Thời của thương mại điện tử

02/01/2021 21:46 daidoanket.vn

Thời của thương mại điện tử - Ảnh 1

Giao dịch trực tuyến “lên ngôi”

Đại dịch trên phạm vi toàn cầu này đã gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp (DN) trong nước nói riêng. Số DN buộc phải rời thương trường vì không thể trụ  được cũng tăng mạnh trong năm 2020.

Thế nhưng, ở một góc khác, khi hoạt động kinh doanh trên các kênh giao dịch truyền thống bị chững lại vì dịch bệnh thì sàn TMĐT đã nhanh chóng trở thành kênh thay thế kịp thời và hữu hiệu.

Chị Nguyễn Linh Chi, một nhân viên ngành ngân hàng cho biết, từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát (có thể tính từ giữa tháng 2/2020) đến nay, công việc bán hàng online đã thực sự giúp cho thu nhập của gia đình chị không bị hao hụt. “Gần 3 tháng trời chúng tôi hầu như tạm ngưng công việc, nếu không muốn nói là thất nghiệp, tôi đã kết hợp với cô cháu gái làm thêm việc bán hàng online”, chị Chi chia sẻ.

Vẫn theo chị Chi, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh nhất vào hồi tháng 4, cả nước thực hiện giãn cách xã hội, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống đóng cửa. “Lúc này, dịch bệnh đã khiến cho người dân thay đổi việc mua sắm trực tiếp, bằng việc mua sắm online, thế nên tôi và cô cháu gái đã kết hợp bán đồ ăn, thực phẩm trên mạng xã hội. Chúng tôi vào các nhóm trên mạng như “Chợ truyền thống”, “Cộng đồng Thanh Xuân”, “Hội đồ ăn vặt”... trên mạng với hàng trăm ngàn thành viên, hàng triệu người theo dõi để rao bán hàng” - chị Chi cho hay.

Và rồi những nỗ lực của hai cô cháu đã được đền đáp khi số lương khách hàng gọi điện đến mua hàng trực tuyến ngày một đông lên. “Trong tháng 4 và tháng 5 của năm 2020, đúng cao điểm của đại dịch, chúng tôi đã đạt được doanh thu rất khá từ việc bán hàng online”, chị Chi cho biết.

Cũng là một thương nhân gặp khó khăn vì dịch Covid-19, anh Nguyễn Minh Trung (ở phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) nói, trước khi con virus quái ác này xuất hiện, công việc buôn bán, làm ăn của anh rất suôn sẻ. Theo anh,trước dịch, mỗi ngày cửa hàng bún chả của anh thu hút hàng trăm lượt khách vào ăn, trừ tiền vốn, mỗi tháng cũng thu về vài chục triệu đồng, thế nhưng dịch xuất hiện khiến cho doanh thu sụt giảm thậm tệ.

Tuy nhiên, chính trong bối cảnh khó khăn đó, anh Trung đã quyết định bán hàng online và đây chính là cứu cánh cho hộ kinh doanh của anh Trung thoát khỏi nguy cơ phải đóng cửa. “Đến thời điểm này, khi dịch đã tạm lắng nhưng vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt, việc bán hàng online được chúng tôi kết hợp với bán hàng truyền thống... giúp cho thu nhập được ổn định hơn”, anh Trung cho hay.

Có thể thấy, trong “cái rủi có cái may”, khi các kênh giao dịch truyền thống gặp khó khăn thì các kênh bán hàng trực tuyến được coi là “chiếc phao cứu sinh” cho các hộ sản xuất kinh doanh nói riêng, và cả những DN lớn nói chung.

Chị Nguyễn Thu Thủy, Giám đốc Công ty J&S, một công ty chuyên về lĩnh vực hàng đổi hàng đã khởi nghiệp từ chính những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo nữ giám đốc trẻ tuổi này, khi chứng kiến tinh trang nhiều DN tồn một số lượng lớn hàng hóa bởi đại dịch, chị đã nảy sinh ý tưởng kết nối các DN lại với nhau, tìm những DN có hàng hóa phù hợp với nhu cầu của DN kia và kết nối trực tuyến để hai bên có thể nắm bắt được thông tin, sở trường của nhau, từ đó có các giao dịch trao đổi hàng hóa.

Và chính trong đợt đại dịch Covid-19 hoành hành mạnh mẽ nhất, cũng là lúc Công ty J&S chị Thủy lại hoạt động hiệu quả nhất. Và tất nhiên, tất cả đều được thực hiện giao dịch trên môi trường trực tuyến, không cần phải trực tiếp gặp mặt nhau để tránh nguy cơ lây bệnh.

Năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử.
Năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của thương mại điện tử.

Cơ hội mới

Cho đến thời điểm trạng thái “bình thường mới”, thì SARS-CoV-2 đã không còn là một cú sốc quá mạnh mẽ đối với đời sống của người dân Việt Nam. Người tiêu dùng trong nước đã bình tâm hơn khi đón nhận những ca mắc bệnh mới. Mọi giao dịch thương mại vẫn tiếp tục được duy trì trên môi trường trực tuyến.

Cho thấy, vai trò của TMĐT trong bối cảnh hiện nay ngày càng trở nên quan trọng, trở thành một trong những phương thức an toàn nhất để người tiêu dùng mua sắm các nhu yếu phẩm cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo thông tin mới nhất từ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đại dịch Covid-19 đã chứng minh TMĐT không chỉ là một công cụ hay giải pháp hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn là động lực kinh tế đối với sự tăng trưởng của thương mại nội địa và quốc tế, từ đó góp phần hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN.

Số liệu của WTO tiếp tục cho biết, tại Mỹ, tần suất mua sắm trực tuyến tăng tới 14% đối với mọi danh mục hàng hóa và dịch vụ. Hơn thế, trong một số khảo sát được thực hiện gần đây tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Singapore, một tỷ lệ lớn người tiêu dùng khẳng định họ sẽ tiếp tục mua hàng trực tuyến ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, mặc dù hoạt động kinh doanh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, song đây cũng là cơ hội để DN ứng dụng TMĐT vào sản xuất - kinh doanh nhằm vượt qua khó khăn. 

Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của hàng loạt tên tuổi lớn trên sàn TMĐT thế giới, từ Alibaba, Lazada, Amazon cho đến  Shopee... cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của các sàn TMĐT trong nước như: Sendo, Tiki… cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đem lại những cơ hội lớn cho DN thu hút người dùng, đẩy mạnh kinh doanh, gia tăng lợi nhuận. 

Khẳng định điều này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu quan điểm, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, TMĐT sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và được coi là lĩnh vực sôi động nhất trong thị trường kinh tế số Việt Nam.

Không chỉ giúp DN tiết kiệm chi phí trong thuê mặt bằng, nhân công, quảng cáo, dịch vụ bán hàng… TMĐT còn hỗ trợ các DN vượt qua rào cản địa lý để tìm kiếm khách hàng. Cùng với đó, thời gian dành cho thực hiện giao dịch TMĐT là không giới hạn. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng không phải đến tận cửa hàng lựa chọn sản phẩm mà chỉ cần giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và chờ hàng hóa được giao đến tận nơi...

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng nhìn nhận vai trò của TMĐT trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Thành, bức tranh nền kinh tế 2020 sẽ vô cùng ảm đạm nếu như không có sự hiện diện của TMĐT.

Tuy nhiên, lĩnh vực TMĐT thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít bất cập, nếu không muốn nói là  rủi ro. Từ môi trường kinh doanh truyền thống, vấn nạn hàng giả, hàng nhái xâm lấn mạnh mẽ sang cả môi trường kinh doanh số khiến cho niềm tin của người tiêu dùng suy giảm đối với “sân chơi” này.

Chính bởi vậy, theo TS Võ Trí Thành, cần thiết phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cũng như  “lấp đầy” những lỗ hổng chính sách trong quản lý sàn TMĐT để có thể xây dựng hình ảnh đẹp, đáng tin cậy hơn của các kênh bán hàng online đối với người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

Tốc độ tăng trưởng theo xu thế nhanh

Việt Nam hiện được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia. Với mức tăng trưởng cao và liên tục từ năm 2015 trở lại đây, nhiều ý kiến cho rằng năm 2020 này quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có khả năng lên tới 13 tỷ USD. Điều này dựa trên cơ sở khi có đến 68 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu người Việt Nam, là động cơ thúc đẩy mảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ - theo Báo cáo thường niên của We Are Social & Hootsuite có tên “Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2020”. Trong khi đó, theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tại Diễn đàn tiếp thị trực tuyến - VOMF 2020, thì năm 2020 quy mô thương mại điện tử ở nước ta có thể vượt quá 15 tỉ USD (dẫn từ tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain&Company) và khoảng 43 tỉ USD vào năm 2025.

T.Tuấn