Quảng bá sàn chứng khoán quốc tế ACX, DK Trade, SEA Investing là phạm pháp

13/09/2022 06:12 Công Lý

Một sự kiện quảng bá sàn chứng khoán quốc tế trái phép DK Trade được phát công khai trên nhiều nền tảng internet

Chân dung “ông trùm” forex ACX, DK Trade

Trong đơn thư tố cáo gửi Bộ Công an của 57 nhà đầu tư thuộc hệ thống lừa đảo đội lốt chứng khoán quốc tế ACX, DK Trade, Scope Market, LCM..., nhóm người này tố cáo Trần Đình.S  cùng các quản lý của hệ thống sàn này tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và tổ chức đánh bạc trái phép.

Theo đó, Trần Đình S. đã thông qua các quản lý điều khiển các sàn chứng khoán lừa đảo. Bản thân S. cũng từng xuất hiện trong một bản tin truyền hình để quảng cáo cho sàn DK Trade.

Thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này đó là giả mạo các sàn chứng khoán quốc tế được cấp phép từ Anh Quốc sau đó mời gọi nhà đầu tư tham gia nạp tiền. Họ sử dụng một đội ngũ telesales (chào mời đầu tư qua điện thoại), liên hệ qua mạng xã hội zalo, facebook, tư vấn người chơi "đánh lệnh".

Những lệnh đầu tiên, sàn thường để cho nhà đầu tư thắng sau đó tư vấn đánh các lệnh lớn, thu mức phí lớn và không rõ ràng dẫn đến mất hết tiền trong tài khoản của nhà đầu tư.

Khi đã thua hết tiền, các đối tượng sẽ giới thiệu nhà đầu tư sang một sàn Forex mới, với cam kết nếu nạp tiền vào sẽ chơi thắng lại được số tiền đã thua.

Sau quá trình điều tra hơn 1 năm trời với sự giúp đỡ của hàng nghìn nhà đầu tư trên cả nước, bức tranh tổng thể về đường dây này đã hiện ra tương đối rõ ràng.

Hệ thống này có hàng trăm công ty con được thành lập dưới vỏ bọc là các công ty truyền thông, tư vấn xây dựng, máy tính – internet. Để tránh sự điều tra của các cơ quan chức năng, họ xây dựng hệ thống chân rết khắp 3 miền, đặt trụ sở tại những tòa nhà lớn và hoạt động ẩn danh.

Trần Đình S. thành lập hàng trăm sàn forex lừa đảo trên khắp cả nước thuộc hệ thống GKFX với chung một thủ đoạn, cách thức hoạt động, giao dịch trên nền tảng MT4, MT5.

Trần Đình S. quảng bá trái phép sàn DK Trade trên sóng truyền hình

Hệ thống này còn “bao nuôi” một đội xã hội đen luôn thường trực tại sàn. Khi có nhà đầu tư đến khiếu nại, chúng cho xã hội đen vây đánh. Đã có nhiều nạn nhân hai miền Nam Bắc bị chúng đánh tại sàn hoặc dàn cảnh va chạm giao thông để đánh nạn nhân. 

Chúng không từ một thủ đoạn nào nhằm hạ thấp uy tín, danh dự, đe dọa tinh thần, thể xác của nhà đầu tư.  Nhiều người đã bị chúng dồn đến bước đường cùng khiến người thân nghi phải tự tử trong uất hận. Theo một thống kê sơ bộ, mỗi tháng, doanh thu từ hệ thống lừa đảo này có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Tổ chức đánh bạc trái phép và truy sát nạn nhân

Chị N.M.T  (Thành phố Hồ Chí Minh) là một nhân chứng sống, từng giáp mặt Đ.K.L là quản lý của sàn DK Trade, đang sống trong những ngày lo sợ vì bị truy sát.

Kể từ ngày chị T. phanh phui chân dung ông trùm Trần Đình S. thì tính mạng của chị và gia đình đang đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Chị T kể, để tìm hiểu về tổ chức lừa đảo này, chị đã đóng vai là nhân viên đi xin việc tại sàn ACX. Tại đây, chị đã giáp mặt Đ.K.L là quản lý của sàn và tìm hiểu được Trần Đình S.  là người đứng sau quản lý toàn bộ hoạt động của hai sàn ACX, DK Trade.

