Stablecoin tại sao nên được kiểm soát như các ngân hàng?

07/08/2021 06:28 Đức Đặng (Theo The Economist)

Dù Bitcoin đã mười hai năm ra đời, nhưng các chính phủ vẫn đang vật lộn để đối phó với các loại tiền số.

Anh đã cấm Binance, một sàn giao dịch tiền số và các cơ quan quản lý của Liên minh Châu Âu muốn các giao dịch được theo dõi chặt chẽ hơn. Vào ngày 3 tháng 8, Gary Gensler, người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ, cho rằng thị trường tiền số “đầy rẫy gian lận, lừa đảo và lạm dụng” và kêu gọi Quốc hội trao cho cơ quan của mình quyền quản lý mới.

Giá Bitcoin, loại tiền số lớn nhất, luôn thay đổi theo từng lời của các nhà quản lý.

Các chính phủ có nghĩa vụ chống lại các hành vi lừa đảo, trốn thuế và rửa tiền đang hoành hành trong thế giới tiền số. Việc cảnh sát thu giữ Bitcoin cho thấy rằng họ đang trở nên sốt sắng hơn với tình hình.

Vấn đề khó khăn hơn mà họ phải đối mặt là liệu tiền số có đe dọa hệ thống tài chính hay không. Nếu Bitcoin sụp đổ, "bài kiểm tra căng thẳng" về tiền số cho thấy rằng những người nắm giữ nó sẽ mất hàng trăm tỷ USD nhưng sự sụt giảm này sẽ có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, có một mối nguy hiểm khác gây ra bởi “stablecoin”, một loại tiền số đặc biệt gắn giá trị của nó với tiền thông thường.

Những cam kết về sự ổn định thường dẫn đến khủng hoảng tài chính. Bởi vì các ngân hàng cung cấp các khoản tiền gửi có thể rút ra theo yêu cầu với bề ngoài không có rủi ro, nhưng được đảm bảo bởi các tài sản dài hạn hơn, ít thanh khoản hơn và rủi ro hơn, chúng dễ gặp rắc rối. Stablecoin cũng có thể tương tự.

Công ty lớn nhất, Tether, đã phát hành mã tiền số trị giá 62 tỷ USD mà họ cho rằng có thể đổi được cho mỗi USD. Nhưng trong số các tài sản đảm bảo cho các mã tiền số này vào tháng 3, chỉ có khoảng 5% là tiền mặt hoặc tín phiếu kho bạc, theo tiết lộ công khai của Tether. Họ cho biết sẽ sớm cập nhật các số liệu và rằng nó “được đảm bảo đầy đủ bởi các khoản dự trữ”.

Hầu hết các tài sản có rủi ro cao hơn - khoảng một nửa trong số đó là thương phiếu. Sự tăng trưởng giá trị của stablecoin từ 14 tỷ USD vào tháng 8 năm 2020 lên hơn 100 tỷ USD ngày nay đã mang lại cho chúng một dấu ấn tài chính lớn.

Ngoại suy những tiết lộ của Tether ngụ ý rằng nó sở hữu thương phiếu trị giá hơn 30 tỷ USD, có thể khiến nó trở thành nhà đầu tư lớn thứ bảy của nhóm tài sản này, không xa mức các quỹ do Vanguard và BlackRock điều hành, theo JPMorgan Chase.

Với đòn bẩy ước tính là 383 so với 1, Tether sẽ không thể thanh toán tất cả các mã tiền số của mình sau khi thua lỗ chỉ 0,26% —một cái đệm an toàn mà các nhà quản lý sẽ không bao giờ cho phép đối với ngân hàng.

Rất ít stablecoin cung cấp nhiều thông tin về bảng cân đối kế toán của chúng. Những tiết lộ của Tether về chi tiết tài sản của nó là rất nhỏ và thấp hơn nhiều so với các tiêu chuẩn được mong đợi của một ngân hàng.

Vào tháng 2, Tether nằm trong số các bị cáo đã đồng ý với khoản tiền phạt 18,5 triệu USD với tổng chưởng lý của New York, người nói rằng vào năm 2017 Tether đã đánh lừa thị trường về sự đảm bảo bằng đồng USD Mỹ của mình và họ đã không tiết lộ chính xác việc chuyển khoản 625 triệu USD trong tài sản của mình cho Bitfinex, một nền tảng giao dịch trực tuyến. Tether nói rằng các khoản tiền đã được hoàn trả và nó có “cam kết hoàn toàn về tính minh bạch”.

Không có gì ngạc nhiên khi ông Gensler gọi tiền số là vẫn ở miền Tây hoang dã. Một số nhà hoạch định chính sách đã so sánh stablecoin với thời kỳ “ngân hàng tự do”, khi các loại tiền giấy do tư nhân phát hành không có sự đảm bảo và giá trị chắc chắn lưu hành trong nền kinh tế Mỹ vào thế kỷ 19. Một so sánh hữu ích hơn là với các quỹ thị trường tiền tệ, được tạo ra vào những năm 1970 để phá vỡ các quy tắc hạn chế lãi suất mà ngân hàng có thể trả cho người gửi tiền.

Sau khi hứa sẽ duy trì giá trị cổ phiếu của họ ở mức một USD, các quỹ thị trường tiền tệ đã nổ tung vào năm 2008 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Những người đóng thuế Mỹ đã can thiệp để ngăn chặn một vụ bán tống tài sản và một sự sụp đổ trên thị trường thương phiếu, nơi mà nền kinh tế thực sự phụ thuộc vào. Sự sụp đổ của stablecoin có thể sẽ diễn ra tương tự.

Các cơ quan quản lý phải nhanh chóng hành động để áp dụng các stablecoin tuân theo các quy tắc giống như ngân hàng về tính minh bạch, thanh khoản và vốn. Những người không tuân thủ sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống tài chính, để ngăn mọi người trôi dạt vào một hệ sinh thái tiền số không được kiểm soát.

Các nhà hoạch định chính sách đã đúng khi đưa ra báo động, nhưng nếu stablecoin tiếp tục phát triển, các chính phủ sẽ cần phải hành động nhanh hơn để kiềm chế rủi ro.

Xu thế là có thể cấm stablecoin, đặc biệt là nếu các ngân hàng trung ương tung ra các loại tiền kỹ thuật số CBDC của riêng mình - giống như tiền giấy tư nhân đã được thay thế bằng sự độc quyền của chính phủ đối với tiền mặt pháp định.

Tuy nhiên, có thể các stablecoin được quản lý trong khu vực tư nhân cuối cùng sẽ mang lại lợi ích, chẳng hạn như thực hiện thanh toán xuyên biên giới dễ dàng hơn hoặc cho phép các “hợp đồng thông minh” tự thực hiện. Các cơ quan quản lý nên cho phép các thử nghiệm có mục tiêu không chỉ là đơn thuần tránh các quy tắc tài chính.

Nhưng trước tiên, họ phải ngăn chặn việc vấp phải những rủi ro mà thế giới đã quá quen thuộc.