Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với đội ngũ trí thức và doanh nghiệp

07/03/2021 07:26 daidoanket.vn

Chiều 6/3, tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các thành viên Chính phủ và lãnh đạo Bộ ngành đã có cuộc gặp mặt các doanh nhân, trí thức tiêu biểu với chủ đề "Đối thoại 2045”.

Cũng tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, nơi cách đây 5 năm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ trí thức trong và ngoài nước ngay sau khi nhậm chức. Sau đó, Chính phủ tổ chức định kỳ lắng nghe những ý kiến, đề xuất của giới kinh doanh, đến nay đã tổ chức 4 lần đối thoại và đã lần đầu tiên ban hành nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (Nghị quyết 35).

Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì "Đối thoại 2045" chiều 6/3 tại Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh.

Buổi gặp gỡ lịch sử với giới trí thức ngay đầu năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam là mô hình phòng chống đại dịch Covid-19 thuộc tốp đầu thế giới.

Đến dự buổi đối thoại, có các Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương,  Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa và nhiều thành viên Chính phủ, các lãnh đạo Bộ ngành, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương và đại diện các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu,…

Buổi đối thoại đặc biệt đón chủ tịch và CEO của hơn 50 tập đoàn, tổng công ty hàng đầu Việt Nam và các doanh nghiệp, trí thức kiều bào tiêu biểu về dự.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Đại hội XIII của Đảng đã tổ chức thành công và đặt ra nhiều mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước đến năm 2045. Do đó, buổi đối thoại với chủ đề "Đối thoại 2045" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội, đồng thời tiếp tục lắng nghe góp ý, hiến kế của đội ngũ tinh hoa, trí thức và doanh nghiệp tiêu biểu của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn "Đối thoại 2045" sẽ giúp Chính phủ tiếp tục lắng nghe hiến kế để định hướng được các mục tiêu phát triển đến năm 2045.

Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ trên tinh thần kiến tạo và phát triển luôn mong muốn lắng nghe tiếng nói từ giới tinh hoa, từ các trí thức, các doanh nghiệp tiêu biểu của đất nước.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đương thời, luôn mong muốn Việt Nam đóng vai trò cao trong khu vực và quốc tế, sánh vai với các cường quốc năm châu. "Đối thoại 2045" lựa chọn Hội trường Thống Nhất, cũng là di tích ghi dấu ấn lịch sử trong việc di nguyện giải phóng hoàn toàn dân tộc, thống nhất đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, do đó càng thể hiện mãnh liệt quyết tâm chính trị, thể hiện sự chung sức, đoàn kết của cả hệ thống chính trị - xã hội của đất nước để vươn tầm,  đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như mong mỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hội trường Thống Nhất TP HCM, di tích lịch sử được người đứng đầu Chính phủ chọn làm
Hội trường Thống Nhất thành phố Hồ Chí Minh, di tích lịch sử được người đứng đầu Chính phủ chọn làm "Đối thoại 2045" với nhiều ý nghĩa đặc biệt.

Trong bối cảnh "bình thường hóa" sau đại dịch Covid-19, Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiêu biểu, đội ngũ trí thức góp ý, hiến kế về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước; đồng thời dịp này Thủ tướng trực tiếp lắng nghe và tháo gỡ nhanh nhất các kiến nghị, khó khăn để không làm lỡ thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh “Doanh nghiệp cần phải có ‘3 giữ’ là giữ lao động, giữ vững và phát triển thị trường và nhất là giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam”.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Massan bày tỏ mong muốn của đội ngũ doanh nghiệp để giúp kinh tế đất nước đạt được các mục tiêu chủ chốt đến năm 2045, muốn vậy cần hội nhập tốt hơn và chú trọng vào đổi mới nền tảng cạnh tranh, đổi mới công nghệ, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin và cải thiện chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng về xuất nhập khẩu. Từ đó, xóa bỏ hoàn toàn tình trạng được mùa nhưng mất giá, khi giá cao thì lại không có sản phẩm.

"Nền tảng công nghệ là vấn đề rường cột trong bối cảnh hội nhập và do đó Nhà nước cần chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa", Chủ tịch Massan hiến kế.

Tại buổi đối thoại, một thông tin rất ý nghĩa được thông tin, chỉ tính riêng sơ bộ về tổng doanh thu của các doanh nghiệp tiêu biểu của Việt Nam tham dự Hội nghị đã lên tới khoảng hơn 26 tỷ USD mỗi năm.

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập TH True Milk thay mặt các doanh nghiệp nội địa vinh dự tham dự buổi đối thoại lần thứ 4 từ sáng kiến của người đứng đầu Chính phủ, bày tỏ đây là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước có thể nắm bắt được đường hướng phát triển trong trung và dài hạn, đồng thời là cơ hội trực tiếp nêu các kiến nghị, hiến kế phát triển đất nước. 

Bà Thái Hương bày tỏ, Việt Nam là điển hình trong phòng chống Covid-19 và cũng là quốc gia phát triển, có uy tín và tiếng nói trong khu vực và quốc tế. Chủ đề đối thoại hướng về năm 2045 khi mà Việt Nam phấn đấu là một quốc gia phát triển, văn minh, hiện đại với các nền tảng về thu nhập, công nghệ cao và chất lượng y tế. Trong đó, ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, cùng các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người đang được hướng đến và được hỗ trợ về chính sách, vốn,....

"Đối thoại 2045" đang tiếp tục lắng nghe hiến kế tâm huyết từ đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu như Chủ tịch THACO, Vietjet, EVN, Sacombank, Novaland và CEO của hãng xe thương hiệu Việt Nam - VinFast,…