Rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm để nhiều người được nhận lương hưu

10/05/2021 07:05 daidoanket.vn

 

Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu đang là lựa chọn của nhiều người.
Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để có lương hưu đang là lựa chọn của nhiều người.

2 người tham gia Bảo hiểm xã hội thì có 1 người rút

Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) nói rõ, người lao động (NLĐ) sẽ không cần chờ đến 20 năm mới có thể nhận lương hưu và thời gian sẽ rút ngắn còn 15 năm thậm chí ngắn hơn còn 10 năm.

Lý giải vì sao lại đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, trong 5 năm thực hiện Luật bảo hiểm xã hội, tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần là trên 3,7 triệu người.

Điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi năm có gần 750.000 người tham gia bảo hiểm xã hội rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội.

Nghĩa là cứ có hai người mới tham gia vào bảo hiểm xã hội thì có một người rời khỏi hệ thống.

Đây là một con số quá lớn so với nỗ lực phát triển đối tượng bảo hiểm xã hội của toàn ngành bảo hiểm xã hội.

Rất nhiều địa phương cũng phản ánh công tác phát triển đối tượng gặp nhiều hạn chế, do số người tham gia mới không đủ bù đắp cho những người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần.

Ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ bảo hiểm xã hội (Bộ Bộ Lao động Thương binh Xã hội) cho biết, sở dĩ có việc người dân tham gia bảo hiểm xã hội rời khỏi hệ thống là do Luật bảo hiểm xã hội hiện hành quy định điều kiện thời gian tối thiểu tham gia bảo hiểm xã hội để có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí đủ 20 năm.

Điều này dẫn đến nhiều người không tích lũy đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu.

“Trong khi đó, hiện nay nhiều nước quy định thời gian tham gia bảo hiểm xã hội 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo” - ông Nam phân tích.

Vì vậy, cơ quan này đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp.

Quy định này sẽ tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Người lao động đồng tình

Trước đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội rất nhiều người lao động bày tỏ sự đồng tình.

Chị Nguyễn Thị Phượng, công nhân ở khu công nghiệp Gián Khẩu, Gia Viễn, Ninh Bình cho rằng, quy định trên nếu được áp dụng sẽ giúp nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội.

Chị Phượng cho biết, chị làm cho Công ty HuynDai Thành Công mọi chế độ khá tốt, chị có thể làm việc lâu dài ở đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội chắc chắn sẽ dài hơn 20 năm, nhưng đối với nhiều công nhân ở các khu công nghiệp khác thì chưa chắc đã gắn bó lâu dài với công việc của mình như vậy.

Đồng quan điểm, chị Hà Anh làm công nhân may tại Đồng Nai cho biết, chị làm ở một công ty may mặc, thường công việc này chỉ kéo dài được 10-15 năm thì nghỉ vì mắt, lưng kém không đáp ứng được yêu cầu của công ty.

Trong khi đó, lao động nữ ở tuổi 40 nếu tiếp tục đi xin việc thì ít ai nhận.

Vì vậy, nhiều người chọn nhận bảo hiểm xã hội một lần để lấy vốn chăn nuôi, kiếm sống qua ngày.

“Nhưng nếu Nhà nước cho đóng 10 năm, hay 15 năm để nhận lương hưu thì tôi nghĩ nhiều người không rút. Bản thân tôi cũng không nhận bảo hiểm xã hội một lần mà để lúc về già hưởng lương hưu và được nhận bảo hiểm y tế miễn phí” - chị Hà Anh nói.

Anh Nguyễn Văn Quân, quận Hà Đông, Hà Nội cho rằng, hiện nay có người tham gia bảo hiểm xã hội 20 năm nhưng lương hưu chưa tới 2 triệu đồng.

Vì vậy, Nhà nước cần tính toán tỷ lệ phần trăm đóng bảo hiểm xã hội như thế nào để người lao động đóng bảo hiểm xã hội 20 năm, hay 15 năm phải được hưởng lương hưu ít nhất bằng lương tối thiểu vùng, lúc đó mới phát huy vai trò của bảo hiểm xã hội.

Cần chính sách đồng bộ

Về đề xuất rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, nhiều chuyên gia cho rằng nên thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội theo chế độ ngắn hạn và dài hạn có tính chất linh hoạt cao để người lao động lựa chọn.

Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Lên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Trước đây, khi tham gia góp ý vào Nghị quyết 28, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu, thậm chí chúng tôi còn mong muốn thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống dưới 10 năm để người lao động có thể tiếp cận với chính sách lương hưu.

