Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128, điều gì đang thúc đẩy GDP tăng trưởng?

13/12/2021 07:06 congluan.vn

Những tín hiệu tích cực sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128

Do các tác động của đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4, GDP trong nước trong quý III đã giảm rất sâu, âm 6,71%, kèm theo đó, hàng loạt chỉ số tăng trưởng kinh tế đều đi xuống.

Trước thực trạng này, ngay từ đầu tháng 10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, chuyển hướng chiến lược từ phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã ghi nhận mức tăng rất mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Nghị quyết cụ thể hóa mục tiêu, quan điểm, việc đánh giá, xác định cấp độ dịch và biện pháp áp dụng ứng với từng cấp độ. 

“Các quy định liên quan đến phòng, chống dịch trước đây được tạm dừng thể hiện sự nhạy bén rất cao trong điều hành của chính phủ. Điều này bảo đảm quy định được đơn giản, áp dụng thống nhất, giảm thiểu tình trạng các địa phương từ đặt thêm quy định và tăng hiệu năng thực hiện”, ông Lạng nói.

Theo cách tiếp cận này, hoạt động lưu thông, sản xuất luôn được chú trọng thúc đẩy thực hiện tối đa theo sát giới hạn tác động bị kiểm soát của dịch bệnh, do đó, giảm thiểu thiệt hại từ sự gián đoạn lưu thông, dừng sản xuất, đứt gãy chuỗi cung ứng. Các giao dịch kinh tế mở rộng và vận động liên tục cao nhất, tăng lượng giá trị sáng tạo cho nền kinh tế.

“Đây là việc chuyển tiếp phù hợp chưa có tiền lệ giữa các loại quy định, giảm chi phí điều chỉnh  khác biệt quy định giữa các địa phương, và tránh lãng phí nguồn lực phát sinh trong dịch COVID-19”, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.

Sau 2 tháng triển khai Nghị quyết 128, một số chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã ghi nhận mức tăng rất mạnh. Trong đó, xuất nhập khẩu là một trong những điểm sáng nhất.

Chỉ tính riêng 15 ngày đầu của tháng 11, kim ngạch xuất khẩu đạt 29,59 tỷ đô-la Mỹ, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu tính đến 15/11/2021 đạt 569,03 tỷ đô-la Mỹ, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2020. 

Với đà tăng trưởng này, tổng kim ngạch xuất- nhập khẩu có thể đạt con số kỷ lục trên 620 tỷ đô- la Mỹ trong năm 2021.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng 2021 đạt 15,15 tỷ đô la Mỹ mặc dù có giảm nhẹ 4,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn có quy mô lớn. Trong khoảng thời gian còn lại cuối năm, nếu vốn đầu tư thực hiện tăng, tăng trưởng FDI chắc chắn cao hơn năm trước.

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhận định: Mục tiêu đặt ra trong tăng trưởng năm 2022 được Quốc hội thông qua là 6-6,5%. Mục tiêu này tương đương với mục tiêu đặt ra cuối năm 2020. 

“Nó là tín hiệu lạc quan cho thấy năng lực rất cao phục hồi kinh tế. Để đạt mục tiêu này, cần giải pháp kiểm soát và thu hẹp, đầy lùi từng bước vững chắc sự lan rộng dịch bệnh”, ông Lạng nhận xét.

Cần có thêm động lực

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh: Việc chuyển hướng chiến lược trong tiếp cận dịch bệnh vừa tránh tác động tiêu cực từ tính không phù hợp của quy định hiện hành, vừa  tạo thêm động lực tăng trưởng giai đoạn tiếp. Các động lực cần nhận dạng, phân tích, khai thác để tạo sức cộng hưởng lớn nhất.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, Chính phủ cần có thêm giải pháp đủ mạnh nhằm thúc đẩy phát triển, hồi phục kinh tế.

Thứ nhất, động lực thích ứng an toàn, linh hoạt đòi hỏi doanh nghiệp, địa phương không quá cứng nhắc trong phòng chống dịch. Dựa trên nguyên tắc nền tảng là đảm bảo an toàn tính mạng, sức khoẻ nhân dân, cộng đồng để có biện pháp phù hợp.

Để các biện pháp không trở thành rào cản và tác nhân gây ách tắc, tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, ông Lạng kiến nghị các địa phương, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định “tối đa hoá an toàn và tối thiểu hóa chi phí và rào cản lưu thông, sản xuất”.

Theo đó, không áp đặt các biện pháp cao hơn quy định không cần thiết và không buông lỏng quản lý để lây lan dịch bệnh. 

“Đầu tư nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển để phát triển hệ thống biện pháp thông minh, hữu hiệu ở địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, tổ dân phố, cụm dân cư, thậm chí từng cá nhân. Hoàn thiện hệ sinh thái số an toàn dịch bệnh để thích ứng an toàn, linh hoạt và bền vững trong mọi kịch bản”, ông Lạng nói.

Thứ hai, động lực kiểm soát hiệu quả thúc đẩy công tác đầu tư phát triển các loại công cụ đa dạng để khống chế, kiểm soát dịch bệnh.

Các công cụ này phải vừa không để bùng phát dịch trở lại mà còn khống chế để thu hẹp dần mức độ lây lan dịch. Bên cạnh công cụ “một cung đường, hai điểm đến”, “3 tại chỗ” cần có thêm các công cụ khác như công cụ test nhanh, tin cậy cao, công cụ cảnh báo khả năng lây lan, công cụ truy vết thông minh, nhanh chóng…

Thứ ba, động lực số hóa đồng bộ các loại giao dịch, doanh nghiệp, công dân, chính phủ. Quyết liệt đầu tư từ các nguồn khác nhau (nhà nước, tư nhân, xã hội) vào chuyển đổi số, phát triển mạnh các ứng dụng và nền tảng công nghệ, tăng cường kết nối để giảm thiểu chi phí. Đây là động lực phát triển thị trường dịch vụ số và mở ra khả năng phát triển mạnh hình thức kinh doanh dịch vụ số.

Thứ tư, động lực đầu tư nghiên cứu và phát triển vắc-xin để thích ứng với biến chủng mới, vắc-xin sử dụng cho trẻ em và các đối tượng khác nhằm tạo được nhiều loại vắc-xin mang thương hiệu Việt Nam, thúc đẩy phát triển công nghiệp dược phẩm nước nhà và tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu.

Cuối cùng, động lực hoàn thiện chính sách để phù hợp với tình hình thực tế. Khía cạnh này tạo áp lực cao đối tượng hữu quan cần thường xuyên theo dõi, đánh giá và hoàn thiện chính sách, quy định để bảo đảm phù hợp với tình hình biến động nhanh chóng, vừa đón đầu chủ động, cần thiết.       

Việt Vũ