Thế giới năm 2021 và 10 sự kiện nổi bật

31/12/2021 08:14 congluan.vn

10. Thỏa thuận AUKUS

Vào ngày 15 tháng 9, Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cùng công bố quan hệ đối tác an ninh ba bên mới mang tên AUKUS. Phần quan trọng nhất của thỏa thuận là Mỹ cam kết cung cấp cho Úc công nghệ để đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với hiệp ước này, Mỹ và đồng minh sẽ “duy trì an ninh và ổn định ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”. Trung Quốc đã chỉ trích hiệp ước này "cực kỳ vô trách nhiệm" và mang màu sắc "phân cực". Ngoài ra, Pháp cũng nổi giận vì Úc đơn phương hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu trị giá 37 tỷ USD trước đó với họ, sau khi ký hiệp ước AUKUS.

9. Khủng hoảng người di cư

Đại dịch Covid-19 cũng không ngăn được dòng người di cư quốc tế trong năm 2021. Đến tháng 10, số người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp đã đạt 1,7 triệu người, con số cao nhất kể từ năm 1960. Liên minh châu Âu cũng chứng kiến sự gia tăng 70% số người di cư bất hợp pháp so với năm 2020. Sự gia tăng người di cư băng qua eo biển Manche từ Pháp đã gây ra xung đột ngoại giao giữa Paris và London. Trong khi đó, Belarus khuyến khích người di cư vượt qua lãnh thổ của mình để vào Litva và Ba Lan trong nỗ lực gây áp lực buộc EU phải chấm dứt các biện pháp trừng phạt.

Tính đến những ngày cuối cùng năm 2021, khoảng 84 triệu người trên khắp thế giới đã bị buộc phải rời khỏi quê hương. Xung đột, suy thoái kinh tế và biến đổi khí hậu là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư này.

8. Đàm phán hạt nhân Iran bế tắc

Khi năm 2021 bắt đầu, sự lạc quan về thỏa thuận hạt nhân Iran được nhóm lên sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết sẽ quay lại thỏa thuận nếu Iran tuân thủ. Song, nói dễ hơn làm. Một vụ nổ tại một cơ sở hạt nhân của Iran vào giữa tháng 4 có liên quan tới Israel đã khiến Iran phải thông báo rằng họ bắt đầu làm giàu uranium lên 60. Vào thời điểm khi năm 2021 sắp kết thúc, các cuộc đàm phán còn bên bờ vực sụp đổ. Thế giới đang đối mặt với câu hỏi sẽ phải làm gì nếu nỗ lực ngoại giao thất bại!

7. Chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy

"Chuỗi cung ứng toàn cầu” đã trở thành một thuật ngữ quen thuộc với ngay cả người dân bình thường vào năm 2021. Trong nhiều thập kỷ, các doanh nghiệp tin rằng chuỗi gia công ở các quốc gia khác là chìa khóa thành công. Chiến lược đó đã hiệu quả: chi phí giảm xuống và lợi nhuận tăng lên.

Song Covid-19 đã cho thấy mặt trái của chuỗi cung ứng. Sự ngừng trệ của các cơ sở sản xuất ở nước ngoài đã tạo ra tình trạng thiếu hụt và ngừng trệ tại quê nhà. Mọi thứ chưa thực sự tồi tệ vào năm 2020, khi các nhà máy đóng cửa, song bù lại nhu cầu cũng sụt giảm, thậm chí hàng hóa còn không bán được.

Nhưng khi nhu cầu tăng mạnh vào năm 2021, nhiều công ty nhận thấy mình thiếu phụ tùng và nguồn cung cấp. Tình trạng thiếu container, lái xe và nhân viên hàng hải đã khiến vấn đề phức tạp hơn trên khắp thế giới. Tồi tệ hơn, một sự cố đã diễn ra vào tháng 3, con tàu container Evergreen mắc cạn ở kênh đào Suez, chặn một trong những tuyến đường thủy chính của thế giới trong một tuần và gây ra tổn thất ước tính lên đến 9,6 tỷ USD mỗi ngày.

Sự thiếu hụt được chú ý nhiều nhất là chip máy tính và chất bán dẫn. Riêng tập đoàn xe hơi Ford Motor mất 1,1 triệu xe bán ra vào năm 2021 vì tình trạng thiếu chất bán dẫn. Các hàng hóa khác thiếu hụt vào năm 2021 bao gồm xăng, thịt gà, ngô hay cả… xúc xích!. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã góp phần làm tăng lạm phát trên toàn thế giới, có thể kéo dài trong nhiều năm.

6. Taliban trở lại nắm quyền

Cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã kết thúc đúng ở chỗ nó bắt đầu 20 năm trước: sự nắm quyền của Taliban. Mỹ đã tiêu tốn tổng cộng hơn 2,3 nghìn tỷ USD cho cuộc chiến tại Afghanistan, tương đương khoảng 300 triệu USD mỗi ngày. Trong 20 năm, hơn 2500 quân nhân Mỹ và 4000 nhà thầu dân sự Mỹ đã chết ở Afghanistan.

Số người Afghanistan thiệt mạng có thể lên tới 170.000 người. Mặc dù tự xưng là khác nhau, chính phủ Taliban mới cho đến nay đang hành động giống như 20 năm trước, tạo ra một loạt cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.

5. Nội chiến, Ethiopia ngày càng thống khổ

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đã được trao giải Nobel Hòa bình 2019 vì đã thiết lập được hòa bình với nước láng giềng Eritrea. Chưa đầy hai năm sau, Ethiopia bị cuốn vào một cuộc nội chiến khủng khiếp. Lý do là vào tháng 11 năm 2020 khi Abiy ra lệnh cho quân đội Ethiopia tấn công tỉnh Tigray ở phía bắc sau khi các lực lượng Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) cướp phá một căn cứ quân đội nhà nước. Quân chính phủ đã giành được những chiến thắng ban đầu.

