Sau Covid-19, EU sẽ thay đổi các quy tắc ngân sách để giữ đồng euro

20/10/2021 07:43 congluan.vn

Hiệp ước Maastricht

Trong quá trình đánh giá, các nhà kinh tế và học giả cũng sẽ tranh luận về cách đơn giản hóa Hiệp ước ổn định và tăng trưởng (hay còn gọi là Hiệp ước Maastricht), vốn đang ngày càng trở nên phức tạp đến mức ít người hiểu đầy đủ về nó.

Khi mới bắt đầu vào năm 1997, Hiệp ước này chỉ gồm hai quy định và một nghị quyết với tổng cộng khoảng 12 trang, thì giờ nó đã nhân lên nhiều lần như một bộ luật dày tới 108, bởi thường xuyên được cập nhật hàng năm.

Mục tiêu chính của Hiệp ước Maastricht là bảo vệ giá trị đồng euro bằng cách hạn chế các chính phủ vay nợ. Lý do đơn giản vì, EU chỉ sử dụng một loại tiền tệ duy nhất - đồng euro - song các quốc gia thành viên lại có chính sách tài chính của riêng mình.

Hiệp ước nói trên được xem như căn nguyên của nhiều xích mích thường xuyên xảy ra giữa các thành viên EU. Thậm chí vào năm 2002, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu lúc đó là Romano Prodi đã gọi Hiệp ước là “ngu ngốc”, đồng thời vẫn giữ quan điểm đó cho đến tận ngày nay.

Khi trả lời phỏng vấn Reuters gần đây, Prodi nói: “Nó đã đặt ra cho tôi rất nhiều vấn đề vào thời điểm đó, nhưng sau đó, hầu hết mọi người đều nói rằng tôi đúng vì họ thấy rằng trong những thời điểm khó khăn, Hiệp ước đã không có tác dụng. Tôi không nghĩ rằng tôi đã sai”.

Những rủi ro từ việc các quốc gia có chính sách tài khóa khác nhau song lại sử dụng chung một loại tiền tệ đã xuất hiện vào năm 2010, khi Hy Lạp rơi vào khủng hoảng nợ công. Cuộc khủng hoàng này chút nữa đã phá hủy đồng tiền euro.

Cho đến nay, Hiệp ước đã được thay đổi ba lần. Lần đầu tiên vào năm 2005 khi Pháp và Đức không chấp nhận áp dụng các quy tắc cho mình. Các lần sau lần lượt và năm 2011 và 2013, khi EURO cần một chính sách đảm bảo việc đầu tư vào đồng euro là an toàn trong cuộc khủng hoảng nợ công khi đó.

Nợ công tăng cao sau Covid-19

Việc EU chuẩn bị tiếp tục thay đổi Hiệp ước Maastricht cũng nhằm phản ứng đối với một cuộc khủng hoảng - lần này là do đại dịch Covid-19 gây ra. Nó đã đẩy khoản nợ trung bình trong khu vực đồng euro lên tới khoảng 100% tổng sản lượng quốc dân, trong khi con số này chỉ là từ 60-70% vào đầu những năm 1990 khi các quy tắc được soạn thảo.

Bởi vậy, việc cắt giảm nợ hàng năm theo các quy tắc hiện hành là không thực tế đối với các quốc gia có khoản nợ công 160% GDP như Ý hoặc hơn 200% như Hy Lạp.

Klaus Regling, người đứng đầu Quỹ cứu trợ khu vực đồng euro và là cựu trưởng phòng kinh tế Ủy ban châu Âu cho biết: “Mục tiêu nợ 60% có giá trị khi Hiệp ước Maastricht được đàm phán, nhưng bây giờ nó không còn nghĩa lý gì nữa”.

“Khả năng gánh nợ của các chính phủ ngày nay cao hơn so với những gì được quy định trong Hiệp ước Maastricht, vì vậy đây là những yếu tố mà người ta phải xem xét”, ông phân tích thêm.

Dù nhiều quốc gia cho rằng các yêu cầu giảm nợ hiện tại là quá nghiêm ngặt trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, song vẫn chưa có gì đảm bảo liệu việc cắt giảm yêu cầu giảm nợ có thể được thông qua hay không.

Gánh nặng khí hậu

Ngoài khó khăn kinh tế sau đại dịch Covid-19, một thách thức lớn khác đối với các quốc gia EU, đặc biệt các quốc gia đang gánh nợ công cao, là đảm bảo các quy tắc về khí hậu. Ước tính, họ sẽ phải chi ra hàng trăm tỷ euro để có thể đưa được lượng khí thải carbon dioxide (Co2) ròng về 0 vào năm 2050 như cam kết.

Tổ chức tư vấn Bruegel chi ra vào tháng 9 rằng, đầu tư công để đáp ứng các mục tiêu khí hậu của EU phải ở mức 0,5% -1,0% GDP hàng năm trong thập kỷ này.

Bruegel đề xuất, EU cần miễn trừ các khoản đầu tư chống biến đổi khí hậu trong các tính toán thâm hụt ngân sách ở mỗi quốc gia thành viên.

Trong khi ý tưởng trên nhận được sự ủng hộ bởi Tây Ban Nha, Pháp và một số nước khác, song các quan chức EU lại chỉ ra khó khăn trong việc xác định đâu là “đầu tư xanh”.

Dẫu vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis cho biết ý tưởng miễn trừ đầu tư sẽ là một phần trong cuộc thảo luận.

Dẫu vậy, một số quan chức cũng tin rằng Hiệp ước Maastricht đã đủ linh hoạt, bất kỳ sự nới lỏng nào nữa có thể dẫn đến rắc rối trên đường đi.

“Lời kêu gọi nới lỏng hoặc cải cách luôn tồn tại - và nó luôn sai. Sẽ là sai lầm nếu bây giờ nới lỏng các quy tắc”, cựu bộ trưởng tài chính Đức Theo Waigel, cha đẻ đồng euro, cho biết.

Hoàng Hải