“Ông trùm đứng đằng sau hệ thống chứng khoán lừa đảo là Trần Đình S. Trong đó S. xuất thân từ các hệ thống đa cấp. Nhân vật này khá trẻ, thuộc lứa 9X. Trần Đình S. hiện đang quản lý hai sàn ACX và DK Trade. Ngoài ra S. còn thay mặt P.Đ.N quản lý gần 40 sàn chứng khoán lừa đảo tại khu vực miền Nam. Sau khi bị tôi vạch trần trong nhóm nạn nhân, Trần Đình S. đã lệnh cho xã hội đen đi tìm tôi. Chúng không từ thủ đoạn nào thậm chí truy sát và dọa nạt gia đình tôi. Hiện tại bản thân tôi đang rất hoảng loạn vì không biết chúng sẽ tìm đến tôi lúc nào. Tôi cầu cứu cơ quan chức năng bảo vệ tính mạng tôi và gia đình đồng thời điều tra đưa ổ nhóm mafia này ra ánh sáng”, chị T cho biết.

Một số nhà đầu tư khác cũng cho biết, đội nhóm của Trần Đình S. đã thuê xã hội đen tìm những người lên tiếng. Thậm chí có người phải đi ra nước ngoài để bảo toàn tính mạng.

“Khoảng 1 tháng trước, một nhóm xã hội đen 15 người tìm đến nhà tôi. Mục đích của chúng là đánh đập thậm chí tiêu diệt tôi nếu như tôi đứng ra đấu tranh với hệ thống sàn lừa đảo này. Chúng không từ bất kỳ thủ đoạn nào để tiêu diệt nạn nhân. Chúng quá manh động và ngông cuồng. 

Chưa bao giờ mà bọn lừa đảo lại liều lĩnh như hiện nay. Chúng cho người đi tìm đánh và đe dọa nhà đầu tư hoặc những ai đứng về lẽ phải. Trần Đình S., là những kẻ cầm đầu đường dâu này. Thay mặt nhóm nạn nhân trên cả nước, chúng tôi cầu cứu sự vào cuộc của pháp luật để bảo vệ chúng tôi”, chị N.L.A, đại diện nhà đầu tư nói trong nước mắt.

Sàn DK Trade là một tổ chức cờ bạc trá hình đội lốt đầu tư tài chính

Trước vấn nạn nhức nhối hàng triệu người bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi hệ thống chứng khoán quốc tế giả mạo, đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết:

“Thời gian qua, có hiện tượng một số tổ chức, cá nhân tự nhận là công ty chứng khoán quốc tế hoặc đại diện sàn giao dịch chứng khoán quốc tế hoặc tự tổ chức sàn giao dịch chứng khoán quốc tế (BE Exchange, DK-Trade, FTXtrade.com, LCM, Multibankfx…) kêu gọi, mời chào nhà đầu tư mở tài khoản, gửi tiền vào các ví điện tử, đầu tư vào các loại chỉ số chứng khoán, hợp đồng phái sinh chứng khoán quốc tế trên các sàn giao dịch chứng khoán không phải do Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Việt Nam và công ty con tổ chức, vận hành”.

Theo thông tin từ các Cơ quan Cảnh sát điều tra và đơn từ khiếu nại của nhà đầu tư, một số đối tượng đã thực hiện can thiệp vào giá mã chứng khoán thông qua ứng dụng do các đối tượng này vận hành dẫn đến nhà đầu tư bị thua lỗ rồi lợi dụng chiếm đoạt tiền đầu tư của họ.

Bên cạnh đó những sàn chứng khoán lừa đảo này còn tổ chức cờ bạc trá hình đầu tư tài chính, sử dụng xã hội đen để đe dọa, truy sát nạn nhân rõ yếu tố vi phạm pháp luật nên cần điều tra làm rõ.

Hiện nay xuất hiện tình trạng các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực đầu tư tiền ảo, Forex, cờ bạc…đã bắt đầu len lỏi vào trong hệ thống trường học để lôi kéo giáo viên, sinh viên, học sinh tham gia.

Để hạn chế hậu quả của việc làm bất hợp pháp này, Báo Giáo dục và Thời đại bắt đầu triển khai chuyên đề: “Tuyên truyền nhằm làm rõ phương thức, thủ đoạn của các tổ chức lừa đảo chứng khoán, tiền ảo, cờ bạc trá hình” nhằm hạn chế các tác động xấu đến môi trường học đường và nền giáo dục nước nhà.