Nhưng tình thế đã sớm thay đổi. Đến tháng 11, TPLF đã tiến về phía nam để tới Addis Ababa, thủ đô của Ethiopia và cả về phía đông, cắt đứt tuyến đường cung cấp 95% hàng nhập khẩu vào Ethiopia . Những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt giao tranh cho đến nay chưa đi đến đâu. Năm tới có thể mang lại nhiều nỗi đau hơn cho một quốc gia đã có quá nhiều nỗi thống khổ này.

4. Nền dân chủ toàn cầu bị xói mòn

Sự xói mòn nền dân chủ toàn cầu tiếp tục diễn ra vào năm 2021. Mỹ, lâu nay được xem như hình mẫu của nền dân chủ, đã chứng kiến sự chuyển giao quyền lực bằng một cuộc bạo loạn trên Điện Capitol vào ngày 6/1. Sự kiện đó đã khiến Mỹ bị gọi là một “nền dân chủ thụt lùi”. Trong khi đó tổ chức Freedom House đã hạ cấp Ấn Độ từ “tự do” thành “miễn phí một phần”. Chưa hết, người ta nói rằng “nền dân chủ đang chết dần ở Brazil”.

Các nền dân chủ còn non trẻ ở Myanmar, Chad, Mali, Guinea và Sudan đều bị lật đổ trong các cuộc đảo chính. Vào tháng 12, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về dân chủ để “tập trung vào những thách thức và cơ hội mà các nền dân chủ phải đối mặt”. Không rõ sự việc này có thể làm gì để nền dân chủ có thể đảo ngược tình thế?

3. Joe Biden trở thành tổng thống Mỹ

"Nước Mỹ đã trở lại". Joe Biden đã nhiều lần đưa ra điệp ngữ đó vào năm 2021. Ông nhanh chóng đưa Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới, tìm cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran… Song đối với các vấn đề quan trọng như Trung Quốc và thương mại quốc tế, các chính sách của Biden không khác so với người tiền nhiệm về bản chất.

Biden cũng khiến nhiều đồng minh, đặc biệt ở châu Âu, cảnh giác với thiên hướng hành động đơn phương, như việc rút quân khỏi Afghanistan và ký hiệp ước AUKUS. Để rồi, không ít người cho rằng, Donald Trump hoặc chính sách “Nước Mỹ trên hết” có thể trở lại Nhà Trắng vào năm 2025.

2. Covid-19 xuất hiện đột biến và phép màu vắc xin

Tốc độ phát triển vắc xin Covid-19 trong năm 2021 thật đáng kinh ngạc. Trong lịch sử, các loại vắc xin phải mất từ 10 đến 15 năm để hoàn thiện. Thời gian nhanh nhất mà bất kỳ loại vắc xin nào đã được phát triển trước đây là 4 năm để tạo ra vắc xin quai bị. Vắc xin Covid-19 được tạo ra trong vòng chưa đầy một năm. Quan trọng hơn, các loại vắc xin hàng đầu đều hoạt động rất tốt. Hơn 7,4 tỷ liều vắc xin đã được sử dụng tại 184 quốc gia trong 11 tháng đầu năm 2021.

Nhưng thật trớ trêu, có quá nhiều người đã từ chối tiêm vắc xin, trong khi cũng có quá nhiều người không được tiêm vắc xin. Điều đó thật nguy hiểm vì Covid-19 liên tục đột biến. Biến thể Delta, lần đầu tiên được xác định trong tháng 12/2020 tại Ấn Độ, đã tạo ra một cơn “đại hồng thủy”. Rồi đến tháng 11/2021, biến thể Omicron xuất hiện tại Nam Phi và sớm “thống trị” thế giới. Khi năm 2021 kết thúc, hơn 5 triệu người trên toàn cầu đã chết vì Covid-19.

1. Thế giới thất bại trước thách thức khí hậu

"Báo động đỏ cho nhân loại". Đó là cách Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đánh giá trong báo cáo vào tháng 8. Ông kết luận rằng nhân loại phải đối mặt với biến đổi khí hậu nghiêm trọng trừ khi phát thải khí nhà kính được cắt giảm.

Người ta không cần phải đọc bản báo cáo 4.000 trang để biết điều đó. Thời tiết khắc nghiệt đã thống trị các tin tức vào năm 2021. Hạn hán kỷ lục bao trùm miền tây nam nước Mỹ. Lũ lụt kỷ lục tàn phá Bỉ và Đức. Những trận cháy rừng xé nát Hy Lạp. Các cơn bão tàn phá Ấn Độ và Nepal…

Thế giới từng lạc quan khi Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ tham gia lại Thỏa thuận khí hậu Paris. Hay vào tháng 9, Trung Quốc đã đồng ý ngừng cấp vốn cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài... Tại hội nghị COP-26 ở Glasgow vào tháng 11, các nước đã cam kết cắt giảm phát thải.

Nhưng cam kết rõ ràng không phải thành quả. Lượng khí thải carbon vẫn tăng vọt vào năm 2021 khi nền kinh tế toàn cầu bùng nổ trở lại. Ngay cả Tổng thống Biden cũng đã yêu cầu OPEC tăng sản lượng nhằm giảm giá xăng dầu. Việc từ bỏ nhiên liệu hóa thạch quả là đặt ra rất nhiều thách thức khó khăn.

Tuy nhiên, thiên nhiên lại không bao giờ ghi nhận khó khăn của loài người!