Thế giới tuần qua: Các quốc gia căng mình trước bão giá lương thực, hàng loạt công ty đón “biến” lớn

17/04/2022 06:42 toquoc.vn

Lạm phát gia tăng, thế giới "quay quắt" vì giá lương thực

Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ đo bằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng trở lại vào tháng 3, từ mức 7,9% vào tháng 2 lên 8,5%. Giá năng lượng và hàng hoá tăng cao là lý do chính thúc đẩy lạm phát.

Trong tháng này, người tiêu dùng có thể sẽ có một khoảng thời gian dễ thở hơn vì giá dầu gần đây hạ nhiệt. Một phần nguyên nhân là do nhu cầu từ Trung Quốc suy giảm.

Dầu Brent giao dịch quanh mức 100 USD/thùng, sau khi giảm từ mốc 140 USD/thùng đầu tháng 3. Giá xăng ở Mỹ đã tăng 18% trong tháng trước, nhưng đã giảm vào tháng Tư. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Anh đã tăng lên 7%.

Phản ứng trước "dự đoán lạm phát gia tăng", ngân hàng trung ương New Zealand đã tăng lãi suất cơ bản của mình thêm nửa điểm phần trăm, lên 1,5%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng lãi suất tương tự trong tháng tới.

Theo chỉ số của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, giá lương thực toàn cầu đạt mức cao mới. Chiến sự tại Ukraine đã làm gia tăng ảnh hưởng đến căng thẳng nguồn cung hiện tại.

Nga và Ukraine chiếm 30% xuất khẩu lúa mì và 20% ngô của thế giới. Ukraine cũng là nước xuất khẩu dầu hạt hướng dương lớn nhất, đẩy giá mặt hàng này tăng cao hơn. Dầu cọ, dầu đậu nành và dầu hạt cải cũng không nằm ngoài đà tăng giá.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Ukraine sẽ thu hẹp 45% trong năm nay vì chiến tranh. Một nửa doanh nghiệp của đất nước đã đóng cửa và những doanh nghiệp khác đang gặp khó khăn.

WB cũng dự báo GDP của Nga năm 2011 sẽ giảm 11%, mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 1994.

Ngân hàng trung ương Nga đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 17%, sau đợt nâng lãi suất lên 20% khi chiến sự bùng nổ. Hiện ngân hàng trung ương cho rằng đồng rúp đã phục hồi đủ để giảm bớt nguy cơ lạm phát tăng đột biến, sau thời gian lên xuống trên thị trường.

Ngân hàng trung ương Nga cũng dỡ bỏ một trong những biện pháp kiểm soát vốn tạm thời bằng việc cho người dân tiếp tục mua ngoại tệ.

Hàng loạt công ty đón "biến" lớn

Tập đoàn tài chính Société Générale quyết định bán Rosbank, một ngân hàng lớn của Nga mà công ty này sở hữu.

Với động thái này, Société Générale gia nhập hàng dài danh sách các công ty rời Nga. Ngân hàng Pháp là một trong số các công ty phương Tây có sự hiện diện nghiêm túc trong ngành tài chính Nga.

Công ty đang bán tài sản cho Vladimir Potanin, người giàu nhất nước Nga. Ông là người không bị Mỹ, Anh hay chính phủ trừng phạt, mặc dù Canada gần đây đã thêm ông vào danh sách của mình.

Trong tuần qua, thế giới cũng xôn xao trước những tuyên bố và động thái của tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk. Vài ngày sau khi được đề nghị tham gia hội đồng quản trị Twitter, Elon Musk đã từ chối vị trí đó. Ông cũng xoá một số tweet châm biếm Twitter, bao gồm một tweet gợi ý Twitter nên bỏ chữ "w" khỏi tên.

CEO Parag Agrawal của Twitter không đưa ra lý do khiến Elon Musk thay đổi quyết định, nhưng nói: "Tôi tin rằng điều này là tốt nhất". Ông chủ của Tesla đã tích lũy được 9,2% cổ phần của Twitter.

Sự gián đoạn đối với chuỗi cung ứng do phong toả ở Trung Quốc là một yếu tố đằng sau sự xáo trộn trên thị trường chứng khoán nước này tuần qua.

Nio, một nhà sản xuất xe điện tham vọng cạnh tranh với Tesla, đã tạm dừng sản xuất tại một nhà máy vì vấn đề thu mua linh kiện. Điều đó khiến giá cổ phiếu của hãng giảm 10%.

GoTo đã IPO thành công trên thị trường chứng khoán Jakarta. GOTO được thành lập vào năm 2021 bởi sự hợp nhất của công ty dịch vụ gọi xe Gojek và sàn thương mại điện tử Tokopedia. Hậu thuẫn Goto có SoftBank và Alibaba.

Goto có kế hoạch sử dụng 1 tỷ USD huy động được để mở rộng kinh doanh bên ngoài Indonesia sang các quốc gia Đông Nam Á và gia tăng cạnh tranh với Grab có trụ sở tại Singapore.

Đối với ngành hàng không, ước tính có khoảng 4,5 tỷ hành khách bay trong năm 2021, theo dữ liệu của Hội đồng Cảng hàng không Quốc tế. Con số này tăng 25% so với năm 2020, nhưng giảm một nửa so với năm 2019.

Atlanta đã giành lại ngôi vị sân bay bận rộn nhất thế giới. Heathrow là sân bay duy nhất trong top 10 sân bay có lượng hành khách quốc tế sụt giảm vào năm 2021, mặc dù tháng 3 năm nay là tháng bận rộn nhất kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Với kế hoạch chia tách thành hai công ty, Toshiba đã thành lập một "ủy ban đặc biệt" để "thu hút các nhà đầu tư tiềm năng" và "xem xét các giải pháp thay thế chiến lược".

Các cổ đông đã thúc giục tập đoàn Nhật Bản xem xét các đề nghị mua lại từ các nhóm cổ phần tư nhân. Bain Capital dự kiến sẽ sớm gửi đề nghị của mình.