Sáng tạo mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo: Bánh bao hình cá chép, thỏi vàng mang hi vọng

25/01/2022 07:09 daidoanket.vn

Để chuẩn bị cho mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo thêm phần ý nghĩa, bà Trần Thị Thu Vân (54 tuổi, thị trấn Nhà Bè, TP HCM) đã sáng tạo ra món bánh bao có hình cá chép, thỏi vàng vô cùng mới lạ và đẹp mắt.

Đối với người dân Việt Nam, ngày Tết ông Công, ông Táo là dịp để họ bày tỏ lòng thành với các vị thần đã giữ bình yên và mang lại tài lộc cho gia chủ.

Chính vì vậy, người Việt thường chuẩn bị mâm cỗ nhỏ gồm các món ăn truyền thống như: xôi, giò chả, gà luộc… cùng hài mũ, ngựa, cá chép (cá vàng) để phóng sinh với ý nghĩa là phương tiện để Táo quân cưỡi lên thiên đình báo cáo Ngọc Hoàng những chuyện đã xảy ra trong năm cũ.

Bà Vân làm bánh bao hình cá chép nhân ngày lễ ông Công, ông Táo.
Bà Vân làm bánh bao hình cá chép nhân ngày lễ ông Công, ông Táo.

Với mong muốn sáng tạo ra những món ăn ngon và mới lạ dịp Tết ông Công, ông Táo, bà Thu Vân đã biến những chiếc bánh bao trắng thông thường thành những chiếc bánh bao có hình cá chép, thỏi vàng thành hình ảnh quen thuộc dâng lên bàn thờ gia tiên.

Vốn là người thích ăn bánh, bà Vân đã làm thành công nhiều mẻ bánh bao. Nhân dịp ngày cuối năm cũng là trùng vào Tết ông Công, ông Táo, bà nghĩ cách “biến” những chiếc bánh bao thành cá chép, thỏi vàng mang đầy hi vọng.

“Theo tục lệ lễ cúng ông Công ông Táo thường có cá chép, là phương tiện tiễn ông Táo về trời. Còn thỏi vàng tượng trưng cho sự sung túc, thịnh vượng nên tôi làm bánh bao hai hình đó để dâng lên ban thờ cúng tiễn ông Công ông Táo”, bà Vân lý giải.

Những chiếc bánh báo mới lạ, mang nhiều ý nghĩa được bà Vân tự tay chuẩn bị dâng lên bàn thờ gia tiên trong ngày lễ cổ truyền. Với bà, việc đưa tiễn ông Công - ông Táo có ý nghĩa quan trọng, đây là dịp để người Việt bày tỏ lòng chung thủy với ông Táo và thờ cúng ông Táo, cùng với mong ước Táo Quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.

Bánh bao hình cá chép, thỏi vàng được hấp chín trong 15 phút. 
Bánh bao hình cá chép, thỏi vàng được hấp chín trong 15 phút. 

“Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng”, bà thông tin.

Để làm ra được một mẻ bánh bao sáng tạo hình ảnh con cá, thỏi vàng cần những nguyên liệu như: bột mì, men, sữa tươi, đường, muối, đặc biệt là không thể thiếu thực phẩm, hạt đỗ đen để làm cho món ăn thêm sinh động và hấp dẫn.

Nói về bí quyết để làm ra chiếc bánh ngon, bà Vân tiết lộ, công đoạn nhào và ủ bột là khâu quan trọng nhất. “Có nhào, ủ bột đúng cách thì khi hấp bánh mới có độ mềm và nở, bột mì không bị sống bên trong”- bà nói.

Độc đáo mâm cỗ cúng ngày ông Công - ông Táo. 
Độc đáo mâm cỗ cúng ngày ông Công - ông Táo. 

Bà Vân cho rằng để tạo hình cá cho bánh, người làm cần chuẩn bị dao, nĩa, thìa, con lăn và sẽ nặn bánh từ phần đuôi cá trước. Trước tiên, bà Vân dùng nĩa để tạo hình vẩy cá, tiếp đến là nặn 4 vây cá nhỏ 2 bên thân và 1 cái vây to trên sống lưng của cá.

Phần miệng cá cần tạo hình làm sao để có cảm giác như cá đang há miệng, phần bột thừa nặn thành 2 mắt và râu dài rồi gắn thêm 2 hạt đỗ đen để bánh thêm phần sinh động và vui mắt.

Đối với bao thỏi vàng sẽ dễ làm hơn vì chỉ cần vo dài miếng bột, sau đó cán dẹt 2 đầu rồi gấp ngược lại và miết bánh cho mịn 2 bên. Đến đây, chiếc bánh có giống thật hay không thì lại phụ thuộc hoàn toàn vào sự khéo tay và tinh tế của người làm bánh.

Gia đình bà Vân thường quây quần bên nhau để thưởng thức món bánh bao
Gia đình bà Vân thường quây quần bên nhau để thưởng thức món bánh bao "có một không hai".

“Lúc tạo hình bánh mình vui lắm. Lúc sau nhìn thành quả càng vui hơn, cười cả ngày luôn” - bà Vân mừng rỡ nói.

Sau khi đã tạo hình cho bánh thành công, công đoạn cuối cùng là hấp bánh. Để bánh chín và có độ mềm vừa đủ, bà Vân hấp bánh trong khoảng 15 phút ở nhiệt độ trung bình.

“Để bánh đạt nhất thì khi hấp chúng ta cần phải làm sao để nước không rơi vào bánh. Nếu không có lồng hấp tre mà hấp bằng nồi thường thì các mẹ nên dùng khăn bọc nắp để mặt bánh có độ nở tốt nhất”, bà Vân nhấn mạnh.

“Sau khi mẻ bánh đầu tiên “ra đời”, chồng và hai đứa con tôi thích lắm, nói bánh xốp ngon, không bị cứng. Có điều bánh hơi mập quá, cả nhà tôi đã có trận cười vui hôm đó” - bà Vân nhớ lại.

Bên cạnh trang cá nhân Facebook, mẹ đảm Thu Vân còn có riêng một kênh Youtube để hướng dẫn nấu những món ăn ngon, mới lạ. Những “ông cá”, thỏi vàng làm từ bột mì sau khi được chia sẻ lên mạng xã hội và Youtube đã nhận được “cơn mưa lời khen” bởi sự độc đáo về hình thù và màu sắc sặc sỡ.

“Theo truyền thống, ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ tiễn ông Công ông Táo về trời. Năm nay, trong ngày này, các gia đình hãy thử làm bánh bao hình cá chép vừa đẹp mắt lại vừa mang nhiều ý nghĩa, để cùng cầu mong bình an, may mắn cho năm mới”, bà Vân nói thêm.