Qũy tiền tệ Quốc tế (IMF) lo ngại tội phạm rửa tiền bằng Bitcoin, Ethereum

27/12/2021 08:05 Vũ Ninh

IMF nhận định rằng người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, “đơn giản là vì không tồn tại đủ các thông tin đủ minh bạch và cơ chế giám sát phù hợp” trên thị trường này. Hơn thế nữa, cơ quan này tin rằng các loại hình tiền điện tử tạo ra một số "khoảng trống dữ liệu", và “có thể mở ra cánh cửa đối với hoạt động rửa tiền, bên cạnh đó là hành vi khủng bố tài chính".

Sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng

Cơ quan quản lý tài chính Vương quốc Anh FCA ra cảnh báo về mối liên hệ giữa mạng xã hội và lĩnh vực đầu tư tiền điện tử.

"Những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội thường xuyên được trả tiền bởi những kẻ lừa đảo nhằm giúp chúng bơm hoặc xả các đồng tiền số mà chúng nắm giữ có giá trị dựa phần nhiều vào hành vi đầu cơ thuần thuý.

Thậm chí, không ít KOL tham gia quảng cáo những loại hình tiền số không hề tồn tại", Charles Randell, chủ tịch FCA, chia sẻ trong một bài phát biểu hồi tháng 9.

Ông bổ sung vì thị trường tiền số được phát triển trên một công nghệ hoàn toàn mới, do đó “chúng ta không thể lường trước điều gì sẽ xảy ra trong một chu kỳ tài chính hoàn chỉnh.

Chúng ta đơn giản không thể biết được khi nào hoặc bằng cách nào câu chuyện này sẽ kết thúc, nhưng với bất kỳ một thị trường đầu cơ nào cũng sẽ không có một cái kết có hậu".

Kim Kardashian, người nổi tiếng với hơn 200 triệu người theo dõi trên Instagram, được trả tiền để quảng cáo một loại hình tiền số trên tài khoản cá nhân hồi đầu năm.

Những người chỉ trích đã nhấn mạnh sự thiếu hụt thông tin về các nhà phát triển của Ethereummax, đồng tiền số được quảng cáo.

"Đây không phải là một lời khuyên tài chính nhưng là chia sẻ từ những người bạn của tôi về Ethereummax", theo bài đăng của Kardashian. Cô còn thêm một số hashtag, trong đó bao gồm #ad, đồng nghĩa với việc bài đăng này của cô được chi trả tiền quảng cáo.

Nhiều người dùng mạng xã hội với lượng người theo dõi lớn khác cũng đã tham gia quảng cáo tiền số trên tài khoản của họ.

"Tiền điện tử thường được quảng cáo trong những bài viết khơi gợi phong cách sống hào nhoáng và tôi nghĩ điều này là tương đối nguy hiểm đối với giới trẻ", Myron Jobson, một nhà vận động tài chính cá nhân tại Interactive Investor, chia sẻ hồi tháng 10.

Bitcoin vẫn là đồng tiền điện tử lớn mạnh nhất thế giới

Tiêu chuẩn hoá

Ông cho rằng các nhà lập pháp cần phải chú ý hơn tới hoạt động quảng cáo tiền số và đảm bảo rằng các nhà đầu tư hiểu được những rủi ro gắn liền với loại hình tài sản đầy biến động này. Giá các đồng tiền số có thể biến động mạnh ngay chỉ trong một phiên giao dịch.

Một vấn đề khác đối với các nhà lập pháp đó là những người trẻ đang có sự quan tâm lớn đối với thị trường này và thường thực hiện khoản đầu tư đầu tiên của mình vào các đồng tiền số, thông qua các khoản vay nợ hoặc thẻ tín dụng.

Dữ liệu công bố bởi FCA hồi tháng 6 cho thấy có khoảng 2,3 triệu người dân Anh đang nắm giữ tiền điện tử. 14% trong số họ sử dụng thẻ tín dụng để mua tiền số, và có tới 12% trong số đó nghĩ rằng FCA sẽ bảo vệ họ một khi thị trường gặp vấn đề. Nhưng FCA lại khẳng định cơ quan này sẽ không thực hiện điều đó.

Một cuộc khảo sát đối với 1.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 tới 29 thực hiện trong tháng 7 cho kết quả 27% sử dụng thẻ tín dụng để đầu tư vào Dogecoin, 17% sử dụng khoản vay sinh viên và 12% sử dụng các khoản vay nợ khác để đầu tư tiền số.

Điều này có thể là con dao hai lưỡi đối vì các nhà đầu tư vì họ có thể vừa phải đối mặt với thua lỗ trên thị trường, vừa phải gánh gánh nặng trả nợ.

Theo IMF, các nhà lập pháp tại mỗi quốc gia nên ngồi lại cùng với nhau để có một cơ chế chung toàn cầu, bên cạnh đó là đẩy mạnh hoạt động giám sát xuyên biên giới vì đây là một lĩnh vực tương đối mới và cần phải tiêu chuẩn hoá dữ liệu.

“Chúng ta cần thời gian, bên cạnh đó hành động cần phải quyết đoán, nhanh gọn và mang tính chất hợp tác toàn cầu. Chỉ có như thế, dòng lợi ích mới không bị cản lại trong khi chúng ta giải quyết những điểm yếu", IMF cho biết trong tháng 10.

Tuy nhiên đối với nhiều quốc gia lại coi tiền điện tử là một mối đe dọa

Công cụ rửa tiền

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tương đối quan ngại về các đồng tiền điện tử, đặc biệt với lý do thị trường  này đang phát triển với tốc độ nhanh như vũ bão và các quy định pháp lý nhằm quản lý lại không thể theo kịp thực tiễn.

Tổng giá trị thị trường của các loại hình tài sản số đã vượt 2.000 tỷ USD, ghi nhận trong tháng 9, tăng hơn gấp 10 lần so với thời điểm đầu năm 2020, theo dữ liệu thu thập bởi IMF.

Evan Papageorgiou, phó giám đốc phụ trách bộ phận tại IMF, hồi tháng 10 cho biết "hệ sinh thái tiền điện tử đã phát triển nhanh chóng… Quá trình này cho thấy xu hướng tăng trưởng tương đối ổn định, nhưng vẫn xuất hiện những thử thách áp lực đầy thú vị".

Một trong những vấn đề IMF đã chỉ ra đó là nhiều cá nhân và định chế tài chính đang thực hiện giao dịch những loại hình tài sản nói trên trong khi "thiếu đi các cơ chế hoạt động, quản trị và đối phó rủi ro chặt chẽ".

Một số định chế tài chính khác đã lên tiếng kêu gọi các chính phủ hành động để đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư trên thị trường này.

Tiền điện tử là một chủ đề gây chia rẽ, khi một số người cho rằng đây chính là tương lai của ngành tài chính trong khi một vài người khác lại có những quan điểm hoài nghi về rủi ro mà chúng mang lại.