Số vụ tai nạn tăng đột biến, các container trị giá hàng chục triệu USD chìm nghỉm dưới đáy biển

27/04/2021 18:19 toquoc.vn

Kích thước của những con tàu chở hàng ngày càng to hơn cho phép chất đầy một lượng lớn container chứa mọi thứ từ lốp xe cho đến điện thoại thông minh (smartphone).

Tuy nhiên, áp lực giao hàng nhanh chóng đã khiến số vụ tai nạn liên quan đến tàu container gia tăng ở tốc độ đáng báo động.

Khối lượng hàng hóa trị giá hàng triệu USD bị chìm nghỉm dưới đáy biển.

Số liệu thống kê cho thấy ngành vận tải đường biển đang ghi nhận số container bị rơi tăng mạnh nhất trong 7 năm trở lại đây.

Nếu như trong cả năm ngoái có hơn 3.000 thùng hàng bị rơi xuống biển, chỉ từ đầu năm đến nay con số đã là hơn 1.000.

Các vụ tai nạn đang làm gián đoạn chuỗi cung ứng của hàng trăm nhà bán lẻ và nhà sản xuất Mỹ như Amazon và Tesla.

Có rất nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này.

Thời tiết trở nên ngày càng khó đoán, trong khi các con tàu ngày càng lớn hơn và núi container được chất lên cao hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên nguyên nhân lớn nhất đằng sau tình trạng này là hoạt động thương mại điện tử tăng vọt.

"Các tàu container nhanh bị full công suất hơn nhiều so với trước đây.

Ngoài việc số chuyến phải thực hiện tăng lên thì còn có áp lực phải giao hàng hóa đúng thời hạn trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như hiện nay", Clive Reed, nhà sáng lập của Reed Marine Maritime Casualty Management Consultancy, nhận định.

Tháng 11 năm ngoái, gió mạnh và sóng lớn đã khiến con tàu One Apus gặp nạn, dẫn đến hơn 1.800 container bị rơi xuống biển.

Ảnh chụp cho thấy hàng nghìn hộp sắt bị ném xuống, nhìn giống như những miếng đồ chơi Lego.

Đây là vụ tai nạn tồi tệ nhất kể từ năm 2013, khi tàu MOL Comfort vỡ làm đôi và tất cả 4.293 container trên tàu bị rơi xuống Ấn Độ Dương.

Tháng 1 vừa qua, tàu Maersk Essen cũng mất 750 container trong khi đi từ Trung Quốc đến Los Angeles.

1 tháng sau, 260 container bị rơi khỏi tàu Maersk Eindhoven vì sóng lớn.

Theo các chuyên gia trong ngành, sức ép tốc độ đang tạo ra những tình thế ngặt nghèo có thể dẫn đến những thảm họa.

Nguy hiểm có thể đến từ việc những công nhân bốc dỡ không xếp hàng đúng chuẩn; container chất càng cao thì con tàu càng chòng chành trước bão cho đến thuyền trưởng không tuân thủ các quy định về an toàn khi gặp bão vì họ phải tiết kiệm nhiên liệu và thời gian trước áp lực quá lớn từ người thuê tàu.

Hãng bảo hiểm Allianz ước tính lỗi do con người gây ra ít nhất 3/4 số vụ tai nạn.

Gần như toàn bộ các vụ tai nạn gần đây đều xảy ra trên Thái Bình Dương, khu vực có mật độ giao thông dày đặc nhất và cũng có điều kiện thời tiết tệ nhất.

Tuyến đường biển kết nối các nền kinh tế châu Á với người tiêu dùng ở Bắc Mỹ chính là tuyến mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho các công ty vận tải biển trong năm ngoái.

Đặc biệt trong đại dịch xuất khẩu của Trung Quốc đã bùng nổ vì nhu cầu tăng vọt.

Đây vẫn là tuyến đường ẩn chứa nhiều bất trắc, nhưng ngày càng khắc nghiệt hơn vì thiên tai.

Mùa đông vừa qua, gió trên khu vực Bắc Thái Bình Dương mạnh nhất kể từ năm 1948.

Với 226 triệu container được vận chuyển mỗi năm, 1.000 container bị mất đi có thể giống như muối bỏ bể.

Tuy nhiên, thiệt hại kinh tế là không nhỏ.

Với mỗi container giá trung bình 50.000 USD, sự cố của One Apus thiệt hại ít nhất 90 triệu USD riêng tiền container – mức cao nhất trong lịch sử.

Sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez tháng trước càng nhấn mạnh thêm những khó khăn mà ngành vận tải biển đang gặp phải.

Dù con tàu đã được giải cứu sau gần 1 tuần mắc kẹt, đến giờ vẫn có thể cảm nhận những tác động lên thương mại toàn cầu.

Tham khảo Bloomberg