Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản

17/12/2021 14:55 daidoanket.vn

Những tháng cuối năm được xem là “giai đoạn vàng” để các doanh nghiệp (DN) ở Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng xuất khẩu thủy sản. Nhưng năm nay tình hình thay đổi rất nhiều khi dịch Covid-19 tấn công…

Tiếp sức cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản
Nhiều doanh nghiệp thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19.

“Bóng ma” đại dịch cản đường

Ông Trần Văn Hải, chủ một DN thủy sản tại Vĩnh Long chia sẻ, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thủy sản hiện tăng từ 25-30% và có những thời điểm không có đủ nguồn cung. Điều này làm tổng chi phí của các DN xuất khẩu tăng cao trong mùa sản xuất cao điểm cuối năm và nguồn cung nguyên liệu mới chỉ bảo đảm được một nửa so với công suất thực tế, dẫn đến nguy cơ không giao hàng đúng hạn.

Còn tại Kiên Giang, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Tuấn Thịnh, chi phí vận chuyển tàu biển các tuyến đi EU và Bắc Mỹ đang tăng quá cao làm cho phía công ty gia tăng chi phí hơn 200 triệu đồng cho mỗi container 40 feet.

Trong khi đó, ở Bạc Liêu, tính đến giữa tháng 12/2021 kim ngạch xuất khẩu tôm đông lạnh mới chỉ đạt hơn 690 triệu USD. Điều đó khiến cho mục tiêu đạt trên 880 triệu USD vào cuối năm nay có thể sẽ khó hoàn thành. Hiện nhiều DN gần như “đuối sức”, tạm ngừng hoạt động do có quá nhiều công nhân đang là F0.

Việc sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hóa của các DN thủy sản tại địa phương gặp nhiều khó khăn, chi phí logistics gia tăng, thiếu hụt lao động, đặc biệt là chi phí phát sinh từ việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch đã làm suy giảm lợi nhuận và năng lực cạnh tranh của DN.

Các DN chế biến xuất khẩu tôm tại Bạc Liêu cho biết, đáng lẽ giờ là “cơ hội vàng” từ nhu cầu thị trường Giáng sinh, tết Dương lịch và các lễ hội lớn ở các nước EU, Bắc Mỹ, nhưng tất cả đã bị cản đường bởi “bóng ma” Covid-19.

  1. Võ Văn Nam, Giám đốc Công ty thực phẩm Nam Á, cho biết trong quý 4/2021, Đồng bằng sông Cửu Long đang oằn mình chống dịch. Các cơ sở sản xuất đau đầu vì số ca nhiễm phát hiện ra hàng ngày. Nhất là số người lao động trong các DN thủy sản. Tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng) đã giảm trên 4.000 lao động vì mắc Covid-19.

Cải thiện ở khâu chính sách

Nhiều người cho rằng, việc sụt giảm kim ngạch ở thị trường lớn như Trung Quốc vẫn là điều đáng lo ngại. Theo dự báo trong quý 4/2021, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm sâu, có thể chỉ đạt 242 triệu USD (sụt giảm 40% so cùng kỳ năm ngoái) và cả năm 2021 có thể đạt khoảng 1 tỷ USD, giảm 26% so với năm ngoái.

Như phản ánh của các DN xuất khẩu thủy sản ở Bạc Liêu, những tháng gần đây họ gặp khó với thị trường Trung Quốc vì nước này triển khai hàng loạt các quy định về kiểm nghiệm, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chứng thư xuất khẩu.

Điều mà DN thủy sản cần lúc này chính là sự tiếp sức nhanh chóng, hiệu quả như việc giảm các chi phí, các cải thiện ở khâu chính sách và sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý. Thế nhưng, việc tiếp sức này xem ra vẫn còn không ít nghi ngại.

Chẳng hạn như mới đây, khi góp ý Dự thảo Thông tư quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề cập đến “phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thức ăn, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản” chỉ giảm 10% (điểm 30 Phụ lục).

Rõ ràng, việc giảm mức phí là quá ít ỏi trong khi cũng là phí thẩm định điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép kinh doanh, nhưng trong phụ lục của dự thảo có một số mức phí, lệ phí của các hoạt động có tính chất tương tự nhưng mức giảm lại khác nhau. Chẳng hạn như lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng giảm 50% (điểm 2 Phụ lục). Vì vậy, VCCI đề nghị, cân nhắc điều chỉnh mức giảm của các loại phí trên tương tự nhau và ở mức 50%.

Ngoài ra, vào cuối tháng 11/2021 vừa qua, phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) cũng đã gửi thư khẩn thiết lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ báo cáo về vướng mắc lớn nhất của DN thủy sản hiện nay, đó là hoạt động kiểm tra hàng thủy sản nhập khẩu dùng làm thực phẩm lại bị áp vào danh mục “kiểm dịch”. Theo đó, bất cập này đã tồn tại suốt 6 năm qua và chưa được rà soát, sửa đổi. Vasep cũng đề nghị sớm hoàn tất việc số hóa thủ tục kiểm dịch nhập khẩu để đưa các thủ tục này lên Cổng Thông tin một cửa Quốc gia, không bắt buộc DN phải nộp hồ sơ giấy.    

Mặc dù các DN thủy sản đang gặp nhiều khó khăn nhưng số liệu xuất khẩu thủy sản trong cả nước tính đến cuối tháng 11/2021 vẫn được ghi nhận đạt gần 8 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2020.