Toàn cảnh vụ ùn ứ hàng hóa tại Lạng Sơn: Trung Quốc thay đổi quy định xuất nhập khẩu thế nào?

23/12/2021 07:34 congluan.vn

Hàng đoàn xe container hàng nông sản “rồng rắn” nối đuôi nhau

Nửa tháng gần đây, các cửa khẩu thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã xuất hiện tình trạng hàng trăm, hàng nghìn xe container hàng nông sản “rồng rắn”, nối đuôi nhau chờ được thông quan. Điều này dẫn đến hiện tượng ùn ứ hàng hóa kéo dài. Trong đó, Lạng Sơn là địa phương có hiện ùn ứ nặng nhất.

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tính tới ngày 21/12, tại Lạng Sơn, tổng lượng xe ùn ứ tại 3 cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma là 4.461 xe. Trong đó, hàng hóa chủ yếu là mít, thanh long, dưa hấu, chuối xanh, xoài và tinh bột sắn.

Tương tự, tại Quảng Ninh mặc dù tình trạng ùn ứ không nặng như Lạng Sơn, thế nhưng, số lượng cũng được tính trên 1.000 xe. Theo đó, tính đến ngày 21/12, tại 2 khu vực cửa khẩu quan trọng của Quảng Ninh vẫn còn hơn 1.800 xe container hàng hóa nông sản “nằm đắp chiếu” chờ thông quan. 

Trong khi đó, phía Trung Quốc thông báo đóng cửa khẩu Bắc Sơn là cửa khẩu đối đẳng với cửa khẩu Kim Thành, thuộc tỉnh Lào Cai. Khu vực này kiểm soát chặt đối với hàng nông sản của Việt Nam với nguyên nhân phát hiện dịch bệnh Covid-19 trên xe chở hàng lạnh từ tháng 7/2021. 

Do vậy, hàng hóa xuất khẩu không dồn về các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai từ trước nên hiện tại không xảy ra tình trạng hàng xuất khẩu bị ách tắc, ùn ứ tại địa bàn tỉnh tỉnh này. Dù vậy, kim ngạch xuất khẩu qua Lào Cai đã giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại các cửa khẩu khác thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Điện Biên, về cơ bản các địa phương này lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu trên địa bàn không cao.

Mặc dù có việc tăng cường kiểm soát của dịch COVID-19 từ phía Trung Quốc nhưng không ảnh hưởng lớn đến tốc độ thông quan hàng hóa trên địa bàn. Đặc biệt dọc tuyến biên giới Hà Giang tại các cửa khẩu Xín Mần, Săm Pun, Phó Bảng phía Trung Quốc cho xây hàng rào kiên cố hàng hóa không qua lại được.

Trung Quốc kiểm soát chặt tại các cửa khẩu thế nào?

Tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu chính tại Lạng Sơn và Quảng Ninh đã kéo dài khoảng 15 ngày. Có thể thấy, vụ ùn ứ hàng hóa nông sản tại Lạng Sơn và Quảng Ninh được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết: Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng lái xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới hạn chế, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20- 25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa so với bình thường.

Đặc biệt có địa phương cơ quan chức năng phía Trung Quốc tăng cường biện pháp chống dịch ở mức cao hơn, điều này đã khiến hàng hóa Việt Nam bị ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.

“Phía Trung Quốc đã yêu cầu thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu Lạng Sơn như lái xe chuyên trách phải đi về trong ngày, cabin xe phải được niêm phong. Lái xe không được xuống xe và phải tiêm 2 mũi vắc-xin. Đồng thời, lái xe phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp PCR định kỳ 3 ngày/lần”, ông Tuấn anh chia sẻ về các điều kiện thông quan của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, để tập trung chống dịch, phía Trung Quốc chuyển một số cán bộ kiểm dịch hải quan sang hỗ trợ công tác kiểm soát người Trung Quốc nhập cảnh về nước ăn Tết nên lực lượng hải quan giải quyết thủ tục hàng hóa hiện nay rất mỏng.

“Khi Trung Quốc đưa ra thông báo dự kiến tạm dừng nhập khẩu trước và sau Tết nguyên đán 14 ngày đối với xe lạnh để chuẩn bị các công việc trước và sau Tết càng gây áp lực cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa lên cửa khẩu để kịp xuất khẩu trước thời gian trên”, ông Tuấn nói.

Chia sẻ rõ hơn về điều này, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết: Đối với hàng hóa nông sản, thủy sản, hoa quả của Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam, khi làm thủ tục hải quan, ngoài bộ hồ sơ theo quy định, người khai hải quan phải nộp kết quả kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch để được thông quan lô hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc phải được cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp xác nhận truy xuất nguồn gốc, như kiểm tra tại nguồn, cấp nhãn mác cho sản phẩm, dán tem truy xuất,....

Ngoài một số quy định theo thông lệ quốc tế, như kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thường, phía Trung Quốc cũng đưa ra một số yêu cầu riêng biệt hoặc siết chặt việc thực thi các quy định đã ban hành trước đây đối với nông thủy sản nhập khẩu như, chỉ định cửa khẩu nhập khẩu, xét nghiệm COVID-19, rút ngắn thời gian đóng – mở cửa khẩu.

Mặc dù phía Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh, dẫn đến hiện tượng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, thế nhưng, đại diện của Tổng cục Hải quan cũng thừa nhận: Về phía Việt Nam, cách thức mua bán hàng hóa nông sản vẫn không tuân theo các chuẩn mực thương mại quốc tế. Chính vì vậy, thiệt hại nhiều năm qua vẫn nghiêng về phía người xuất khẩu Việt Nam.

Gian nan tìm lời giải

Để giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa kéo dài nhiều năm, Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến cáo doanh nghiệp cần chuyển hình thức kinh doanh với phía Trung Quốc sang chính ngạch, như mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Thế nhưng, xu hướng chuyển đổi vấn còn chậm.

Tái khẳng định điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nói: Bộ Công Thương đã nhiều lần nhấn mạnh, chúng tôi khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu đi Trung Quốc cần chuyển nhanh và chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Thực tế là trong những thời điểm khó khăn nhất thì xuất khẩu chính ngạch vẫn lưu thông hết sức bình thường, còn xuất khẩu tiểu ngạch thì nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Hình thức trao đổi cư dân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nhất là trong bối cảnh dịch bệnh… 

“Nếu như chúng ta có thể chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch thì những trở ngại, nhất là đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu hay những trở ngại khác của trao đổi cư dân sẽ không gặp phải. Khi đó, việc xuất khẩu sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nhiều”, ông Khánh nói.

Trong thời gian tới, dịch COVID-19 được dự báo diễn biến tiếp tục phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Tuy nhiên, đây lại là giai đoạn cao điểm của xuất nhập khẩu nông sản sang Trung Quốc, lưu lượng hàng hóa và phương tiện lên cửa khẩu sẽ tiếp tục còn tăng cao, áp lực đối với năng lực thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, nhất là trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là rất lớn.

 Do đó, để thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, các địa phương, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp, thương lái cùng phối hợp với các cơ quan liên quan cùng phối hợp xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản.