PVTrans: Lợi nhuận trước thuế đạt trên 1.000 tỷ năm 2021, tăng trưởng 10 năm liên tiếp

29/01/2022 06:03 Thùy Dương

Thị trường vận tải biển năm 2021 vẫn chịu tác động của đại dịch Covid -19. Trong đó, thị trường vận tải dầu thô và dầu sản phẩm có giá cước và thu nhập ngày tàu (TCE) vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trung bình năm 2020 do chi phí nhiêu liệu đầu vào tăng cao và nguồn cung tàu dồi dào trên thị trường khi các tàu làm kho chứa nổi được giải phóng.

Thị trường LPG ghi nhận sự tăng trưởng với giá cước phân khúc tàu VLGC tăng mạnh từ quý III/2021 nhưng vẫn thấp hơn trung bình năm 2020.

Thị trường vận chuyển hóa chất phân khúc MR/Handysize cũng tương đối ổn định nhưng giá cước có sự suy giảm so với trung bình năm 2020.

Thị trường vận tải hàng rời có sự tăng trưởng đột phá ở tất cả các phân khúc tàu nhưng đã bắt đầu hạ nhiệt từ tháng 11/2021.

Trong khi đó, tình hình địa chính trị khu vực Trung Đông, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran và Venezuela, an toàn hàng hải tại khu vực eo biển Homuz,… vẫn diễn biến khó lường khiến cho khu vực hoạt động các tàu ngày càng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung dù có dấu hiệu giảm căng thẳng nhưng các biện pháp trừng phạt vẫn tiếp diễn, tranh chấp ở khu vực Biển Đông khiến cho thị trường ngày càng thu hẹp và phát sinh thêm nhiều chi phí liên quan cho các chủ tàu.

Trong nước, biến thể Delta lây lan nhanh đã gây cú sốc mạnh cho nền kinh tế khi các hoạt động sản xuất kinh doanh ở khu vực miền Trung và phía Nam gần như ngừng trệ hoàn toàn do các biện pháp phong tỏa chặt chẽ trong quý III/2021.

Từ đầu tháng 10/2021, mặc dù dịch bệnh từng bước được kiểm soát, nhiều địa phương trên cả nước đang trở về trạng thái “bình thường mới” nhưng mức độ phục hồi còn chậm, nhiều khó khăn trong các tháng cuối năm.

PVTrans tiếp đà tăng trưởng trong năm 2021


Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 nhưng bằng nhiều giải pháp, PVTrans đã tận dụng cơ hội thị trường mua bán tàu đang tốt, đầu tư thành công 6 tàu trong năm 2021, góp phần trẻ hóa, mở rộng đội tàu lên 36 chiếc với tổng trọng tải trên 1,05 triệu DWT, lớn nhất Việt Nam.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng PVTrans đã chủ động, linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp, kịch bản khắc phục khó khăn, duy trì sản xuất ổn định, an toàn, hiệu quả và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021.

Năm 2021, PVTrans ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.368 tỷ đồng, vượt 23% so với kế hoạch năm 2021, giảm nhẹ so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 838 tỷ đồng, gấp đôi so với kế hoạch năm 2021, tăng nhẹ so với năm 2020.

Với kết quả này, PVTrans tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 10 năm liên tiếp, từ năm 2011 đến nay.

Với kết quả kinh doanh tốt và năng lực tài chính không ngừng được nâng cao, vị thế và uy tín của PVTrans trong ngành dầu khí và vận tải biển được duy trì và củng cố trong năm 2021 khi PVTrans tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 trong Top 10 công ty uy tín ngành logistics năm 2021.

Đặc biệt, đây là năm thứ 2 liên tiếp PVTrans được Vietnam Report xếp hạng cao nhất và không những thế, 3 đơn vị thành viên khác thuộc PVTrans cũng được vinh danh trong trong Top 10 này là Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương; Công ty Cổ phần Vận tải Sản phẩm khí Quốc tế và Công ty Cổ phần Vận tải Nhật Việt.

Trong năm 2021, PVTrans cũng vinh dự nhận giải thưởng Asia Pacific Entrepreneurship Awards (APEA) Việt Nam, tiếp tục lọt vào danh sách Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với thứ hạng 168 và Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam với thứ hạng 106.

Cổ phiếu PVT thu hút sự quan tâm và nhận được sự đánh giá cao của nhà đầu tư nhờ kết quả Sản xuất kinh doanh tích cực và triển vọng tăng trưởng từ việc mở rộng quy mô, phát triển đội tàu.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PVT hiện đang giao dịch quanh mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 40% trong vòng 1 năm qua.

Cổ phiếu PVT ngày càng được đánh giá cao, được các quỹ đầu tư, cổ đông nước ngoài nắm giữ lâu dài, thị giá cổ phiếu tăng trưởng tốt và ổn định qua nhiều biến động của thị trường.