Sau 1 năm EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu 2 chiều tăng 18%

16/11/2021 15:09 congluan.vn

Trong buổi Hội thảo chuyên đề "Tận dụng cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ( EVFTA) để thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh hậu COVID-19", diễn ra vào sáng 16/11, đại diện Bộ Công Thương khẳng định: EVFTA đã mang lại hiệu quả rõ rệt đến nhiều ngành xuất nhập khẩu của cả hai khu vực.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 41,29 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu đạt 28,85 tỉ USD, tăng 11,7%. Đây là kết quả rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế, thương mại của các nước.

Hiện các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê…

Ở chiều ngược lại, các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

Nếu nhìn từ ngành hàng, EVFTA đã tạo cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.

Đặc biệt, những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như Dệt may, da giày, nông thủy sản... đã tận dụng ngay được ưu đãi thuế quan của Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU.

Đặc biệt, sau một năm thực thi hiệp định EVFTA, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ hiệp định, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến ngày 4/6/2021, các cơ quan, tổ chức được ủy quyển cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp 180.551 bộ C/O mẫu EUR.1, với kim ngạch hơn 6,6 tỷ USD đi 27 nước EU.

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 4.845 lô hàng với trị giá hơn 14,91 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Các mặt hàng được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, hàng dệt may, nông sản, sản phẩm từ ngũ cốc, hàng điện tử…

Không chỉ đạt được giá trị thương mại xuất nhập khẩu hai chiều, hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam - EU cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Thông qua hiệp định EVFTA với những cam kết về quản trị minh bạch, tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên.

Có thể nói, sau một năm thực thi hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam sang EU và ngược lại đều tăng trưởng hơn 18% so với khi Hiệp định chưa có hiệu lực. 

Dù vậy, trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do các tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về phòng vệ thương mại để bảo vệ lợi ích của ngành.

Do đó, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như hiện nay.

Việc sử dụng và ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Định Trần