Thế giới một năm biến động

03/01/2023 02:22 daidoanket.vn

Thế giới đi qua năm 2022 với quá nhiều vui buồn, quá nhiều cảm xúc. Năm mới 2023 đã đến, chúng ta cùng nhìn nhận những sự kiện đã làm nên gương mặt thế giới trong 1 năm qua. Từ những góc nhìn khác nhau sẽ chọn ra những sự kiện khác nhau và những sự kiện đó có thể sẽ tiếp nối sang năm mới.

Binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Binh sĩ Nga đứng gác bên ngoài nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

1. Xung đột Nga - Ukraine

Ngày 24/2, Nga thông báo tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine âm ỉ suốt nhiều năm qua. Lập tức, Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt Nga.

Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình sáng 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch đặc biệt nhằm bảo vệ người dân tại Cộng hòa nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa nhân dân Luhansk (LPR) tại Donbass, miền đông Ukraine. Trong khi đó, tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh tính mạng của dân thường Ukraine không bị đe dọa do phía Nga chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự.

Sau khi Nga thông báo triển khai chiến dịch quân sự tại Donbass, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban bố thiết quân luật trên toàn quốc và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow; đồng thời ban hành sắc lệnh tổng động viên. Theo sắc lệnh, lính nghĩa vụ và quân dự bị ở tất cả các khu vực trong cả nước được huy động.

Xung đột Nga - Ukraine đã vượt qua dự đoán của giới quan sát chính trị quốc tế, vì nó đã kéo dài trở thành cuộc chiến “tiêu hao”. Xung đột càng trở nên căng thẳng khi Mỹ, các quốc gia đồng minh và NATO tăng cường viện trợ tài chính, khí tài chiến tranh cho Ukraine đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt Nga mà nặng nề nhất là việc EU chấm dứt mua dầu mỏ và khí đốt của Nga. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thông báo, liên minh này sẽ triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường khả năng phòng thủ cho các nước đồng minh. Đây là lần đầu NATO triển khai lực lượng này. Trên thực tế, NATO đã kích hoạt các kế hoạch phòng thủ, triển khai lực lượng phản ứng nhanh trên bộ, trên biển và trên không.

Nhiều quốc gia kêu gọi ngừng chiến và đề xuất làm trung gian cho cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Tuy nhiên, xung đột vẫn tiếp diễn.

Người dân châu Âu bất ngờ với hóa đơn thanh toán do giá cả leo thang.

Người dân châu Âu bất ngờ với hóa đơn thanh toán do giá cả leo thang.

2. Lạm phát kỷ lục trong vòng 40 năm

Lạm phát năm 2002 mang tính toàn cầu, không chỉ với những nền kinh tế lớn mà cả những quốc gia nghèo. Lạm phát năm 2022 đã trở thành kỷ lục trong vòng 40 năm, kéo lùi tốc độ tăng trưởng toàn cầu. Nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ chịu nhiều tổn thất khi lạm phát lên đỉnh vào tháng 10, với 10,6%. Bên kia bờ đại dương, Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 quốc gia, đặc biệt là Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozne) với 19 quốc gia, giá cả liên tục leo thang, buộc các ngân hàng trung ương phải nhiều lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Lạm phát tăng cao và kéo dài khiến nhiều quốc gia rơi vào tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm. Theo Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc, lạm phát, thiên tai và mất mùa đã đẩy hơn 300 triệu người vào chỗ thiếu đói, cần được cứu trợ khẩn cấp.

Thế giới một năm biến động - Ảnh 1

3. Cuộc chiến giá dầu

Nếu như giá dầu thô (trung bình) ở mức 60 USD/thùng thì các nhà sản xuất đã có lãi. Trong khi đó, giá dầu trên thế giới trong năm 2022 được ví như một thảm họa. Đỉnh điểm của giá dầu là vào ngày 7/3 lên tới hơn 130 USD/thùng.

