Thế giới bị ảnh hưởng ra sao khi Mỹ đòi thực hiện thuế tối thiểu với doanh nghiệp toàn cầu?

12/04/2021 06:46 toquoc.vn

Thế giới dồn sự chú ý vào đề xuất của "bà đầm thép"

Hôm 5/4, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi thực hiện thuế tối thiểu trên toàn cầu với các doanh nghiệp đa quốc gia nhằm ngăn sự cạnh tranh không lạnh mạnh. Lý do phía Mỹ đưa ra là việc các nước cố gắng giảm thuế để thu hút doanh nghiệp mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm hay an toàn, phúc lợi cho người lao động.

Trong một Hội nghị quốc tế trực tuyến ở Chicago, bà Yellen nhấn mạnh: "Cùng nhau, chúng ta có thể áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu nhằm đảm bảo sự phát triển dựa trên một sân chơi bình đẳng hơn. Việc đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia cũng đảm bảo sự thúc đẩy cho tăng trưởng, thịnh vượng và sự đổi mới".

Người phụ nữ nổi danh trong lĩnh vực tài chính với danh hiệu "bà đầm thép" cũng cho biết Chính quyền của Tổng thống Joe Biden muốn "chấm dứt cuộc đua xuống đáy" trong lĩnh vực thuế suất doanh nghiệp trên quy mô toàn cầu. Hiện tại, Mỹ sẽ hợp tác với Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) để thúc đẩy áp thuế tối thiểu toàn cầu.

Tại sao thuật ngữ thuế tối thiểu toàn cầu xuất hiện?

Các nền kinh tế lớn đang hướng tới mục tiêu không khuyến khích các công ty đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang các nước khác để né thuế. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới ngân sách của một hoặc nhiều quốc gia. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất, nguồn thu từ các bằng sáng chế thuốc, phần mềm hay các sản phẩm sở hữu trí tuệ cũng đang được các công ty "lách" thuế bằng cách chuyển chúng tới các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thu thuế ít hơn. Nó giúp họ có những khoản lợi nhuận khổng lồ so với nộp thuế ở quê nhà.

Với cái gọi là mức thuế tối thiểu toàn cầu được thống nhất rộng rãi, Chính quyền Biden hy vọng sẽ giảm bớt tình trạng lách thuế này mà không khiến doanh nghiệp Mỹ gặp bất lợi về tài chính, giúp đảm bảo cho họ khả năng cạnh tranh.

Thực tế, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump cũng đã nhắm mục tiêu vào lĩnh vực này khi cố gắng lấy lại những khoản tiền bị thất thoát ở các thiên đường thuế bằng cách áp thuế tối thiểu cho các tập đoàn Mỹ hoạt động ở nước ngoài vào năm 2015. Tuy nhiên, mức thuế này cũng chỉ là 10,5%, bằng một nửa so với thuế nội địa của Mỹ.

Đề xuất này được quyết định ở đâu?

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở ở Paris đã điều phối các cuộc đàm phán về thuế giữa 140 quốc gia suốt nhiều năm qua với 2 nỗ lực chính: thiết lập các quy tắc đánh thuế các dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới và hạn chế xói mòn cơ sở thuế, sau này là thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu.

Các nước OECD và G20 đặt mục tiêu đạt được đồng thuận trên cả 2 phương diện này vào cuối năm. Những cuộc đàm phán về mức thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu có vẻ đơn giản hơn về mặt kỹ thuật và ít gây tranh cãi hơn về mặt chính trị.

Mức thuế tối thiểu dự kiến sẽ chiếm phần lớn trong số 50 – 80 tỷ USD thuế doanh nghiệp bổ sung mà OECD dự tính các doanh nghiệp sẽ phải trả trên toàn cầu nếu cả 2 chính sách nêu trên được thông qua.

Thuế tối thiểu toàn cầu vận hành như thế nào?

Nếu các quốc gia đồng ý về mức tối thiểu toàn cầu, các chính phủ vẫn có thể áp bất cứ mức thuế doanh nghiệp nào mà họ muốn trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nếu các công ty trả mức thuế thấp hơn ở một quốc gia cụ thể thì chính phủ nước sở tại của họ có thể tăng thuế lên để bù lại. Điều này khiến các doanh nghiệp không thể dựa vào các thiên đường thuế như trước kia.

Tháng trước, OECD cho biết thiết kế cơ bản của mức thuế tối thiểu đã đạt được sự đồng thuận rộng rãi. Tuy nhiên, con số chính thức chưa được thống nhất. Các chuyên gia về thuế toàn cầu cũng nhấn mạnh đây là vấn đề gai góc nhất.

Các hạng mục khác vấn còn đang được đàm phán bao gồm liệu các ngành như quỹ đầu tư và quỹ tín thác đầu tư bất động sản có bị đánh thuế hay không, khi nào mức thuế mới được áp dụng và chúng sẽ tương thích với cải cách thuế năm 2017 của Mỹ như thế nào.

Thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu có ý nghĩa gì?

Chính quyền của ông Joe Biden muốn tăng thuế doanh nghiệp của Mỹ lên 28% và họ đã đề xuất mức thuế tối thiểu toàn cầu là 21%, gấp đôi mức đang được áp dụng hiện tại. Washington cũng muốn áp mức thuế tối thiểu cho các công ty Mỹ bất kể thu nhập chịu thuế của họ tới từ đâu.

Tuy nhiên, đề xuất này cao hơn nhiều so với mức thuế tối thiểu 12,5% được thảo luận trong các cuộc đàm phán trước đây của OECD, một mức tương ứng với thuế doanh nghiệp của Ireland.

Nền kinh tế Ireland đã bùng nổ trong những năm gần đây do dòng vốn đầu tư hàng tỷ USD từ các công ty đa quốc gia bên ngoài. Chính vì thế, quốc gia vốn đã chống lại các nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm hài hòa quy tắc thuế của mình trong suốt hơn một thập kỷ khó có thể chấp nhận một mức thuế suất tối thiểu cao hơn nếu không có một cuộc chiến.

Tham khảo: Reuters