Tồn kho 3.300 nhà ở các loại, thị trường bất động sản có cần giải cứu?

26/05/2021 07:42 congluan.vn

Năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng về cả nguồn cung và khối lượng giao dịch.

Thế nhưng, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2021, toàn thị trường vẫn ghi nhận khoảng 3.300 căn hộ các loại tồn kho. 

Phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, condotel có sức tiêu thụ chậm nhất. Tỷ lệ giao dịch bình quân trong quý chỉ đạt khoảng 30%.

Trong khi đó, theo báo cáo của các doanh nghiệp đang khai thác phân khúc bất động sản này, lượng hàng tồn kho đang chiếm tỷ lệ khá cao.

Đơn cử như Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, khối lượng hàng tồn kho đang nằm chủ yếu ở hai dự án Gem Riverside (1.559 tỷ đồng) và Opal Boulevard (1.175 tỷ đồng);...

Bên cạnh phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, thì dòng sản phẩm nhà ở cao cấp, giá trên 35 triệu đồng cũng đang khó tiêu thụ. 

Nhận định về tình hình hàng tồn kho trong quý I/2021, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản cho rằng: Mặc dù lượng sản phẩm tồn kho của các doanh nghiệp tương đối lớn, nhưng thực tế trong khoảng 3 năm trở lại đây nguồn cung mới liên tục giảm, trong khi nhu cầu thị trường vẫn ở mức cao, đó chính là lý do khiến giá bán không ngừng bị đẩy lên.

Doanh nghiệp cũng có xu hướng giữ lại hàng chờ thời điểm giá bán tăng hợp lý sẽ “bung” ra để bán.

Còn theo ý kiến của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, khi lượng hàng tồn kho bất động sản tăng lên không chỉ trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, mà còn cả nền kinh tế. 

Điều đáng lo nhất là thị trường không chấp nhận hàng tồn kho của doanh nghiệp, bởi thường có vướng mắc về thủ tục pháp lý hoặc liên quan tới nợ xấu và an toàn tín dụng, cho nên dù ở góc độ nào cũng phải cảnh báo việc tồn kho bất động sản tăng cao.

Bên cạnh đó, việc con số cập nhật hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản hầu như mới chỉ thể hiện ở khối doanh nghiệp niêm yết, nếu mở rộng ra toàn thị trường thì chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản nhìn nhận: 3.300 căn hộ còn tồn chỉ là “tảng băng nổi” trên thị trường.

Trên thực tế, nhiều dự án ở các đô thị nhỏ, đô thị du lịch đang gặp khó trong việc tìm kiếm khách hàng và nhà đầu tư.

Điều này cho thấy, thị trường đang mất sự cân bằng giữa các phân khúc.

Trong khi các phân khúc nhà ở giá thấp đang thiếu nghiêm trọng, thì dòng sản phẩm nhà ở cao cấp lại dư thừa.

Theo ông Tuấn, thị trường bất động sản Việt Nam vào năm 2011 - 2012 đã từng bị “vỡ bong bóng”, cũng vì tồn kho bất động sản.

“Trước giai đoạn 2011 - 2012, các chủ đầu tư trong nước tung ra ồ ạt nguồn cung căn hộ diện tích lớn, căn hộ cao cấp.

Do có giá bán cao, không phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng dẫn đến hiện tượng tồn kho bất động sản và “vỡ bong bóng”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn nhận định: Để “giải cứu” thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã cho phép chia nhỏ các căn hộ diện tích lớn, làm giảm thiểu thiệt hại do sự đổ vỡ của thị trường.

“Đây chính là bài học cho chủ đầu tư khi bỏ qua bước tìm hiểu thị trường và phân tích nhu cầu thị trường.

Mặc dù so với 1 thập kỷ trước, số lượng 3.300 căn hộ tồn kho trong quý I/2021 không phải là quá lớn, chưa tới mức phải "giải cứu".

Tuy nhiên, các chủ đầu tư đang có hàng tồn nên xem xét lại định hướng doanh nghiệp và tập trung phát triển các dự án phù hợp với thị trường hơn”, ông Tuấn nói.

Việt Vũ