tiến lên”, “Niềm tin” ra đời. Những ấn phẩm báo chí đặc biệt này được anh em nhiệt tình đón đọc. Từ kết quả bước đầu thu được, Đảng ủy Lao 6B quyết định ra một nội san hàng tháng, lấy tên là “Xây dựng”. Để cất giấu, Ban biên tập cuộn chặt nội san vào túi nylon, rồi chôn dưới gầm bê tông phòng giam.

Bên cạnh giới thiệu và tôn vinh các tờ báo cách mạng độc đáo ra đời ra đời trong các nhà tù thực dân, đế quốc; trưng bày còn kể nhưng câu chuyện về những nhà báo, chiến sĩ can trường trên chiến trường khốc liệt.

Trong phạm vi trưng bày, Ban tổ chức đã giới thiệu 10 tấm gương nhà báo, liệt sỹ tới công chúng. Đồng thời, tại đây còn giới thiệu không gian trưng bày những hiện vật gắn liền với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ trưng bày, các đại biểu tham dự còn được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử là các nhà báo chiến trường năm xưa, như: Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành; nhà báo Trần Hồng; nhà báo Trịnh Hải; đại diện gia đình nhà báo liệt sỹ Lương Nghĩa Dũng, nhà báo chiến trường Chu Quang Tuấn...

Đặc biệt, những lá bàng in những bài thơ trích trong “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những lời căn dặn của Người đối với các nhà báo cách mạng được Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò gửi tới các đại biểu tham dự khai mạc trưng bày.