Tăng trưởng 'chậm chạp', giá cổ phiếu CTR 'lên đỉnh' rồi 'tụt dốc'

31/05/2021 15:03 congluan.vn

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến thăng hoa thời gian gần đây, không ít cổ phiếu lại gây thất vọng lớn cho nhà đầu tư trong đó có cổ phiếu CTR của Công ty cổ phần Công trình Viettel (Viettel Construction).

Viettel-Construction-DHCD-2021

Thực tế, Viettel Construction đã có nhịp tăng khá bất ngờ từ sau thương vụ đấu giá “ế” tới 43% số cổ phần của Viettel dù giá khởi điểm thấp hơn nhiều thị giá cổ phiếu này thời điểm đó.

Cổ phiếu này liên tục tăng mạnh trước khi vấp phải nhịp điều chỉnh sâu vào cuối tháng 1/2021.

Viettel Construction cũng nhanh chóng đảo chiều tại vùng đáy và tiếp tục đi lên trong “nghi ngờ” khi không có thông tin nào hỗ trợ.

Cổ phiếu này tăng tới hơn 50% chưa đến 2 tháng, qua đó lập đỉnh tại 102.000 đồng/cổ phiếu (ngày 12/3/2021), kéo theo P/E cao ngất ngưởng 26,7 lần, con số có thể khiến nhiều nhà đầu tư “giật mình”.

Đương nhiên, mức định giá có phần “phi lý” đó không duy trì được lâu.

Viettel Construction nhanh chóng trượt dài và gần như chỉ giảm trong hơn 2 tháng sau đó.

Cổ phiếu này thậm chí có thời điểm đã rơi về gần đáy hồi đầu năm, đánh mất toàn bộ thành quả của nhịp tăng trước đó.

Hiện Viettel Construction đã phục hồi trở lại mức 82.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 20% so với đỉnh nhưng P/E trượt 4 quý vẫn ở mức xấp xỉ 20 lần.

Mức định giá không mấy hấp dẫn bởi cùng thời điểm P/E của VN-Index mới chỉ ở mức 17,83 lần.

CTR_1

Tăng trưởng một con số năm 2021

Viettel Construction hiện đang hoạt động kinh doanh với 4 trụ cột chính: Vận hành khai thác, Xây dựng, Giải pháp tích hợp và Đầu tư hạ tầng cho thuê.

Công ty là một phần trong hệ sinh thái Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel, chuyên thực hiện hoạt động thi công lắp đặt công trình và vận hành khai thác thác viễn thông tại các quốc gia mà Viettel đang đầu tư.

Trong năm 2021, Ban lãnh đạo Viettel Construction đánh giá công ty sẽ phải đối mặt với những rủi ro như dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khi vắc xin chưa phổ cập; cơ chế giá điện mặt trời mới chưa được ban hành; mảng xây dựng bị ảnh hưởng bởi giá thép tăng hay việc chưa thể đấu giá tần số 5G.

Tại Đại hội cổ đông thường niên 2021, cổ đông Viettel Construction đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 khá thận trọng với doanh thu 6.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 275,8 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng ở mức thấp 3,4% và 0,6% so với thực hiện năm 2020.

Quý I/2021, Viettel Construction ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.750 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ.

Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, Lợi nhuận sau thuế thu về 71,6 tỷ đồng, cũng tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Với kết quả đạt được, công ty đã thực hiện được 26,5% kế hoạch doanh thu và 26% mục tiêu lợi nhuận sau quý đầu tiên.

CTR_2

Theo đánh giá của Chứng khoán Dầu khí (PSI), các mảng kinh doanh là Vận hành khai thác, Giải pháp tích hợp cùng với mảng Xây dựng sẽ là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng doanh thu của Viettel Construction trong năm 2021.

Cụ thể, tăng trưởng nguồn thu của mảng Vận hành khai thác sẽ đến từ các dịch vụ Solar care, Homecare.

Trong khi đó, hợp tác chiến lược với FECON được kỳ vọng là động lực phát triển của Viettel Construction trong lĩnh vực điện gió, xây dựng B2B (xây dựng biệt thự, nhà ở), xây dựng B2C.

Gia Nguyên