Quảng Ninh: Thu hút FDI chưa xứng với tiềm năng, lợi thế

09/12/2022 06:37 daidoanket.vn

Quảng Ninh: Thu hút FDI chưa xứng với tiềm năng, lợi thế

Nguyễn Quý

20:05 08/12/2022

Chiều 12/8, Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư xoay quanh vấn đề thu hút FDI.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện đang có 153 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kết luận nội dung chất vấn. Ảnh: QMG.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký kết luận nội dung chất vấn. Ảnh: QMG.

Trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD đạt 64% cùng kỳ, bằng 49,22% kế hoạch năm 2022 (1.500 triệu USD).

Khi được chất vấn về nguyên nhân dẫn đến kết quả thu hút FDI không đạt mục tiêu đề ra, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường đã trả lời: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách cách ly, hạn chế mở cửa; áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế châu Âu và Mỹ; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu bị đứt gãy; hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa, cước phí vận tải biên tăng cao... đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng như hạn chế nhà đầu tư đến từ các nước tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.

Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư trong đó có FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém chủ quan như: Công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng; số dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư; công tác hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT còn chậm;…

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, kết quả thu hút đầu tư năm 2022 vẫn thấp có một phần trách nhiệm của BQL KKT tỉnh khi đơn vị chưa linh hoạt, hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, về góc độ cơ quan tham mưu xúc tiến đầu tư của tỉnh, bà Vũ Thị Kim Chi, Phó Trưởng Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh cũng nêu ra một số tồn tại, đó là chưa đổi mới và có sự tham mưu sáng tạo, có cách tiếp cận mới để tham mưu cho tỉnh một giải pháp tổng thể.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn của các đại biểu về thu hút đầu tư FDI. Ảnh: QMG.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Mạnh Cường trả lời chất vấn của các đại biểu về thu hút đầu tư FDI. Ảnh: QMG.

Làm rõ thêm trách nhiệm về thu hút đầu tư FDI không đạt như kỳ vọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng nhấn mạnh, cần phải xem xét thêm nguyên nhân đến từ phía chính quyền các địa phương có dự án đó là GPMB còn chậm, công tác san lấp mặt bằng cũng chưa thực sự được đẩy mạnh. Đồng thời, vấn đề về nguồn năng lượng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của nhà đầu tư…

Phát biểu kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký lưu ý, việc thu hút đầu tư nước ngoài hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu, trong thời gian tới cần triển khai một số giải pháp, trong đó lên kế hoạch thu hút đầu tư đối với 500ha đất sạch chuẩn bị đầu tư. Đồng thời, rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp, trong đó có đánh giá thực trạng về vấn đề quản lý sử dụng đất, vấn đề đầu tư hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp. Qua đó đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa trong và ngoài khu công nghiệp với hạ tầng thiết yếu, giao thông, điện, nước, nhà ở cho công nhân lao động. Rà soát quy hoạch trong khu công nghiệp để xem phân khu, xem quy hoạch mặt bằng các phân khu, quy hoạch sử dụng mặt bằng.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị UBND tỉnh tập trung đánh giá lại mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư để xây dựng lại cơ quan đầu mối đủ năng lực, đảm bảo hiệu lực hiệu quả hoạt động với sự thống nhất cao nhất; phân định rõ trong và ngoài KCN.

Đề nghị UBND tỉnh chú trọng hình thức xúc tiến đầu tư trực tiếp với các nhà đầu tư thông qua các cơ quan ngoại giao và các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương. Tiếp tục tập trung 3 khâu đột phá, trong đó có hạ tầng KCN, hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực và xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.

Cuối cùng, cần tập trung vào chuyển đổi số, hoàn thiện các nội dung mà nhà đầu tư quan tâm mà chúng ta chưa trả lời. Trong công tác xúc tiến đầu tư cũng không thể không nói tới vấn đề về truyền thông để tạo sự đồng thuận xã hội trong xúc tiến đầu tư. Tránh trường hợp tỉnh thì rất hoan nghênh nhà đầu tư nhưng xuống đến các xã, phường thì lại lắc đầu.