Cuộc chiến giá dầu được coi là diễn ra giữa Tổ chức các nước sản xuất dầu mỏ (OPEC), OPEC+, Nga, Mỹ và EU. Trong tình thế căng thẳng, Mỹ đã phải 2 lần mở kho dự trữ chiến lược để ứng phó. Cuộc chiến được đẩy lên cao khi Mỹ và đồng minh áp lệnh cấm mua bán dầu thô và khí đốt của Nga. Đến tháng 12, EU đã quyết định áp giá trần đối với dầu thô từ Nga (60 USD/thùng, trong khi cùng thời điểm giá dầu thô thế giới là 80 USD /thùng).

Nga đã cực lực phản đối lệnh áp đặt đó. Trong khi Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục mua một lượng dầu lớn từ Nga.

OPEC+ đã tính đến chuyện giảm sản lượng dầu mỗi ngày ở mức 2 triệu thùng. Tuy nhiên, đến ngày 4/12, OPEC+ đã tuyên bố sẽ vẫn duy trì sản lượng như trước, trong một nỗ lực cùng thế giới tránh suy thoái.

Như vậy, chừng nào thế giới vẫn còn phụ thuộc vào dầu mỏ, chừng đó mọi tính toán của các nhà hoạch định chính sách vẫn sẽ còn bị tác động bởi loại nguyên liệu hóa thạch này.

Một người đàn ông ở Dera Yar, Pakistan phải khuân theo chiếc giường chạy lũ.

Một người đàn ông ở Dera Yar, Pakistan phải khuân theo chiếc giường chạy lũ.

4. Lũ lụt ở châu Á

Sau đợt nắng nóng kéo dài từ cuối tháng 4 đến tháng 7, thì nhiều quốc gia châu Á lại bị tàn phá bởi mưa lớn, lũ lụt. Khu vực miền nam Pakistan liên tục bị lũ lụt tấn công do nước các dòng sông dâng cao. Mưa lũ kéo dài gần 3 tháng tại nước này đã khiến hơn 1.000 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm nghìn người phải di dời. Theo giới chức Pakistan, đợt lũ trong mùa mưa năm 2022 đã ảnh hưởng tới hơn 33 triệu người, làm hư hỏng và phá hủy gần 1 triệu nhà cửa. Cơ quan Ứng phó thiên tai Pakistan cho biết, các trận lũ năm 2022 có thể so sánh với đợt lũ năm 2010, đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hơn 2.000 người thiệt mạng và nhấn chìm gần 1/5 diện tích đất nước.

Tại phía nam Trung Quốc, nước ở các dòng sông cũng lên cao, đặc biệt là con sông lớn Dương Tử. Còn ở Hàn Quốc, một trận mưa gây ngập lụt kinh hoàng khiến nhiều khu vực thủ đô Seoul chìm trong nước.

Thế giới một năm biến động - Ảnh 2

5. Châu Âu nắng nóng và khô hạn

Vào thời điểm cuối tháng 7, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết nắng nóng đã khiến hàng ngàn người châu Âu thiệt mạng. Riêng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, 1.700 người chết. Cùng đó, các đợt cháy rừng cũng đã thiêu rụi khoảng 200.000 ha rừng tại Tây Ban Nha và gần 50.000 ha tại Bồ Đào Nha.

Chưa hết, theo Văn phòng châu Âu của WHO, con số trên chỉ là ước tính sơ bộ dựa trên báo cáo của nhà chức trách các nước. Thực tế cho thấy, nắng nóng đã diễn ra tồi tệ trên khắp châu Âu cho tới tháng 10. Người ta khó có thể hình dung tại Đức lại có ngày nắng nóng lên tới 40 độ C. Tại Emsdetten, bang Nordrhein-Westfalen, nhiệt độ thậm chí vượt mốc 40 độ C. Trong khi đó, Cơ quan khí hậu quốc gia Anh (Met Office) cho biết nhiệt độ còn lên tới 40,3 độ C được ghi nhận ở Coningsby, miền trung nước này. 34 địa điểm khác trên toàn nước Anh có nhiệt độ vượt quá mức kỷ lục trước đó là 38,7 độ C được ghi nhận vào năm 2019.

Ông Sunak - Thủ tướng Vương quốc Anh.

Ông Sunak - Thủ tướng Vương quốc Anh.

