Techcombank công bố lợi nhuận 6,8 nghìn tỷ quý 1/2022

27/04/2022 19:01 daidoanket.vn

Kết quả kinh doanh quý 1/2022, Techcombank vừa công bố lãi 6,8 nghìn tỷ đồng; Ngân hàng VIB cũng công bố lợi nhuận đạt gần 2.300 tỷ đồng.

Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý 1/2022, CASA vẫn cao kỷ lục. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức thấp chỉ 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%.
Techcombank báo lãi trước thuế 6.800 tỷ đồng trong quý 1/2022, CASA vẫn cao kỷ lục. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức thấp chỉ 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%.

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank - TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 1/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý đầu năm 2022 đạt 6,8 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 23,0% so với cùng kỳ năm trước). 

Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 1 năm 2022 tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, lên 10,1 nghìn tỷ đồng, dẫn dắt bởi sự tăng trưởng ở cả thu nhập lãi và thu nhập ngoài lãi. Trong đó, thu nhập từ lãi đạt 8,1 nghìn tỷ đồng, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm trước, nhờ danh mục tín dụng được mở rộng và biên lãi thuần (NIM) ổn định.

Thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 24,1%, đạt 2,0 nghìn tỷ đồng, với sự đóng góp của thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và thu từ thư tín dụng (LC), tiền & các khoản thanh toán tăng lần lượt 35,3% và 55,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thu phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) đạt 1,1 nghìn tỷ nhờ phí từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu tăng 132,5% và phí từ các dịch vụ IB khác tăng 41,0%. Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities) tiếp tục cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ mới để phục vụ với tập khách hàng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 30,7% với chi phí hoạt động tăng 21,3% so với cùng kỳ. Ngân hàng cho biết, chi phí hoạt động tăng chủ yếu do các khoản đầu tư vào công nghệ và hội sở mới (D’Capitale) để mở rộng kinh doanh, làm gia tăng chi phí khấu hao. Chi phí tư vấn (trong chi phí khác) tăng để hỗ trợ cho việc ra các quyết định chiến lược của ngân hàng.

Chi phí dự phòng giảm đáng kể, giảm 74,3% so với cùng kỳ năm trước, do nhiều khách hàng tiếp tục phục hồi khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, dẫn đến việc trích lập dự phòng thấp hơn, hoặc một số khoản trích lập dự phòng trước đây được hoàn nhập.

Tại ngày 31/3/2022, tổng tài sản Techcombank đạt 615,3 nghìn tỷ đồng, tăng 32,9% so với cùng kỳ năm 2021. 

Tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý 1 năm 2022 đạt 418,9 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9% so với cuối năm 2021. Trên báo cáo hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 49,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 171,6 nghìn tỷ đồng. 

Tổng tiền gửi cuối quý 1/2022 là 328,9 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, duy trì tỷ lệ CASA cao ở mức 50,4%, không thay đổi so với quý 4 năm 2021. Trong đó, CASA của khách hàng cá nhân đóng góp 107,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24,8%.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 1 của ngân hàng ở mức 0,7%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160,8%. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là 1,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,4% tổng dư nợ, thấp hơn mức 1,9 nghìn tỷ đồng ở cuối năm 2021.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II đạt 15,1% cuối quý 1 năm 2022, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8,0% của trụ cột I, Basel II, và nhích nhẹ so với cuối năm 2021.

Trong quý 1 năm 2022, Techcombank đã thu hút thêm hơn 0,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên hơn 9,8 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân trong quý 1 năm 2022 lần lượt đạt 194,6 triệu giao dịch (tăng 42,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2,7 triệu tỷ đồng (tăng 38,9% so với cùng kỳ năm ngoái).

Techcombank công bố lợi nhuận 6,8 nghìn tỷ quý 1/2022 - Ảnh 1

VIB lãi gần 2.300 tỷ trong quý 1, hiệu quả top đầu ngành

Kết thúc quý 1, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 2.300 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động của VIB đạt hơn 4.100 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ, thu nhập ngoài lãi đạt 650 tỷ, đóng góp 16% vào tổng thu nhập hoạt động. Tăng trưởng tín dụng ở mức 6,1%, dư nợ gần 217.000 tỷ đồng, huy động vốn tăng trưởng tốt ở mức 7,7%, đạt 302.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng ấn tượng đến từ việc Ngân hàng tập trung vào danh mục tín dụng bán lẻ chất lượng cao, giảm thiểu rủi ro tập trung với gần 90% danh mục là cho vay bán lẻ và 95% có tài sản đảm bảo. Biên lãi ròng (NIM) cũng được cải thiện ở mức 4,5%, nhờ vào chi phí huy động vốn tiếp tục giảm 40 điểm cơ bản so với cùng kỳ. NIM được mở rộng chủ yếu đến từ số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng hơn 40% và các khoản vay từ các định chế tài chính nước ngoài tăng gần 80% so với quý 1 năm trước. Các nguồn vốn giá rẻ này giúp VIB tiếp tục duy trì chi phí huy động ở mức thấp trong diễn biến lãi suất chung trên thị trường có dấu hiệu gia tăng nhẹ.

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm về mức hiệu quả nhất từ trước tới nay 35%, cho thấy hiệu suất vượt trội của ngân hàng trong quản lý chi phí và gia tăng hiệu quả sinh lời. Bên cạnh đó, chi phí tín dụng được quản lý ở mức thấp nhờ vào việc quản trị và kiểm soát rủi ro hiệu quả. Kết thúc quý 1, VIB đạt tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) 30%, đứng top đầu ngành.

Trong giai đoạn vừa qua, nhiều chính sách đã được ban hành, trong đó Thông tư 16/2021/TT-NHNN quy định về việc các tổ chức tín dụng mua bán trái phiếu doanh nghiệp, góp phần giúp thị trường tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả, lành mạnh và minh bạch.

Tại VIB, số dư trái phiếu doanh nghiệp tính đến ngày 31/3/2022 là 2.612 tỷ đồng – tương đương 1,2% tổng danh mục tín dụng, đây là con số rất thấp trong ngành ngân hàng. Trái phiếu do VIB đầu tư phần lớn của doanh nghiệp sản xuất, có kết quả kinh doanh tốt, tài sản đảm bảo chất lượng, kiểm soát rủi ro chặt chẽ và có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, an toàn, minh bạch.

Tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế hàng đầu về quản trị rủi ro, VIB ghi dấu ấn trên thị trường là một ngân hàng phát triển bền vững, có nền tảng quản trị rủi ro hàng đầu. Các chỉ số về an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu và thanh khoản được Ngân hàng quản lý chặt chẽ, thuộc nhóm tốt nhất ngành.

Ngày 19/4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận Phương án tăng vốn điều lệ thêm 5.545 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ tăng lên trên 21.000 tỷ đồng, giúp VIB tiếp tục mở rộng kinh doanh dựa trên nền tảng vốn vững mạnh.