Sẽ không có chữ 'siêu' trong chu kỳ hàng hoá lần này

28/06/2021 08:59 toquoc.vn

Giá hàng hoá bất ngờ tăng vọt trong năm nay. Quặng sắt và đồng đạt mức cao nhất mọi thời đại trước khi hạ nhiệt, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cảnh báo hạn chế tình trạng đầu cơ.

Giá nhôm cũng tăng cao trong khi giá dầu dao động ở mức 75 USD/thùng.

Chúng ta có đang bước vào một "siêu chu kỳ hàng hoá" mới?

Theo Finalcial Times, thế giới đang ở trong một chu kỳ hàng hoá thông thường, không phải siêu chu kỳ.

Định nghĩa về một siêu chu kỳ được đưa ra bởi nhà kinh tế Nga là Nikolai Kondratieff, mô phỏng xu dài hạn, thịnh hành trong nhiều thập kỷ.

Trong bối cảnh giá hàng hoá, một "siêu chu kỳ hàng hoá" có nghĩa là giá hàng hoá tăng kéo dài từ 10 đến 35 năm.

Siêu chu kỳ hàng hoá là một sự kiện đặc biệt. Trong 150 năm qua, chỉ có 4 siêu chu kỳ hàng hoá xuất hiện.

FT tin rằng giá hàng hoá sẽ giảm so với mức đỉnh hiện tại nhưng vẫn ở mức cao trong một số năm tới.

Tuy nhiên, giá hàng hoá sẽ không tăng trong cả một thập kỷ để có thể gọi là một "siêu chu kỳ".

Mỗi mặt hàng có bối cảnh khác nhau nhưng chúng có một điểm chung trong giai đoạn hiện nay là giá tăng do nhu cầu cao trong khi phản ứng của nguồn cung chậm.

Sẽ không có chữ siêu trong chu kỳ hàng hoá lần này - Ảnh 1.
 

Nhu cầu hàng hoá của thế giới bỗng trở nên mất cân đối sau khi các quốc gia phục hồi từ đại dịch Covid-19.

Tình trạng giãn cách và hạn chế tiếp xúc xã hội đã khiến người dùng phải ở nhà, đồng thời chi tiêu nhiều hơn cho các mặt hàng lâu bền như máy giặt, thiết bị tập thể dục, đồ điện tử và cả nhà mới.

Điều này khiến chi tiêu cho hàng hoá lâu bền tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước đại dịch.

Các mặt hàng như thép, đồng, quặng sắt, nhôm tăng vọt nhu cầu cũng vì yếu tố này.

Tuy nhiên, nhu cầu này sẽ không tồn tại lâu dài.

Khi các quốc gia nới lỏng giãn cách, nhu cầu của người dùng sẽ chuyển từ hàng hoá sang dịch vụ - khi người dân bắt đầu đổ ra các quán bar, nhà hàng, xem phim và đi du lịch. Nhu cầu mua các loại hàng hoá lâu bền sẽ giảm kéo theo đó là nhu cầu về nguyên liệu thô.

Kế hoạch phục hồi của chính phủ các nước thông qua đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng khiến nhu cầu hàng hoá tăng vọt.

Về nguồn cung, mối quan tâm về phát triển bền vững và giảm thải carbon ngày càng gia tăng.

Do đó, dự báo về nguồn cung hàng hoá trong tương lai, đặc biệt là nhôm, thép đã bị hạ xuống.

Điều này đồng nghĩa giá hàng hoá có thể rời khỏi mức đỉnh hiện tại, nhưng sau đó sẽ ổn định ở mức cao hơn so với các dự báo khoảng 1 năm trước.

Láy trường hợp của đồng làm ví dụ. Sản lượng từ các mỏ đang tốt hơn dự kiến nhưng đại dịch vẫn là mối đe doạ đối với nguồn cung.

Do đó, một làn sóng khai thác mới sẽ xuất hiện trong giai đoạn giữa 2021 và 2023. FT dự đoán giá đồng sẽ rơi khỏi mức hiện tại trong vài năm tới nhưng vẫn ở mức cao.

Việc thiếu cam kết đầu tư vào khai thác đồng trong vài năm tới có thể đẩy giá đồng lên cao một lần nữa.

Các dự án hiện tại có thể vẫn đáp ứng được nhu cầu đồng ngày càng tăng từ các hoạt động điện khí hoá và năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, lo ngại về môi trường, sự phức tạp của các mỏ đồng, không chắc chắn về chính trị dẫn đến giá đồng tăng so với quá khứ.

Chưa kể đến, lo ngại lạm phát cũng thúc đẩy các hoạt động đầu cơ hàng hoá và các loại cổ phiếu có liên quan.

Tuy nhiên, FT dự đoán lạm phát chỉ là tạm thời. Do đó, các hoạt động đầu cơ sẽ nhanh chóng được điều chỉnh trong tương lai gần.