Tuy nhiên, ông Quảng cũng cho biết, việc giảm số năm đóng cần có lộ trình.

“Ban soạn thảo cần tính toán kỹ, đảm bảo đồng bộ giữa tỷ lệ đóng và tỷ lệ hưởng lương hưu và phải có một mức sàn lương hưu tối thiểu. Việc giảm thời gian đóng cũng cần đi đôi với việc giảm tuổi nghỉ hưu đối với người lao động một số ngành nghề đặc thù.

Nếu không, người lao động nhận lương hưu thấp sẽ rất khổ và vất vả những năm về già” - ông Quảng bày tỏ.

Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Bộ Lao động Thương binh Xã hội, cũng cho rằng, đề xuất trên đưa ra là nhân văn, giúp những người có hoàn cảnh khó khăn được hưởng lương hưu.

Ông Huân chia sẻ: Nhiều  tham gia đóng bảo hiểm xã hội muộn, khi thừa tuổi về hưu mà số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ thì nên được giải quyết để về hưu vì có thể họ đã không còn đủ sức khỏe để lao động.

Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội còn tạo ra động lực, khuyến khích người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Huân cũng lo ngại về mức lương hưu thấp nếu người lao động nhận lương hưu sớm.

Để được nhận lương hưu với tỷ lệ tối đa 75% mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ phải đóng bảo hiểm xã hội 30 năm và lao động nam đóng 35 năm. Nếu đóng tối thiểu 20 năm, người lao động được nhận 45%.

Theo đề xuất trên, nếu giảm xuống 15 năm thì mức hưởng chỉ còn khoảng trên 30% và đóng 10 năm thì giỏi lắm cũng chỉ được hưởng trên 20%.

“Lương hưu thấp như vậy, người nghỉ hưu không thể sống nổi.

Do đó, ban soạn thảo cần phải tính toán, nghiên cứu kỹ số năm đóng và số năm hưởng để đưa ra công thức tính lương hưu cho phù hợp.

Tuy nhiên, tôi vẫn nghĩ rằng, thà có lương hưu nhưng với mức thấp còn hơn không có gì.

Mục tiêu của chính sách hưu trí là để khi còn khỏe chúng ta tích lũy cho về già, không còn khả năng lao động” - ông Huân nhấn mạnh.

Ông Huân cũng cho rằng, thực tế đề xuất này chỉ là để xử lý một số tình huống cụ thế, chứ cơ bản không phải thay đổi đại trà chính sách về bảo hiểm xã hội.

Trong dài hạn, vẫn nên khuyến khích người lao động đóng từ 20 - 35 năm để có thể hưởng lương hưu ở mức tối đa.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng - chuyên gia về an sinh xã hội, cho hay ở nhiều nước, người lao động chỉ cần đóng đủ 5 - 10 năm bảo hiểm xã hội là có thể được hưởng lương hưu. Ngoài chính sách giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội, các quốc gia này thường có các chính sách hỗ trợ đi kèm.

“Nếu chỉ thuần túy giảm số năm đóng xuống để hạn chế người lao động không rút bảo hiểm xã hội một lần thì rất khó để người lao động yên tâm ở lại với hệ thống bảo hiểm xã hội.

Để người về hưu không ở mức nghèo khó, khi thiết kế chính sách, cần có những chính sách đồng bộ đi kèm như: Hỗ trợ người dân có việc làm bền vững, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm tham gia vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, gắn chính sách bảo trợ xã hội với bảo hiểm xã hội” - bà Hồng đề nghị.              

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội (Bộ Bộ Lao động Thương binh Xã hội), giảm số năm đóng có những tác dụng tốt song cũng nên cân nhắc thận trọng, vì hiện nay tuổi thọ của chúng ra đang dần cao lên, tuổi nghỉ hưu tăng và thời gian làm việc kéo dài hơn.

“Trước thực tế này mà lại giảm thời gian đóng thì phải cân nhắc.

Một hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt hơn là cần thiết, còn thời gian đóng cần cẩn thận tính toán, vì khi đã hạ xuống thì muốn nâng lên rất khó trong khi xu thế bây giờ là thời gian làm việc dài hơn.

Tôi nghĩ 20 năm đóng cũng không phải là dài đâu” - bà Hương nói và cho rằng nếu giữ nguyên số năm đóng, để tăng tính hấp dẫn của chính sách, cần đi kèm một số điều kiện để người lao động thấy được hưởng lợi từ quỹ bảo hiểm xã hội tốt hơn.

Rút ngắn số năm đóng có thể nhìn thấy lợi ngay trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bảo đảm chính sách hưu trí.