6. Nước Anh liên tục thay Thủ tướng

Trước áp lực suy giảm kinh tế và cuộc khủng hoàng tài chính kéo dài cũng như mâu thuẫn trong nội bộ đảng Bảo thủ cùng nội các, ngày 7/7 ông Boris Johnson tuyên bố từ chức Thủ tướng nước Anh. Trước đó, 4 cố vấn thân tín nhất của ông Johnson nộp đơn xin nghỉ việc. Bà Munira Mirza - giám đốc chính sách lâu năm của ông Johnson - là người đầu tiên ra đi. Tiếp theo, 54 nhà lập pháp bảo thủ tại Hạ viện tuyên bố bất tín nhiệm ông Johnson. Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid từ chức. Cho đến ngày 6/7, hơn 50 quan chức chính quyền cũng từ chức.

Trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng thay ông Johnson, Ngoại trưởng Liz Truss đã vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak trong vòng bỏ phiếu cuối cùng của đảng Bảo thủ để trở thành thủ lĩnh mới, qua đó trở thành tân Thủ tướng Anh. Tuy nhiên, bà cũng chỉ có thể làm Thủ tướng Anh được 44 ngày. Ngày 20/10 bà Truss tuyên bố từ chức.

Ngày 25/10, ông Rishi Sunak đã chính thức trở thành Thủ tướng thứ 57 của nước Anh sau khi diện kiến Vua Charles III tại Cung điện Buckingham ngày 25/10.

Việc chỉ trong vòng hơn 3 tháng mà nước Anh thay đổi 3 Thủ tướng cho thấy đây là giai đoạn hết sức khó khăn không chỉ đối với chính giới mà còn là cả với đất nước; đặc biệt khi lạm phát của Anh còn cao hơn cả EU.

Thế giới một năm biến động - Ảnh 3

7. Đoạn cuối của Covid-19

Cho dù vào những tháng cuối năm, Covid-19 trở lại tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ nhưng năm 2022 được coi là “đoạn cuối của Covid-19”. Và đặc biệt, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi biến thể Omicron lây lan tròn 1 năm nhưng không đem tới hậu quả quá nghiêm trọng. Tuy rằng trong năm 2022 Omicron đã sinh ra đến 500 dòng hậu duệ nhưng chưa dòng nào được chỉ định là "biến chủng mới cần quan tâm".

Hồi đầu năm 2022, WHO đã tuyên bố nhân loại đang phải đối phó "một thứ gì đó mới, khác biệt và phải nhanh chóng chuẩn bị", mang tên Omicron, “biến chủng thay đổi quỹ đạo của đại dịch Covid-19”. Trong vòng 4 tuần, Omicron đã lan ra toàn cầu và nhanh chóng "soán ngôi" biến chủng thống trị cũ Delta. Tuy nhiên sau đó Omicron đã không mang tới thảm họa.

Cũng về dịch Covid-19, cho tới cuối năm 2022, Trung Quốc - quốc gia hơn 1,4 tỷ dân, đã nới nhẹ mức độ kiểm soát từ chính sách “zero Covid” đã áp dụng gần 3 năm.

Khu tưởng niệm học sinh trường Tiểu học Robb tử vong trong vụ xả súng ngày 24/5.

Khu tưởng niệm học sinh trường Tiểu học Robb tử vong trong vụ xả súng ngày 24/5.

8. Xả súng trong trường học ở Mỹ và giẫm đạp kinh hoàng tại Hàn Quốc

Sáng 24/5, khi những học sinh lớp 4 trường Tiểu học Robb nhận giấy khen và các giải thưởng khác cuối năm học, thì Salvador Ramos, 18 tuổi, lái xe đến trường với khẩu súng trường bán tự động kiểu AR-15 và hàng trăm viên đạn. Chỉ trong vòng vài phút, Ramos băng qua đường, đến bãi đậu xe của trường Tiểu học Robb và bắn vào cửa sổ lớp học, đồng thời tiến vào bên trong trường. Thời điểm học sinh bắt đầu gọi 911, có tới 19 cảnh sát đang hiện diện ở hành lang lớp học, nhưng không hành động mà đợi đội đặc nhiệm đến.

