Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đạt quy mô gần 13 tỷ USD

28/11/2021 07:05 Bảo Linh

Trong báo cáo "e-Economy SEA 2021" công bố gần đây, Google, Temasek và Bain & Co xác nhận "vốn đầu tư tiếp tục tăng mạnh" vào Việt Nam. Theo đó, vốn đầu tư vào các dịch vụ kỹ thuật số tăng trưởng mạnh trong đại dịch, như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Năm 2021, với quy mô 13 tỷ USD, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đứng thứ tư tại Đông Nam Á. Tuy nhiên, trong dự báo của mình, Google, Temasek và Bain & Co, cho rằng chỉ cần 4 năm nữa, tức vào 2025, Việt Nam sẽ giữ ngôi vị "á vương" tại Đông Nam Á, với quy mô thị trường đạt 39 tỷ USD.

Khi ấy, Thái Lan sẽ lui về vị trí thứ 3, với quy mô thị trường dự báo là 35 tỷ USD. Trong khi đó, nước đang có quy mô thương mại điện tử hiện xếp trên Việt Nam một bậc là Malaysia sẽ đứng thứ 5 khu vực.

Không phải ngẫu nhiên mà các "cá mập" đặt nhiều sự chú ý vào nền kinh tế số Việt Nam nói chung và lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng.

"Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn của nền kinh tế Việt Nam, cũng như quá trình chuyển đổi số và sự tăng trưởng của ngành thương mại điện tử", Jikwang Chung, Giám đốc Mirae Asset Capital nói.

Báo cáo quý III do iPrice Group vừa công bố hôm 25/11 cho biết, tổng lượt truy cập trung bình top 10 trang thương mại điện tử Việt Nam đã gấp hai lần Thái Lan và gần ba lần Malaysia trong quý vừa rồi.

Đó là chưa kể, trong khu vực, người Việt chỉ kém người Malaysia về mức độ tương tác qua Facebook với các trang thương mại điện tử, với tỷ lệ là 36% so với 44%.

Trong khi đó, người Thái thấp nhất khu vực về việc tương tác này (20%). Còn Napoleon Cat cho biết 81% dân số Việt Nam có Facebook, tính đến tháng 10/2021. Điều này cho thấy độ sôi động rất cao của thị trường Việt Nam.

Society Pass (Sopa) có lẽ là một trong những nhà đầu tư nhìn thấy cơ hội từ sự sôi động đó, khi quyết định bỏ tiền hồi sinh thương hiệu Leflair ở Việt Nam. Họ đã có những quả ngọt đầu tiên.

Cách đây hơn một tuần, Leflair tuyên bố số đơn hàng của nền tảng tăng gấp 6 lần so với thời điểm mở giao dịch vào tháng trước, nâng tổng doanh số vượt gấp 3 lần so với kỳ vọng của đội ngũ và chủ đầu tư Sopa.

Phía Sopa thì tuyên bố sẽ tiếp tục rót vốn vào nền tảng này nhằm mở rộng ra các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á trong năm 2022.

Những thành viên kỳ cựu như Shopee, Lazda, Tiki vẫn đều đặn công bố những kỷ lục mới. Dịp 11/11 vừa rồi là ví dụ. Tiki tuyên bố doanh thu tăng 9 lần, lượng khách hàng tăng 2 lần so với ngày thường.

Trong khi, Lazada nói rằng doanh thu và số đơn đặt hàng tăng gần gấp 2 lần so với dịp 11/11/2020.

"Chúng tôi nhận thấy lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam đang tăng trưởng vượt trội với những bứt phá mạnh mẽ về công nghệ", ông Jikwang Chung, đánh giá.

Tiến sĩ Phan Thanh Long - Cố vấn chiến lược Tập đoàn Matilak - Thái Lan dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam trong những năm tới sẽ vượt xa mốc gần 12 tỷ đô la Mỹ năm 2020.

Đặc biệt sau đại dịch Covid -19, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ, tạo ra những xu hướng tiêu dùng mới.

Đến nay, đã có hơn 70% dân số Việt Nam tiếp cận mạng Internet, trong đó có gần 50% người dùng Việt Nam đã mua sắm online, 53% người dân đã sử dụng ví điện tử và thanh toán mua hàng qua mạng.

“Trong nhiều sản phẩm và thị trường hướng đến, Matilak chọn nông nghiệp là thế mạnh, cũng là thế mạnh của thị trường Việt Nam. Trong nông nghiệp, doanh nghiệp chọn những dòng sản phẩm như mật ong, gạo chất lượng cao làm nền tảng để phát triển, từ đó mở rộng ra các lĩnh vực khác” - Tiến sĩ Phan Thanh Long cho hay.