Tăng hấp dẫn chính sách lương hưu

14/04/2021 13:51 toquoc.vn

Số người hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần thời gian gần đây có xu hướng gia tăng và duy trì tỉ lệ cao hằng năm.

Nếu như năm 2006, chỉ có 240.191 người hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần (chiếm 3,82% số người tham gia Bảo hiểm Xã hội) thì năm 2016 đã tăng lên 665.306 người (chiếm 4,7%) và năm 2020 là 897.000 người (5,57%).

Số người hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần ngày càng nhiều đặt ra những thách thức rất lớn đến mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội.

Nguyên nhân khiến tình trạng nhận Bảo hiểm Xã hội một lần gia tăng một phần là do ý thức của người lao động.

Một bộ phận người lao động, nhất là người mất việc, xem khoản trợ cấp này là khoản tiền tiết kiệm đương nhiên phải lấy để bù đắp cho cuộc sống khi họ chưa tìm được việc làm mới hoặc làm vốn để về quê khởi nghiệp.

Kết quả khảo sát tiền lương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy thu nhập của người lao động chỉ đủ để bảo đảm cuộc sống trước mắt.

Do vậy, họ dễ rơi vào tình trạng nghỉ việc sẽ hết tiền, dẫn đến xu hướng nhận Bảo hiểm Xã hội một lần.

Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng tỉ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm đối với cả nam lẫn nữ cũng khiến người lao động lo lắng, nhất là với người còn trẻ, bởi họ cảm thấy khó đạt đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng, trong đó người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14% - nghĩa là tổng mức đóng vào quỹ Bảo hiểm Xã hội hằng năm bằng 2,64 tháng lương.

Nếu hưởng Bảo hiểm Xã hội một lần, người lao động chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm Xã hội cho 1 năm tham gia Bảo hiểm Xã hội.

Như vậy, người lao động mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm.

Cùng một khoảng thời gian đóngBảo hiểm Xã hội, nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hằng tháng với lĩnh Bảo hiểm Xã hội một lần thì tổng số tiền hưởng lương hưu hằng tháng cao hơn khá nhiều.

người lao động nhận Bảo hiểm Xã hội một lần đồng nghĩa với việc họ rời bỏ hệ thống Bảo hiểm Xã hội, tự tước bỏ quyền được tham gia, thụ hưởng các chế độ Bảo hiểm Xã hội, nhất là các chế độ dài hạn như hưu trí, tử tuất.

Chính sách Bảo hiểm Xã hội bắt buộc của Việt Nam hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ khi người lao động mất việc làm, bảo đảm cuộc sống ổn định sau khi hết tuổi lao động...

Tuy nhiên, xu hướng người lao động lựa chọn nhận Bảo hiểm Xã hội một lần cho thấy Luật Bảo hiểm Xã hội đã bộc lộ những hạn chế, bất cập.

Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao ý thức của người lao động về ý nghĩa của chính sách Bảo hiểm Xã hội, cơ quan chức năng cần sớm đánh giá việc thực hiện chính sách Bảo hiểm Xã hội một lần.

Cụ thể là cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện bằng công cụ chính sách để người lao động tự quyết định lựa chọn việc thụ hưởng hoặc bảo lưu để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài.

Bên cạnh đó, cần tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm giảm điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm và tiến tới 10 năm...