Quyết liệt thu hồi tài sản trong án tham nhũng

22/03/2023 06:00 daidoanket.vn

Ngày 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí. Dự phiên chất vấn có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Vẫn khó khi thu hồi tài sản tham nhũng

Chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình liên quan đến vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng, đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) nêu vấn đề: Về thu hồi tài sản các vụ án về kinh tế, ghi nhận một số vụ việc người phải thi hành án có nhiều tài sản và đã được kê biên để đảm bảo thi hành án, nhưng việc thu hồi tài sản vẫn chậm. Nguyên nhân, quan điểm, hướng xử lý của ngành về vấn đề này?

Trả lời, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết: Trên thế giới cũng như nước ta thu hồi tài sản tham nhũng khó triệt để. Theo quy định chỉ thu hồi được những tài sản tham nhũng nếu như quá trình tố tụng các cơ quan tiến hành tố tụng như công an, các toà án chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc từ tham nhũng thì mới thu được. “Nếu không chứng minh được tài sản do tham nhũng thì khó. Cho nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử căn cứ vào quá trình tố tụng và nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xét xử. Kịp thời phong toả những tài sản có dấu hiệu tham nhũng”- ông Bình đưa ra giải pháp đồng thời phân tích thêm: Thực tế có việc tài sản của vợ, của con, người thân trong gia đình. Cho nên đối với đối tượng tham nhũng thì không thể thu nhà của người ta. Tuy nhiên đối với các đối tượng tham nhũng nếu chúng ta có cơ chế thu tài sản như nhiều nước đã áp dụng là cơ chế “phi hình sự”, nghĩa là tăng nghĩa vụ giải trình. Khi quan chức không giải trình được tài sản hình thành những căn nhà đó, tính hợp lý không được pháp luật công nhận và tài sản đó phải bị tịch thu.

Trả lời thêm về thu hồi tài sản tham nhũng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Trong 5 tháng 2023 (do báo cáo thi hành án dân sự được thống kê bắt đầu từ 1/10/2022), nay đã thu được trên 17 ngàn tỷ đồng, nếu như xét về số lượng tuyệt đối tăng gần 12 ngàn tỷ đồng so với cùng kỳ 2022. Về khó khăn trong thu hồi tài sản tham nhũng, theo ông Long, số lượng tài sản trong hầu hết các vụ án là lớn, nằm rải rác ở các địa phương khác nhau trong phạm vi cả nước. Nguồn gốc tính pháp lý của nhiều tài sản được kê biên xử lý phức tạp, mất nhiều thời gian.

Về giải pháp trong thời gian tới ông Long cho biết, sẽ bám sát thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế; bám sát các ý kiến kết luận của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong đó có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan điều phối liên ngành như: Ban Nội chính Trung ương, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân cấp trung ương và cấp địa phương. Đặc biệt tập trung vào các vụ án lớn dư luận xã hội quan tâm.

Khắc phục bất cập trong giám định để xác định thiệt hại

Cũng liên quan đến vấn đề tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao làm rõ việc xác định thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra dựa vào giá trị tài sản tại thời điểm phạm tội hay tại thời điểm khởi tố? Trong khi đó, theo đại biểu Trịnh Minh Bình (đoàn Vĩnh Long), hiện nay việc xác định thiệt hại trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là trong các vụ án có liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng cơ bản còn gặp nhiều khó khăn… đề nghị Chánh án có giải pháp khắc phục hạn chế trên trong thời gian tới?

Trả lời, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết: Về khoa học pháp lý và luật pháp, hậu quả của các vụ án được xác định tại thời điểm xảy ra phạm tội. Tất cả tình tiết khách quan, động cơ, mục đích, hành vi và thủ đoạn cũng được tính ở cùng thời điểm. Nếu tính hậu quả ở thời điểm khác thì không đảm bảo tính khoa học.

Ông Bình cho hay: Theo sự phân công của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao đã ban hành Nghị quyết hướng dẫn. Theo đó từ nay tất cả các vụ án đều được xác định thời điểm khởi tố. Tuy nhiên, về xác định tài sản, sẽ thu tài sản tại thời điểm thi hành án, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Về giám định trong các vụ án liên quan đến đất đai, ông Bình cho biết: Theo quy định, các vụ án kinh tế phải chứng minh được hậu quả, thiệt hại. Muốn chứng minh được hậu quả và thiệt hại, cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định chuyên môn giá trị đất đai, nhưng hiện nay có bất cập về hoạt động giám định như trách nhiệm, năng lực yếu. Vì vậy giải pháp là nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên khi có yêu cầu giám định. Nếu bỏ khâu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ của cơ quan chuyên môn để ban hành các quyết định tiếp theo.

Hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế

Chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) nói: “Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát cho biết đã có những chỉ đạo và những biện pháp như nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Bên cạnh đó, đề nghị Viện trưởng cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?”.

Trả lời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết: Qua các vụ án thấy rằng cần hoàn thiện thể chế chính sách về quản lý kinh tế, điều hành quản lý xã hội để làm sao hạn chế tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công khai minh bạch trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ tiêu cực, tham nhũng.

Ông Trí cũng cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ thống nhất, dễ hiểu để không thể hiểu và làm khác được. “Ví dụ đấu giá hay không đấu giá đất thì Luật Đất đai quy định phải đấu giá, còn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản thì lại không. Như vậy là không có sự đồng nhất” - ông Trí dẫn chứng.

Qua các vụ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng kinh tế chức vụ vừa rồi cho thấy, phải tập trung bịt các lỗ hổng trong quy định pháp luật thực tế bị lợi dụng. Phải có lộ trình hạn chế sử dụng tiền mặt trong đời sống kinh tế xã hội. Yêu cầu bắt buộc các quan hệ kinh tế phải qua hệ thống ngân hàng để kiểm soát. Việc phổ biến sử dụng tiền mặt nên hoạt động kinh tế, quan hệ kinh tế thanh toán không qua ngân hàng là bất cập. Bên cạnh đó, tăng cường chế tài trách nhiệm quản lý nhà nước nếu để xảy ra sai phạm, tăng cường kiểm soát quyền lực, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm tham nhũng, tiêu cực để không thể lợi dụng. Tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật để ngăn chặn xử lý, răn đe.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Viện trưởng Kiểm sát cho biết có giải pháp hữu hiệu nào để truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý nghiêm, phòng ngừa, răn đe loại tội phạm này?

Trả lời, ông Trí cho rằng có 3 yếu tố. Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để không thể tham nhũng. Thứ hai, đối tượng chủ mưu cầm đầu có ý định chiếm đoạt, vụ lợi thì cần xử lý nghiêm để không dám tham nhũng. Thứ ba là không muốn tham nhũng.

Ông Trí cũng cho rằng chế độ chính sách cho cán bộ ở các cấp, nhất là cấp cơ sở tự sống bằng lương rất khó khăn. Từ đó, theo ông Trí, “chúng ta đòi hỏi mọi việc tốt nhưng cần nghiên cứu có lộ trình giải pháp, có chế độ chính sách để cán bộ yên tâm công tác. Phải luôn quan tâm để giảm bớt khó khăn đối với những người tâm huyết, nhiệt huyết muốn giữ gìn đạo đức trong sáng của mình trong nghề nghiệp”.

Quyết liệt thu hồi tài sản trong án tham nhũng - Ảnh 1

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình:

Từ nay tất cả các vụ án đều được xác định thời điểm khởi tố. Về xác định tài sản, sẽ thu tài sản tại thời điểm thi hành án, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Về giám định trong các vụ án liên quan đến đất đai, để chứng minh được hậu quả, thiệt hại cơ quan điều tra phải trưng cầu giám định chuyên môn. Vì vậy, giải pháp là nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên khi có yêu cầu giám định. Nếu bỏ khâu giám định, cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ của cơ quan chuyên môn để ban hành các quyết định tiếp theo.

Quyết liệt thu hồi tài sản trong án tham nhũng - Ảnh 2

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí:

Tăng cường chế tài trách nhiệm quản lý nhà nước nếu để xảy ra sai phạm, tăng cường kiểm soát quyền lực nhất là những lĩnh vực nhạy cảm tham nhũng, tiêu cực để không thể lợi dụng. Tăng cường, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán để phát hiện ngăn chặn kịp thời cũng như chuyển hồ sơ những trường hợp có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật để ngăn chặn xử lý, răn đe. Quan tâm để giảm bớt khó khăn đối với những người tâm huyết muốn giữ gìn đạo đức trong sáng của mình trong nghề nghiệp.