Thấy gì từ giá chào sàn của MSB?

22/12/2020 14:01 toquoc.vn

Ngày 23/12, gần 1,18 tỷ cổ phiếu MSB sẽ giao dịch phiên đầu tiên trên HoSE với giá tham chiếu 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị vốn hóa 17.625 tỷ đồng. Đây là ngân hàng niêm yết mới đầu tiên trên HoSE trong năm 2020 bên cạnh một số trường hợp chuyển sàn.

Tại ngày 30/9, tổng thu nhập hoạt động 4 quý gần nhất của MSB đạt 6.021 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.504 tỷ đồng, tương đương thu nhập trên một cổ phiếu phổ thông (EPS) là 1.399 đồng/cp. Giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu MSB tại thời điểm này là 15.042 đồng/cp.

Theo thống kê tại bản cáo bạch, P/E của 11 ngân hàng được khảo sát để xác định giá đang ở mức bình quân là 12,32 lần, trong khi P/B là 1,51 lần (tính theo giá đóng cửa vào ngày 19/11). Cổ phiếu VCB có hệ số P/B cao nhất với 3,58 lần, theo sau là BID 2,08 lần, ACB 1,79 lần…

Nếu tính theo giá thị trường ngày 17/11, P/B cổ phiếu MSB chỉ 0,99 lần, thấp thứ hai trong số các ngân hàng khảo sát trong bản cáo bạch.

Thấy gì từ giá chào sàn của MSB? - Ảnh 1.
 

Như vậy, giá chào sàn của MSB thấp hơn giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu và cũng thấp hơn mức định giá với cách tính trọng số theo các chỉ tiêu P/E, P/B trung bình ngành ngân hàng kết hợp với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu (kết quả định giá là 18.671 đồng/cp theo cáo bạch).

Giá niêm yết MSB được đánh giá là thận trọng so với mặt bằng thị giá của cổ phiếu ngân hàng hiện nay nên sẽ là cơ hội cho nhà đầu tư. Ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB cho rằng giá cổ phiếu sau lên sàn sẽ được thị trường đánh giá đúng, căn cứ theo thực lực và tiềm năng phát triển của ngân hàng.

Trên thực tế từ cuối tháng 7, cổ phiếu nhiều ngân hàng tăng 40-90% nhờ kết quả kinh doanh tích cực trong 9 tháng và triển vọng hồi phục của nền kinh tế trong năm 2021. Cổ phiếu ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường trong năm 2021 theo một số ý kiến phân tích của các tổ chức tin cậy:

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI - SSI Reserch dự báo sau khi hoàn thành việc hỗ trợ khách hàng, lợi nhuận ngân hàng quốc doanh ước tính sẽ tăng 23% và nhóm ngân hàng TMCP tăng 11,2%.   

CTCK VNDirect đã nâng đánh giá ngành ngân hàng từ trung lập lên tích cực trong năm tới. Đơn vị này dự báo rằng hoạt động của lĩnh vực này sẽ phục hồi trong năm 2021 với lợi nhuận cao hơn. Cổ phiếu ngân hàng được khuyến nghị có thể tiếp tục nắm giữ, trong đó cổ phiếu có câu chuyện tăng vốn sẽ thu hút được dòng tiền.

Trong bản báo cáo gần đây nhất, J.P.Morgan cũng chung nhận định tiềm năng tăng giá của một số cổ phiếu ngân hàng là vẫn còn. EPS và giá mục tiêu các ngân hàng Việt Nam sẽ tăng. Trong đó, EPS được thúc đẩy bởi các khoản dự phòng thấp hơn dự kiến và quy mô tăng nhờ GDP cao hơn. Tuy nhiên, rủi ro sẽ tiềm ẩn là vấn đề về chất lượng tài sản có thể kém hơn dự kiến, các rủi ro vĩ mô như bùng phát Covid-19. J.P.Morgan cũng kỳ vọng chất lượng tài sản các ngân hàng Việt sẽ duy trì ổn định trong 2 năm tới.

Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng năm nay đạt khoảng 8-10%, mức này có thể sẽ cao hơn trong năm tới. Các ngân hàng có vốn và chất lượng tài sản tốt được kỳ vọng sẽ nhận hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Cơ hội nào cho MSB

Theo bản cáo bạch niêm yết, tính đến cuối 2019, MSB có 278 phòng giao dịch, gần tương đương với một số đơn vị khác như HDBank, MB, Techcombank, SHB, VPBank… Tổng tài sản MSB đạt 157.000 tỷ đồng vào cuối năm 2019.

Trao đổi trong buổi gặp gỡ trực tuyến nhà đầu tư trước thềm niêm yết, lãnh đạo MSB khẳng định luôn đề cao việc kiểm soát rủi ro với các yêu cầu khắt khe khi cấp tín dụng và thực hiện trích lập dự phòng cho vay. Do đó, ngân hàng này tương đối thận trọng so với các nhà băng khác khi giải ngân. Dư nợ cho vay tính đến cuối năm 2019, ở mức 63.594 tỷ đồng, trong khi huy động vốn đạt gần 81.000 tỷ đồng.

Sau 11 tháng năm 2020, tổng tài sản của riêng ngân hàng mẹ đạt trên 166.000 tỷ, tăng 13% so với cùng kỳ 2019 và đạt 98% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế vượt mục tiêu kế hoạch năm (1.439 tỷ đồng) hơn 60%, đạt hơn 2.302 tỷ, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2021, MSB đặt mục tiêu tổng tài sản hợp nhất tăng 15%, huy động khách hàng và dư nợ tín dụng lần lượt tăng 12% và 29%. Lợi nhuận sau thuế đặt chỉ tiêu đạt 1.775 tỷ đồng, cao hơn 54% so với kế hoạch 2020.

Trong kế hoạch 5 năm, ngân hàng dự kiến tăng trưởng vốn điều lệ bình quân từ 8% đến 15%/năm dựa trên tình hình thực tế từng năm và dự kiến có thể sẽ cán mốc trên 23.000 tỷ đồng vào năm 2024, nguồn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế để lại mỗi năm. Bên cạnh đó, MSB cũng để ngỏ khả năng tìm kiếm, huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, MSB có một cổ đông lớn là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) giữ hơn 6% vốn điều lệ. Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, CEO MSB, tập đoàn này sẽ lên kế hoạch thoái toàn bộ ngân hàng, theo chủ trương của Chính phủ không đầu tư ngoài ngành.