Trong buổi trưa ngày 24/5, ít nhất 10 cuộc gọi tới 911 đã được các học sinh thực hiện từ trong lớp học. Đội đặc nhiệm Bortac của Biên phòng Mỹ đã có mặt ở hiện trường lúc 12h15’, nhưng họ được yêu cầu chờ đợi ở bên ngoài. Đến 12h50’, họ mới được lệnh tiến vào trong lớp học. Nhưng lúc đó, 19 học sinh và 2 giáo viên đã thiệt mạng trong vụ xả súng trường học đẫm máu nhất ở Mỹ gần một thập kỷ qua.

Tổng cộng, 80 phút trôi qua từ khi cảnh sát được thông báo về vụ xả súng cho đến lúc kẻ sát nhân Ramos bị bắn chết.

Còn tại Hàn Quốc, ít nhất 153 người đã tử vong trong vụ giẫm đạp tại lễ hội Halloween ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc vào đêm 29/10, trong một sự kiện có khoảng 100.000 người tham gia. Thảm kịch xảy ra tại con ngõ rộng chỉ 4 mét, dài khoảng 40 mét, phần lớn nạn nhân trong độ tuổi 20. Hàn Quốc đã tổ chức quốc tang từ ngày 30/10 đến hết ngày 5/11 tưởng nhớ những người xấu số của vụ thảm kịch.

Cổ động viên Nhật Bản mừng chiến thắng sau trận đấu với Tây Ban Nha, rạng sáng 21/12.

Cổ động viên Nhật Bản mừng chiến thắng sau trận đấu với Tây Ban Nha, rạng sáng 21/12.

9. World Cup và niềm tự hào châu Á

Giải vô địch bóng đá thế giới, World Cup 2022, là sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong năm, được tổ chức tại Qatar. Ngôi vô địch đã thuộc về Argentina trong trận đấu đầy kịch tính với Pháp.

Tuy không vào sâu trong giải nhưng châu Á hoàn toàn có thể tự hào về những gì đã làm được ở giải đấu hoành tráng này. Niềm tự hào đó được dành cho các cầu thủ Nhật Bản và Hàn Quốc, với những nỗ lực không mệt mỏi và những trận đấu trong mơ, khi họ chỉ chịu dừng bước ở vòng 1/8. Những đội tuyển hùng mạnh như Đức, Tây Ban Nha... đã phải dừng bước trước những đối thủ “nhẹ ký” châu Á. Worrld Cup 2022 đã cho thấy châu Á không còn là “vùng trũng” của bóng đá thế giới.

Vinice Mabansag, công dân thứ 8 tỷ cùng mẹ tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial, Manila.

Vinice Mabansag, công dân thứ 8 tỷ cùng mẹ tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial, Manila.

10. Thế giới chào đón công dân thứ 8 tỷ

Vào lúc 10 giờ ngày 14/11/2022, đồng hồ dân số thế giới hiển thị con số 7,999 tỷ dân. Tới 1 giờ 29 phút (giờ GMT) ngày 15/11, thế giới đón công dân thứ 8 tỷ là một bé gái người Philippines. Em bé có tên Vinice Mabansag, được sinh ra tại Bệnh viện Dr. Jose Fabella Memorial ở Tondo, thủ đô Manila.

Sự kiện nhân loại đạt con số 8 tỷ người được chào đón khá khác nhau. Nhiều quốc gia đang lo ngại dân số già do tỷ lệ sinh ít, trong khi nhiều quốc gia khác phải đối phó với việc gia tăng dân số. Tuy nhiên, khái niệm “quả bom dân số” cũng đã trôi vào quá khứ. Vì rằng sự phát triển của loài người chính là niềm vui, cho dù phải giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế - xã hội. Hiện Trung Quốc vẫn là nước đông dân nhất thế giới với hơn 1,4 tỷ người nhưng dự báo năm 2023 Ấn Độ sẽ vượt lên.

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số thế giới có thể đạt 8,5 tỷ người vào năm 2030 và 9 tỷ người vào năm 2037. Vui với sự tăng trưởng của nhân loại, nhưng Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres vẫn lưu ý rằng 1% người giàu nhất bỏ túi 1/5 thu nhập của cả thế giới. Công dân của các nước giàu nhất có thể sống lâu hơn tới 30 năm so với những người nghèo nhất.