Tham vọng đưa việc chuyển tiền quốc tế dễ dàng và rẻ hơn, startup Wise lên sàn với mức định giá gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi Western Union

03/09/2021 15:02 toquoc.vn

Ngày nay, cụm từ fintech đã trở nên quen thuộc, với hàng loạt doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính được thành lập.

Những công nghệ sáng tạo từ các công ty này đã giúp việc thanh toán hóa đơn điện tử, thực hiện giao dịch và mua bán trực tuyến dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi hơn.

Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, một số công ty muốn thay đổi cách thức giao dịch truyền thống thông qua ngân hàng bằng phương pháp nhanh chóng hơn nhưng lại tiết kiệm về mặt chi phí.

Tiêu biểu trong số này là Wise – công ty fintech về giao dịch chuyển tiền giữa các nước với tham vọng có thể thay thế ngân hàng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền.

Wise được thành lập từ năm 2011, có trụ sở tại London với hai nhà sáng lập là Kristo Käärmann – một chuyên gia tư vấn tài chính và Taavet Hinrikus – nhân viên đầu tiên của Skype.

Mục tiêu của công ty ngay từ những ngày đầu tiên thành lập đó là giúp cho việc chuyển tiền và thanh toán quốc tế trở nên dễ dàng và ít tốn kém hơn.

Thay vì để người dùng phải chịu những khoản phí trung gian tốn kém cho các ngân hàng, Wise tìm kiếm những người có cùng nhu cầu trao đổi tiền tệ, kết nối họ và thực hiện giao dịch một cách trực tiếp.

Người dùng chỉ phải chịu một loại phí duy nhất là phí dịch vụ, thay vì phải trả thêm khoản tiền trung gian cho các ngân hàng.

Tham vọng đưa việc chuyển tiền quốc tế dễ dàng và rẻ hơn, startup Wise lên sàn với mức định giá gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi Western Union  - Ảnh 1.

Cách thức Wise hoạt động giúp người dùng tiết kiệm được rất nhiều chi phí (Ảnh: Wise)

Theo quảng cáo từ Wise, mức phí mà khách hàng phải bỏ ra cho dịch vụ của họ chỉ bằng 1/7 so với số tiền phải trả các ngân hàng và thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Thông qua Wise, ngoài việc chuyển tiền với mức phí rẻ hơn các ngân hàng, khách hàng còn có thể nhận các khoản thanh toán như người bản địa với 9 đồng tiền, chi tiêu ở nước ngoài mà không sợ phải trả thêm các khoản phí "ẩn", chuyển đổi và nắm giữ 56 loại tiền tệ....

Với nhiều tính năng nổi bật, ngay trong năm đầu tiên hoạt động, công ty đã thu hút tới 10 triệu euro giao dịch thông qua ứng dụng của mình và nhanh chóng nhận được sự chú ý của nhiều nhà đầu tư khi được rót vốn hàng trăm triệu euro.

Dịch vụ của họ trực tiếp cạnh tranh với các công ty truyền thống trong mảng chuyển tiền như MoneyGram hay Western Union cũng như một số doanh nghiệp fintech khác là Revolut và World Remit.

Tham vọng đưa việc chuyển tiền quốc tế dễ dàng và rẻ hơn, startup Wise lên sàn với mức định giá gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi Western Union  - Ảnh 2.

Mức phí chuyển tiền của Wise thấp hơn khá nhiều với các đối thủ cạnh tranh (Ảnh: Wise)

Sau nhiều năm phát triển, Wise trở thành một dịch vụ tương đối phổ biến tại Anh và dần dần có mặt tại nhiều nơi trên thế giới.

Tính tới thời điểm hiện tại, công ty có hơn 10 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ với tổng số tiền chuyển hàng tháng lên tới 5 tỷ Bảng Anh (5,8 tỷ euro) mỗi tháng.

Điểm đặc biệt của Wise đó là họ tuân thủ theo sự quản lý của các cơ quan chính phủ như những công ty truyền thống (FCA – Cơ quan Quản lý tài chính của Anh và FinCen – Đơn vị tình báo Tài chính Hoa Kỳ), do đó tính an toàn và bảo mật trong các giao dịch của họ được đánh giá cao.

Thêm vào đó, khác với nhiều công ty khởi nghiệp, Wise bắt đầu có lãi từ năm 2017 và duy trì tới hiện nay.

Trong năm tài chính vừa qua, doanh thu của họ tăng 39% so với cùng kỳ, đạt 421 triệu bảng Anh (492 triệu euro); lợi nhuận sau thuế tăng gấp đôi, đạt 30,9 triệu bảng Anh (36 triệu euro).

Tham vọng đưa việc chuyển tiền quốc tế dễ dàng và rẻ hơn, startup Wise lên sàn với mức định giá gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi Western Union  - Ảnh 3.

Vốn hóa thị trường của Wise hiện đạt 10 tỷ bảng Anh, tương đương 13,8 tỷ USD

Với tình hình tài chính khả quan, Wise đã chính thức đưa cổ phiếu của mình lên sàn giao dịch chứng khoán London thông qua hình thức niêm yết trực tiếp (DPO).

Hình thức phát hành trực tiếp của công ty là khá hiếm gặp – doanh nghiệp bán trực tiếp cổ phiếu cho nhà đầu tư mà không thông qua trung gian tài chính.

Một công ty rất nổi tiếng trước đây từng sử dụng hình thức này là Spotify khi họ niêm yết cổ phiếu của mình tại Mỹ.

Mặc dù vậy, việc niêm yết của họ vẫn được tư vấn bởi 2 ngân hàng lớn của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley.

Giá trị thị trường của công ty đạt 8 tỷ bảng Anh (9,37 tỷ euro) với mức định giá 1 cổ phiếu là 8 bảng Anh (9,37 euro), gấp đôi những gì nhiều quỹ đầu tư định giá chỉ một năm trước đó.

Hai nhà sáng lập của công ty đều đã trở thành những tỷ phú sau khi doanh nghiệp lên sàn: số cổ phần của Käärmann hiện trị giá khoảng 2,1 tỷ đô la (1,77 tỷ euro), trong khi Hinrikus nắm giữ số cổ phiếu tương đương 1,2 tỷ đô la (1 tỷ euro).

Đến đầu tháng 9, vốn hóa thị trường của Wise đã đạt gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi so với mức 8,8 tỷ USD của Western Union.

Tham vọng đưa việc chuyển tiền quốc tế dễ dàng và rẻ hơn, startup Wise lên sàn với mức định giá gần 14 tỷ USD, gấp rưỡi Western Union  - Ảnh 4.

Wise niêm yết trực tiếp (DPO) thay vì gián tiếp (IPO) như nhiều công ty khác (Ảnh: Wise)

Việc Wise niêm yết thành công tại sàn chứng khoán London là một chiến thắng cho thành phố này và nước Anh, nhất là sau khi Brexit chính thức được khởi động.

Sở hữu một doanh nghiệp tài chính vào loại hàng đầu thế giới vào thời điểm này sẽ giúp họ khẳng định vị thế của một trung tâm tài chính, đồng thời thu hút thêm nhiều đầu tư hơn vào nước này khi mà họ đã trở nên độc lập với Liên minh Châu Âu (EU).

Việc Wise lên sàn không chỉ là sự khẳng định cho riêng họ, mà còn là sự thắng lợi cho thành phố London.