Quyết liệt xử lý tội phạm tham nhũng

17/09/2022 06:00 daidoanket.vn
Toàn cảnh phiên họp ngày 15/9. Nguồn: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp ngày 15/9. Nguồn: Quochoi.vn

Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 cho thấy, đã phát hiện 4.354 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế, giảm 38,61%; 396 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 33,33%. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp. Nổi lên là các sai phạm trong các lĩnh vực chứng khoán.

Đơn cử như: Vụ án Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC; vụ Nguyễn Thành Nhân-Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Louis Holdings; vụ án Nguyễn Văn Nam-Giám đốc Công ty cổ phần ASA. Hay sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp như vụ án Đỗ Anh Dũng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Hoàng Minh cùng đồng phạm đã thông qua phát hành 9 gói trái phiếu riêng lẻ để lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.000 tỷ đồng của hơn 6.000 nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, sai phạm trong hoạt động đấu thầu, đấu giá, mua sắm công, tập trung vào khâu thẩm định giá, thẩm định thầu, làm rõ thủ đoạn thông đồng chia nhỏ dự án, gói thầu để chỉ định thầu; dùng “quân xanh, quân đỏ” để thao túng giá trúng thầu, mua bán “lòng vòng” để nâng giá nhiều lần.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, báo cáo cần làm rõ thêm nguyên nhân vì sao thời gian qua rất nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, nguy hiểm đã được xử lý quyết liệt, nghiêm minh, răn đe rất cao nhưng loại tội phạm này chưa có dấu hiệu suy giảm mà còn tăng thêm tương đối cao, trên 33%. Đặc biệt là các vụ án ở Việt Á, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, FLC. Do đó, cần phân tích sâu hơn, giải pháp hữu hiệu để kiềm chế loại tội phạm này.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực mới đây có họp, có kết luận, đánh giá. “Làm một vụ cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực, cơ bản là bước đầu đã ngăn chặn được tham nhũng”. Liên quan đến tội phạm tham nhũng tăng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, không nên băn khoăn là càng chống thì tham nhũng càng tăng. Theo ông Trí, đó là do trước đây làm chưa tới mức nên phát hiện bị hạn chế. Giai đoạn này chúng ta làm mạnh, quyết liệt nên tăng lên chứ không phải là do loại tội phạm này tăng.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, trong năm 2022, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” có chiều hướng gia tăng. Nhiều vụ án tham nhũng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhất là trong các lĩnh vực y tế, đất đai, đấu thầu, đấu giá, chứng khoán, xảy ra ở cả khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước; một số hành vi tham nhũng phổ biến trong lĩnh vực y tế vẫn tiếp tục tiếp diễn. Tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN tiếp tục có những diễn biến phức tạp.

Về nguyên nhân của những hạn chế, theo bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quyết tâm và có biện pháp đủ mạnh trong tổ chức thực hiện công tác PCTN, tiêu cực. Cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức.

Đáng chú ý, theo bà Nga, việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức còn lỏng lẻo. Đánh giá, sử dụng, bố trí cán bộ còn nhiều trường hợp nể nang, cục bộ. Năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Thu nhập, cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức còn gặp nhiều khó khăn.

Từ đó bà Nga đề nghị, Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, trách nhiệm của các địa phương về vấn đề PCTN thông qua công tác thanh tra thường qua báo cáo hàng năm thì kết quả thanh tra để chuyển các vụ việc có sai phạm sang cơ quan điều tra ở các địa phương rất hạn chế. Ông Phong cho biết, có những việc khi Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra, hoặc cơ quan điều tra làm thì phát hiện ra sai phạm. Đây là việc hiện nay cần phải khắc phục.

“Qua tổng kết thanh tra chuyên đề về phòng, chống dịch Covid -19 vừa qua thì Thanh tra Chính phủ thành lập 3 đoàn để làm ở Bộ Y tế, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Còn lại là 61 tỉnh, thành phố làm. Qua kết quả thì 3 đoàn của Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng chục vụ chuyển cơ quan điều tra, nhưng các địa phương hầu hết không chuyển cơ quan điều tra, trừ Công ty Việt Á do Bộ Công an chỉ đạo thì báo cáo lên. Đây là một hạn chế nên thời gian tới Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo để có hiệu quả hơn” - ông Phong nói.

Trong buổi chiều ngày 15/9, UBTVQH cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4 của Quốc hội. Báo cáo tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp thứ 4 là 23,5 ngày. Theo đó, Quốc hội dự kiến khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc vào ngày 19/11.

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, việc này sẽ phụ thuộc vào chủ trương của Trung ương. Nhiệm vụ bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước kỳ họp này sẽ làm. Việc phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế thuộc nhiệm vụ của Quốc hội, và dự kiến chương trình đã có nội dung này.

Liên quan đến kết quả thi hành án, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, năm 2022 là một kết quả vượt bậc trong công tác thi hành án. Số lượng về tiền đạt được khoảng 59.000 tỷ đồng. Nếu so sánh thì tăng trên 20.000 tỷ đồng so với năm 2021, và trên 17.000 tỷ đồng so với năm 2020. Trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế thì số thu được tuyệt đối. Đến thời điểm này khoảng 10.500 tỷ đồng, tăng khoảng 8.500 tỷ đồng so với cùng kỳ báo cáo năm 2021. Vấn đề này đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đánh giá rất cao.